Sau khi tốt nghiệp, Triết có một thời gian làm trong lĩnh vực luật tuy nhiên cậu nhận ra đam mê lớn nhất của cuộc đời cậu không phải ở công việc này, mà là ở những tà áo truyền thống của dân tộc mình.
Tôi từng hỏi Triết: Có bao giờ cảm thấy tiếc nuối vì đã dành rất nhiều thời gian để theo đuổi một ngành học, nhưng rồi lại chọn một ngã rẽ hoàn toàn khác?
Triết cười bảo: Không có gì phải tiếc cả. Bởi vì học vốn dĩ là để hiểu biết, kiến thức mình đã học có thể không áp dụng được vào lúc này, nhưng lúc khác cũng sẽ cần. Quan trọng là sau những ngày tháng đó mình nhận ra bản thân thật sự phù hợp với điều gì.
Niềm hạnh phúc của Triết là được tạo nên bộ trang phục truyền thống tuyệt đẹp.
Từ anh cử nhân luật đến chàng thợ may trang phục truyền thống
Tôi biết Triết qua lời kể của một cô bạn người Chăm ở Ninh Thuận, rằng có một chàng trai 9x quyết định từ bỏ công việc văn phòng để trở về ngôi làng của mình và may nên những chiếc áo dài Chăm tuyệt đẹp. Cuộc sống hiện đại ngày một ảnh hưởng nhiều đến cách sống và lựa chọn công việc của người trẻ, thế nên quyết định của Triết thật sự khiến tôi tò mò về lý do đã đưa cậu đến con đường này.
Triết chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình.
Minh Triết sinh năm 1994 tại Ninh Thuận, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, cậu theo học ngành Luật học tại trường Đại học Đà Lạt. Tốt nghiệp đại học, Triết về làm việc trong hội Luật sư tỉnh Ninh Thuận, sau một thời gian trải nghiệm với công việc, cậu nhận ra bản thân không thật sự phù hợp với môi trường này.
Triết có năng khiếu may từ khi còn bé.
Sinh ra trong một gia đình người Chăm có truyền thống lâu đời, vốn có niềm yêu thích với trang phục truyền thống từ lúc còn bé thế nên Triết quyết định trở về nhà để dành thời gian theo đuổi đam mê này.
Ban đầu anh chàng chỉ nhận may trang phục truyền thống cho một số người quen trong làng, dần dần nhiều người biết đến tay nghề điệu nghệ của Triết và tìm tới đặt may nhiều hơn. Triết cười bảo: "Có hôm khách nhiều quá phải từ chối bớt. Nhiều lần dặn khách: em may cái này nữa thôi nha, mai không may nữa, nhưng mấy chị cứ đem vải tới năn nỉ, rồi đâu có đành lòng mà từ chối được".
Biệt tài riêng của Triết là đo không cần ghi chép, mà sẽ tự ghi nhớ chính xác từng số đo của khách.
Tôi hỏi Triết về lý do lựa chọn công việc này, cậu trầm ngâm một lúc rồi nói: "Có những người sinh ra vốn đã dành cho một công việc nào đó".
Triết kể: ngày còn nhỏ có một bác thợ may thường xuyên đến nhà để đo và may đồ cho gia đình, ông làm việc ngay dưới sàn nhà nên Triết quan sát rồi học tự mày mò cách cắt may. Năm lớp 3 cậu đã biết sử dụng máy may, lên lớp 5 đã có thể may ra thành phẩm hoàn chỉnh mà không qua một lớp đào tạo nào. Bởi mới nói may đôi khi là bản năng mà Triết đã có sẵn trong mình.
Có những người sinh ra vốn đã dành cho một công việc nào đó
Ước mơ đưa chiếc áo dài Chăm đến với nhiều người
Các giá trị truyền thống của gia đình được lưu giữ đầy trân trọng ít nhiều có ảnh hưởng đến tính cách của Triết, chúng âm thầm tồn tại trong tâm hồn để rồi trong khi rất nhiều bạn trẻ chạy đua theo văn hoá hiện đại thì cậu lại dành tình yêu của mình cho những điều xưa cũ.
Triết hiện đang sống cùng gia đình trong ngôi nhà cổ của người Chăm có trên 500 năm tuổi.
Anh chàng dành nhiều thời gian để tìm hiểu đặc điểm của từng bộ trang phục truyền thống, từ phom dáng đến hoạ tiết hoa văn cổ, nhằm lưu giữ nét văn hoá đặc trưng của dân tộc mình. Triết có thể may rất nhiều loại trang phục từ truyền thống đến hiện đại, tuy nhiên cậu vẫn dành nhiều tình cảm với chiếc áo dài Chăm.
Phụ nữ Chăm uyển chuyển trong chiếc áo dài.
Áo dài trong tiếng Chăm được gọi là Aw kamei Cam. Chất liệu dùng để may rất phong phú như voan, ren, nhung... áo dài Chăm không xẻ tà như áo dài Việt, cổ áo thường có hình tròn hoặc hình trái tim, tuỳ vào người mặc mà áo có thể dài qua đầu gối hoặc dài chấm gót. Áo dài được mặc cùng với váy tạo nên sự uyển chuyển và bước đi nhẹ nhàng cho người phụ nữ Chăm.
Vào các dịp lễ hội lớn, áo dài còn được điểm xuyết bằng dây thắt lưng (một dây được buộc chéo qua ngực gọi là talei kabak và một dây được buộc quanh ngang eo gọi talei ka-in) tôn lên những đường cong quyến rũ của người phụ nữ.
Triết bảo chiếc áo dài Chăm thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng kỹ thuật may rất khó, vì nếu cắt và ráp không đúng thì chiếc áo sẽ không thẳng. Tuy nhiên đến hiện tại thì cậu đã thành thục trong việc tạo nên một chiếc áo dài, trung bình một ngày Triết có thể may 10 chiếc áo dài Chăm.
Bố mẹ và gia đình rất ủng hộ Triết trên con đường mà cậu đã chọn, bởi trong thời buổi mà thầy nhiều hơn thợ mọi người đều rất mong muốn có những người trẻ dám nghĩ dám làm và dành tâm huyết của mình để phát triển những nét đẹp của dân tộc. Triết tâm sự: "Mình ấp ủ mở một tiệm may để có thể giới thiệu những bộ trang phục truyền thống của người Chăm đến rộng rãi mọi người, qua đó giúp mọi người hiểu hơn về một nền văn hoá lâu đời của cộng đồng người Chăm".
Những cô gái Việt thích thú trong trang phục truyền thống của người Chăm.
Chiếc áo dài Việt đã vươn ra khỏi biên giới quốc gia đại diện cho nét đẹp của người phụ nữ Việt, thế nên hy vọng một ngày không xa chiếc áo dài Chăm cũng sẽ bước ra ánh sáng một cách rực rỡ nhất.
Toàn Nguyễn