Tin mới

Chặt hạ, di dời 1.300 cây xanh: Sẽ thay thế bằng cây Giáng Hương

Thứ ba, 06/06/2017, 22:12 (GMT+7)

Liên quan đến việc di dời, chặt hạ 1.300 cây xanh để mở rộng đường Phạm Văn Đồng, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thành phố sẽ trồng lại hơn 1.400 cây Giáng Hương, số lượng hơn với số cây bị đánh chuyển đi.

Liên quan đến việc di dời, chặt hạ 1.300 cây xanh để mở rộng đường Phạm Văn Đồng, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thành phố sẽ trồng lại hơn 1.400 cây Giáng Hương, số lượng hơn với số cây bị đánh chuyển đi.

Hàng cây xanh chủ yếu là xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Thanh niên

Chiều 6/6, tại buổi giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc di chuyển, giải tỏa cây xanh trên đường Pham Văn đồng mới chỉ là đề xuất của chủ đầu tư.

Cụ thể, khi thực hiện dự án mở đường Phạm Văn Đồng, ngoài việc giải tỏa công trình nhà, hạ tầng dọc tuyến, theo phương án do đơn vị tư vấn lập, tổng số cây cần dịch chuyển, giải tỏa và cắt tỉa là 1.315 cây. Trong đó, giữ nguyên 142 cây; dịch chuyển 158 cây; phải giải tỏa, chặt hạ 1.015 cây.

Ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - cho biết, phương án mở rộng đường Phạm Văn Đồng được Hà Nội phê duyệt năm 2013.

Đến năm 2016, thành phố cho điều chỉnh thiết kế mới ra mặt cắt hoàn thiện. Việc mở rộng vành đai 3 rất cần thiết. Ngoài việc giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư phải lập kế hoạch di chuyển, giữ nguyên vị trí cây xanh đường Phạm Văn Đồng. 

Theo quy hoạch và hồ sơ thiết kế mở rộng đường Phạm Văn Đồng, hàng cây cần di chuyển, giải tỏa nằm trong phạm vi mở rộng đường, các đường dẫn lên xuống đường trên cao.

Ông Lê Văn Dục khẳng định: "Trong trường hợp bất khả kháng, đơn vị thi công mới phải chặt hạ cây xanh. Việc mở rộng đường Phạm Văn Đồng vô cùng quan trọng, cấp thiết vì tuyến đường này lượng xe cộ quá lớn, ùn tắc gần như thường xuyên".

Về số lượng cây phải đánh chuyển, ông Dục cho biết, thông tin đánh chuyển hơn 1.000 cây mới chỉ là phương án của đơn vị tư vấn Tedi đề xuất với chủ đầu tư. 

Sau khi chủ đầu tư đưa lên, Sở Xây dựng sẽ tập hợp lại, báo cáo thành phố. Tuy nhiên, Sở cũng như thành phố sẽ cố gắng hết sức giảm chặt hạ được cây nào tốt cây đó.

Khi trả lời báo chí, ông Dục luôn nhấn mạnh rằng mấy từ “di chuyển, giữ nguyên vị trí và bất khả kháng thì mới đánh hạ để thi công”. Quan điểm của thành phố không phải chặt hạ là hàng đầu, mà sẽ cố gắng đánh chuyển để sử dụng vào mục đích khác.

“Với Công nghệ mới, có các đơn vị đủ kinh nghiệm, tôi tin rằng có thể đánh chuyển được, cây sống được nhiều”, ông Dục nói.

Sau khi đánh chuyển các cây này, ông Dục cho biết thành phố sẽ trồng lại hơn 1.400 cây Giáng Hương, khoảng hơn 100 cây bàng Đài Loan, cọ dầu, ban hoàng hậu.

Ngoài ra, còn có khoảng 4.600 cây bụi như đại sứ, tường vi, hoa giấy… được trồng trên tuyến đường này. Gần 70.000 m2 thảm cỏ, cây thảm lá màu cũng được trồng trên tuyến đường. Như vậy, đường Phạm Văn Đồng sẽ có đủ cây tầm trung, cây tầm cao, cây tầm thấp và thảm ở dưới.

Tại buổi họp, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cũng khẳng định không có chủ trương về giải tỏa, thay thế 4.000 cây xà cừ mà báo chí đã nêu trong thời gian vừa qua.

Trước đó, thông tin từ Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, để phục vụ việc mở rộng đường Phạm Văn Đồng, đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến cầu Thăng Long, dự kiến sẽ phải di dời, chặt hạ khoảng 1.300 cây xanh trên tuyến. Trong số khoảng 1.300 cây xanh nằm trong diện phải di dời, chặt hạ hủ yếu là cây xà cừ, được trồng từ những năm 1980 trở lại đây.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news