Tin mới

Chiêm ngưỡng bút tích của các hoàng đế triều đại cuối cùng ở Việt Nam

Thứ tư, 02/12/2015, 15:35 (GMT+7)

Hơn 100 phiên bản tài liệu từ hai khối Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn vừa được giới thiệu đã khẳng định những đóng góp to lớn của vương triều đối với việc biên soạn chính sử trong suốt 143 năm trị vì.

Hơn 100 phiên bản tài liệu từ hai khối Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn vừa được giới thiệu đã khẳng định những đóng góp to lớn của vương triều đối với việc biên soạn chính sử trong suốt 143 năm trị vì.

Triển lãm tài liệu lưu trữ với chủ đề "Triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử qua Châu bản, Mộc bản - Di sản tư liệu thế giới" do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và IV phối hợp tổ chức tại Hà Nội sáng nay (2/12) đã giới thiệu những đóng góp của triều Nguyễn đối với việc tổ chức nghiên cứu, biên soạn sử sách qua hai di sản tư liệu thế giới được UNESCO công nhận. 

Vua Khải Định (1916 - 1925) và Vua Bảo Đại (1926 1945) - Sách "Thực lục Chính biên Đệ thất kỉ" chép về lịch sử Việt Nam đời Khải Định do Quốc sử quán triều Nguyễn thời Bảo Đại biên soạn. Đây là bộ chính sử cuối cùng của vương triều phong kiến cuối cùng tại Việt Nam.

Những tư liệu được trưng bày góp phần khẳng định đóng góp và thành quả của triều Nguyễn đối với việc biên soạn các cuốn sách sử lớn của vương triều như: Minh mệnh chính yếu, Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam hội điển sự lệ, Khâm định Việt sử thông giám cương mục...

Được biết, triển lãm kéo dài đến hết ngày 30/1/2016.

Một số hình ảnh về các Châu bản, Mộc bản tại triển lãm:

Bản tấu của Viện Cơ mật về việc tra cứu sách "Thực lục đệ tam kỉ" để phong tước cho Hoàng tử Bảo Đảo năm Thành Thái thứ 18 (1906)

 

Bản dập Mộc bản ghi chép về việc năm Tự Đức thứ nhất (1848), vua chuẩn cấp cho các khoản vật liệu như gỗ thị, bút, giấy Nguyên giáp, mực các hạng để phục vụ việc san khắc bộ sách "Đại Nam thực lục Chính biên Đệ nhất kỉ"

 

Bản dập Mộc bản ghi chép về việc nhà Nguyễn cho dựng thêm nhà chứa ván in sách ở Cục in sách tại Quốc sử quán năm Tự Đức thứ 10 (1857)

 

Bìa sách "Đại Nam Chính biên liệt truyện sơ tập" và "Đại Nam thực lục Chính biên Đệ nhất kỉ"

 

Mộc bản và bản dập bìa sách "Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập" ghi chép về việc Vua Tự Đức vịnh các nhân vật lịch sử và các giai thoại lịch sử

 

Bản dập Mộc bản ghi chép về việc năm Kiến Phúc thứ nhất (1884), vua chuẩn cho kiểm xét chữ viết và các khoản thức để san khắc bộ sách "Minh Mệnh chính yếu"

 

Bản tấu của Quốc sử quán về việc viết biểu văn sách "Thực lục Chính biên Đệ tứ kỉ" theo kiểu chữ Tống, rồi khắc lên ván gỗ để dâng vua ngự lãm, năm Thành Thái thứ 9 (1897)

 

Ấn, kiềm, núm, đế ấn của Quốc sử quán

 

Bản dập Mộc bản ghi chép về việc năm 1811, Vua Gia Long khuyến khích việc sưu tầm những sự tích cũ của triều Lê và Tây Sơn 

 

Vua Minh Mệnh ban thưởng cho thợ san khắc và những người trông coi khi khắc in xong tập thơ "Ngự chế", năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) 

 

Bản phụng chỉ về việc cấp tiền, gạo cho thợ khắc chữ mới tuyển ở hai xã Liễu Tràng và Hồng Lục thuộc Bắc thành, năm Minh Mệnh thứ 10 (1829)

 

Châu bản là toàn bộ các văn bản hành chính của triều Nguyễn, bao gồm các tập tấu, sớ, chiếu, chỉ dụ... được đích thân nhà vua ngự lãm hoặc ngự phê bằng mực son, truyền đạt ý chí hoặc giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, xã hội.... 
Mộc bản là những tấm gỗ khắc chữ Hán hoặc Nôm ngược, được in ra thành các cuốn sách, được dùng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến. 

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news