Châu Bản Triều Nguyễn vừa chính thức đón bằng di sản tư liệu, thuộc chương trình 'Ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương' của UNESCO. Đây là di sản tư liệu thứ 4 của Việt Nam được thế giới công nhận, sau mộc bản triều Nguyễn, 82 bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm.
Buổi lễ đón nhận Bằng di sản Châu Bản Triều Nguyễn được tổ chức sáng qua (30/7), tại Hà Nội.
Châu bản Triều Nguyễn là các tài liệu hành chính hình thành trong các hoạt động quản lý nhà nước của triều Nguyễn từ 1802 đến 1945. Đây là các tài liệu gốc có bút tích phê duyệt của các hoàng đế triều Nguyễn. Đồng thời là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến Việt Nam.
Phát hiện giá trị đặc biệt, đáp ứng đầy đủ tiêu chí về hình thức và nội dung như tính độc đáo, sát thực, tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế, tháng 5/2014, Châu bản Triều Nguyễn chính thức được Unesco công nhận là tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Toàn bộ khối Châu bản Triều Nguyễn được bảo quản tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, thuộc cục văn thư và lưu trữ nhà nước.
Bà Katherine Muller Marine, Trưởng Đại diện UNESCO Việt Nam trao Bằng Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
Châu bản Triều Nguyễn là văn bản chính quy được tạo lập trong suốt 143 năm tồn tại, phản ánh trung thực tình hình đất nước qua quan hệ bên trong và quan hệ bang giao với các nước trong khu vực. Đây còn là kỷ lục của một loại ấn phẩm thủ công mà không dễ dàng các nước có nền văn hoá lâu đời hay nền văn minh phát triển có được. Vô giá và độc nhất là hai từ mà hầu hết các nhà khoa học dùng để nói về Châu bản, tài liệu hội tụ đủ các giá trị để trở thành di sản tư liệu thế giới.
Trong khối tư liệu Châu Bản Triều Nguyễn có bản tấu ngày 21/6 năm Minh Mệnh thứ 19 (năm 1838) của Bộ Công về việc đoàn khảo sát Hoàng Sa đã đến được 25 đảo, còn 1 sở ở hơi xa do mưa to, gió lớn chưa tới được.
Bản tấu ngày 28/12 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) của Bộ Công về việc thường năm có lệ đưa binh thuyền vãng thám xứ Hoàng Sa, phụng châu phê đình do công việc hiện nhiều xin đình đến sang năm.
Đây chỉ là 2 trong 85.000 bản của 11 triều vua nhà Nguyễn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay và là những tài liệu độc bản, nghĩa là bản duy nhất có bút tích phê duyệt của Hoàng đế trên tất cả các lĩnh vực của quốc gia như: chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hoá xã hội.
Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, hiện nay có tới 18 tài liệu châu bản nói rất rõ về hoạt động chủ quyền của chúng ta ở Hoàng Sa và Trường Sa. Ở các nước trong khu vực có tranh chấp chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, không nước nào có được tư liệu châu bản như là tư liệu của chúng ta. Chúng ta có thể đưa ra, trăm, nghìn tư liệu nhưng tư liệu Châu bản có giá liệu gấp trăm lân so với các tư liệu khác.
Tính khách quan tuyệt đối với một hệ thống thông tin lịch sử toàn diện ở mọi việc lớn nhỏ của đất nước tạo giá trị kép cho châu bản triều nguyễn: vừa phản ánh thái độ, chủ trương, Chính sách của các vương triều nhà Nguyễn vừa thể hiện toàn bộ tình hình quốc gia trong suốt thời kỳ này.
Biến động lịch sử từ 1802 đến 1945 có thể nói không nằm ngoài châu bản, những ngự phê, châu điểm, châu phê, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải là những ngự phê với tính duy nhất làm nên bằng chứng không thể chối cãi với các vấn đề lịch sử của đất nước.
Nguồn: VTV