Trong việc chạy viên chức giáo dục, "cò" chỉ là đối tượng trung gian. Chính vì thế, nếu không điều tra, xử lý cả người mua và người bán các suất biên chế thì không thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Liên quan tới thông tin "chạy" viên chức giáo dục đang lộng hành tại một huyện của thủ đô với, định giá mỗi suất biên chế từ 150 đến 250 triệu đồng, ngày 9/9 vừa qua, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã chủ trì buổi làm việc với UBND thành phố và các cơ quan chức năng, qua đó, yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm những ai tham gia "cò" công chức, viên chức sau khi làm rõ vụ việc.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình với quan điểm của Bí thư Thành ủy là phải khẩn trương làm rõ thông tin "chạy" công chức thì một số độc giả lại bày tỏ băn khoăn đối với sự chỉ đạo này. Bởi trên thực tế, nếu làm rõ vụ việc mà chỉ xử lý mỗi lực lượng "cò" thì không thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Trong trường hợp "chạy việc", "cò" công chức chỉ đóng vai trò là thành phần trung gian. Còn hai thành phần chính là "kẻ bán" (người được quyền quyết định các vị trí viên chức) và "người mua" (những người sẵn sàng bỏ tiền với mong muốn được sở hữu một vị trí ổn định trong ngành giáo dục) thì không bị nhắc đến. Và như vậy, dẫu cơ quan chức năng có truy ra 5, 10 hay thậm chí với số lượng "cò" nhiều hơn nữa, thì những nhân vật chính trong cả công cuộc "chạy" này vẫn bình yên vô sự. Trong khi đáng ra, đây mới chính là những đối tượng cần bị xử lý.
Ngoài lực lượng "cò", những người tham gia mua và bán các vị trí biên chế giáo dục cũng cần bị xử lý theo quy định. Ảnh minh họa |
Thực tế, không biết tự bao giờ, việc "chạy" tiền để vào được biên chế lại được xem là một chuyện vốn dĩ thường tình. Vấn đề là tại sao, với đồng lương tháng tính theo hệ số luôn bị chê là "ọp ẹp" mà vẫn có hàng trăm, hàng ngàn người sẵn sàng bỏ cả vài chục, thậm chí cả trăm triệu với mong muốn giành được một suất biên chế. Và đối với ngành giáo dục, trong khi đa phần các ý kiến đều cho rằng, lương giáo viên chỉ đủ sống, vậy nếu những thông tin chạy biên chế được đồn đoán trong dư luận là chính xác, thì việc hàng lượt hàng lượt người "xếp tiền" và "xếp hàng" để mong có được một chỗ dạy rồi chờ đến tháng lĩnh lương cũng là điều khó hiểu.
Phải chăng, việc xuất hiện hàng trăm khoản phụ phí nằm trong danh mục khoản thu của các trường học có liên hệ tới chuyện chạy việc của những "giáo viên" có sở thích "lót tay" để đi đường tắt. Vì trước đó, họ đã mạnh tay chi tiền chạy việc đến cả trăm triệu nên khi có được vị trí công tác ổn định rồi, những giáo viên này quay ra thu hồi vốn từ phía phụ huynh học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau. Cho nên, nhiều bạn đọc cho rằng, một khi đã điều tra xác minh vụ việc, thì những "nhà giáo" đã từng xin việc thông qua "cò" viên chức cũng phải bị xử lý.
Ngoài ra, việc truy tìm và xử lý tận gốc những cá nhân, tổ chức bắt tay với "cò" cũng cần bị truy trách nhiệm. Vì nếu không có những người đứng ra quyết định "bán" các suất biên chế, thì liệu lực lượng "cò" có thể hoạt động công khai và hét giá chắc tay đến vậy. Và theo lẽ thông thường nhất, nếu người bán không có "hàng", người mua có mù quáng tới mức sẵn sàng chi bạc triệu, tiền trăm như một chuyện đùa.
Vũ Đậu