Tin mới

Chi cục trưởng Kiểm lâm Quảng Trị: "Gọi là biệt phủ thì có phần hơi quá!"

Thứ năm, 21/09/2017, 15:29 (GMT+7)

Trước những thông tin về căn nhà gỗ bề thế như "biệt phủ" đang gây xôn xao dư luận tại Quảng Trị, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh này nói rằng, căn nhà rường gồm 3 gian, 2 chái bằng gỗ mà gọi là biệt phủ thì có phần hơi quá.

Trước những thông tin về căn nhà gỗ bề thế như "biệt phủ" đang gây xôn xao dư luận tại Quảng Trị, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh này nói rằng, căn nhà rường gồm 3 gian, 2 chái bằng gỗ mà gọi là biệt phủ thì có phần hơi quá.

Theo ông Trung, thực chất đây chỉ là căn nhà rường bằng gỗ, gồm 3 gian, 2 chái, có thiết kế sân vườn. Ảnh: Dân trí

Những ngày qua, dư luận liên tục xôn xao trước thông tin về căn nhà được cho là “biệt phủ” với nhiều loại gỗ quý của ông Khổng Trung - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị. Căn nhà được xây dựng tại xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, quê cũ của ông Trung.

Ông Trung cho biết, mình làm nhà ở quê hương cũng là để vài tháng nữa nghỉ hưu thì về đây nghỉ ngơi. Ảnh: Dân trí

Trao đổi trên Dân trí, ông Trung nói rằng: “Căn nhà mà các phương tiện thông tin nêu là biệt phủ thì có phần hơi quá, thực chất đây chỉ là căn nhà rường bằng gỗ, gồm 3 gian, 2 chái, có thiết kế sân vườn”.

Việc ông Trung xây dựng một ngôi nhà gỗ rộng thênh thang khi đang công tác trong ngành kiểm lâm đã dấy lên nghi ngờ về nguồn gốc số gỗ mà ông có. Về việc này, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cam đoan nếu dư luận chưa rõ chỗ nào thì sẽ chứng minh cho mọi người rõ.

“Khách quan mà nói, dư luận có thể cũng nghi ngờ vậy vì tôi làm bên Kiểm lâm, mình làm nhà gỗ, thì nhiều người không hiểu đầy đủ cho rằng mình gian lận gỗ lậu, hoặc gây áp lực để có gỗ. Có thể có người suy nghĩ dưới góc độ như vậy. Nhưng tôi khẳng định gỗ quý ở Quảng Trị không có và mua không phải dễ dàng đâu. Dẫu trong rừng có gỗ quý cũng rất khó ra đường. Mỗi năm ngành kiểm lâm bắt 400-500 vụ, với khoảng 700-800 m3 gỗ thường thôi”, ông Trung giải thích.

Chia sẻ về "biệt phủ" của gia đình, ông Khổng Trung cho hay, căn nhà được dựng từ 80 khối gỗ, 32 cây cột gỗ thuộc nhiều loại quý hiếm như lim, gõ, chua, trường.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, ông bỏ ra khoảng hơn 2 tỷ đồng để xây căn nhà này trong khoảng thời gian từ đầu năm 2015 đến đầu năm 2016. 

"Vào năm 2014, vì có dự định làm nhà gỗ nên tôi tham khảo nhiều người quen biết về nguồn gỗ để xây dựng. Sau đó, tôi đã đến một số nơi và được giới thiệu đến gặp một chủ gỗ làm ở bên Lào.

Ban đầu chủ gỗ này cho biết họ gom mấy năm được bộ gỗ 33 cây cột về làm lâu nay rồi nên không bán. Nhưng sau thấy tôi cần nên đã đồng ý bán cho tôi 32 cây cột trên, tặng thêm 1 cột gỗ với giá gốc là 320 triệu đồng. Tìm được số gỗ ưng ý nên tôi quyết định làm to”, ông Trung cho hay.

Cũng theo ông Trung, trước khi có ý định làm nhà, ông đã tích lũy gỗ trước rồi, có gỗ lim, gỗ nhóm 3, nhóm 8. Sau ông mua thêm 1 lô gỗ đấu giá của kiểm lâm, bán tịch thu bắt ngoài Vĩnh Linh, tôi mua 24 m3 qua Trung tâm đấu giá của tỉnh. "Tất cả gỗ đều mua trên địa bàn Quảng Trị, những lần mua lớn đều có giấy tờ gốc gác. Còn mua nhỏ thì tôi không lấy giấy. Mua có địa chỉ, giấy tờ rõ ràng”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, căn nhà gỗ này được ông Trung hoàn thành với giá trị thời điểm đó là hơn 2 tỷ đồng. Về kinh phí xây dựng, ông Trung cho biết, hiện tại ông sở hữu hơn 30 ha rừng, 1 cây xăng và 1 phòng khám tại xã Hải Ba, kinh doanh nhiều năm mới có số tiền trên để làm nhà.

Theo ông Trung, hiện ông đang sở hữu hơn 40 ha rừng trồng trên địa bàn, số này có từ trước những năm 2000, 2005 khi mà người dân địa phương chưa mặn mà với trồng rừng. Trên số diện tích rừng này, ông đã thu hoạch nhiều lần nên tích lũy. Bên cạnh đó, gia đình ông có cây xăng và vườn ươm cây giống lâm nghiệp do vợ ông làm. Mỗi năm thu nhập từ 2 lĩnh vực này khoảng gần 200 triệu đồng.

Ông Trung trình bày: “Tôi làm nhà có nhiều người biết, mọi thứ đều rõ ràng, không có gì phải giấu giếm”.

Về việc căn nhà gỗ của ông Khổng Trung bị Công ty QL&XD giao thông Quảng Trị lập biên bản vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ cách đây 2 năm, theo chuyên trang Pháp luật & Dân sinh, thuộc báo điện tử Pháp luật & xã hội, thời điểm đó bản thân ông Trung không ký vào biên bản.

Do đó, việc xử lý theo biên bản vẫn kéo dài từ đó đến nay.

Ông Trung quả quyết rằng việc lập biên bản xử lý như vậy chưa đúng vì ông làm nhà trên đất được cấp sổ đỏ.

"Đơn vị quản lý đường bộ, xí nghiệp mà đi lập biên bản xử lý là không đúng, chỉ có đơn vị Nhà nước mới được lập biên bản vi phạm hành chính", ông Trung lý giải.

Tuy nhiên, trả lời báo Đất Việt, ông Mai Văn Căn - Chủ tịch UBND xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, Quảng Trị khẳng định biên bản trên được lập theo đúng quy định của Nhà nước.

"Việc này là nhà nước quy định, công ty mới làm nên việc cá nhân hay gia đình nào vi phạm hành lang giao thông, công ty sẽ được quyền lập biên bản", ông Căn nói và cho biết, Công ty cổ phần quản lý và xây dựng giao thông Quảng Trị là 1 công ty thuộc quyền quản lý của Nhà nước.

Nhưng theo ông Căn, hôm lập biên bản thì ông Trung không có mặt ở nhà gỗ đó chứ không phải ông phớt lờ và căn nhà này ông Trung nhờ người khác "trông coi, điều hành hộ".

Theo lý giải của ông Khổng Trung, phía Sở và công ty quản lý xây dựng trên chưa có quyết định thu hồi hay bàn bạc nên ở xã nhiều nhà dân xây sát ra đường bê tông. Đại diện Công ty QL&XD giao thông Quảng Trị cũng chưa gặp ông.

Sở Giao thông vận tải Quảng Trị cho biết, sở dĩ gần 3 năm chưa xử lý với trường hợp này là vì "còn nhiều khúc mắc". Đơn vị này đang phối hợp với nhà chức trách địa phương để xử lý sau 30/9.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news