Trong cái bối cảnh xã hội thời của những người như chị Dậu, thì người ta xem việc bán con hay cho con đi ở đợ nhà giàu không phải là vi phạm luật pháp, mà chính là họ kỳ vọng đứa trẻ có thể có được cơm ăn mà không lo bị chết đói. Chỉ vậy thôi!
Vừa qua, tình cờ đọc được bài viết nêu ý kiến về việc có nên bỏ đoạn trích Tức nước vỡ bờ thuộc tác phẩm Tắt đèn (của cố nhà văn Ngô Tất Tố) ra khỏi chương trình sách giáo khoa, trước những lập luận mang thiên kiến chủ quan của người viết, tôi có cảm nhận chung rằng, có thể, lý lẽ của người viết không sai. Song, với một tác phẩm được đánh giá là xuất sắc của cố nhà văn Ngô Tất Tố, đã giúp tôn vinh tác giả lên hàng "chiếu trên" của văn đàn, đồng thời, vinh danh ông lên ngôi hàng đầu sáng lập trào lưu hiệu thực trong lịch sử văn học nước nhà, thì cũng cần phải nhìn nhận đầy đủ rằng, tác phẩm nổi tiếng thực sự vì nó mang tầm giá trị và biểu đạt được chân thực tính đa diện của đời sống. Và thiết nghĩ, để có được cái nhìn tổng thể về tác phẩm, cần soi chiếu nội dung, bối cảnh, nhân vật dưới góc độ đa chiều thì mới có thể đưa ra nhận xét xác đáng nhất.
Tác phẩm Tắt đèn của cố nhà văn Ngô Tất Tố đã được chuyển thể thành phim. Ảnh: Internet |
Trong bài viết, tác giả đặt vấn đề về sự ích kỷ của nhân vật chị Dậu bằng cách dùng lối diễn đạt đối sánh. Cụ thể, tác giả đưa ra một số dẫn chứng về việc trong nhiều tác phẩm kinh điển của cả Việt Nam lẫn nước ngòai, không ít phụ nữ chấp nhận danh dự, nhân phẩm của mình bị chà đạp để có thể "cứu" người thân khỏi cơn hoạn nạn: Người thì bán răng, bán tóc, làm điếm để kiếm tiền nuôi con; người thì tự bán mình để chuộc cha...
"Họ hi sinh chính bản thân mình, tự đẩy mình vào những con đường nhơ nhớp, đau khổ để người thân yêu được an toàn, hạnh phúc". Trong khi “Chị Dậu có thể bán con, bán đi tất cả nhưng quyết không thể bán đi nhân phẩm của một con người" - (trích bài viết).
Và tác giả nêu ý kiến: Lấy chị Dậu làm hình mẫu cho sự hi sinh và yêu thương con cái thì có phải hơi phi lí, mâu thuẫn và thiếu tính nhân văn hay không?
Với tư cách của một độc giả thế hệ 6X đã từng tiếp xúc với nhiều tác phẩm văn học, đã từng say mê tác phẩm Tắt đèn và đã đọc tác phẩm này rất nhiều lần, tôi mạo muội đưa ra lời hồi đáp với câu hỏi còn để ngập ngừng ở trên: "Rằng thưa không hề phi lý, không mâu thuẫn. Tôi còn nhận thấy hình mẫu này đầy tính nhân văn".
Đầu tiên, nếu chỉ nghe tới cụm từ "chị Dậu bán con" mà vội quy kết chị đi ngược lại với suy nghĩ và tình cảm của một người phụ nữ đã làm mẹ thì tôi nghĩ đó là nhận định chưa xác đáng. Bởi chính trong hoàn cảnh này, tôi lại thấy ở chị Dậu nổi bật lên sự lung linh của tình mẫu tử, phu thê. Không bán con - nhà chị Dậu không bớt được miệng ăn giữa cảnh túng quẫn bần hàn cực độ, và con chị có thể bị chết đói. Chí ít, sang bên nhà người ta, con chị còn có cái để cho vào bụng. Không bán con - chồng chị nằm kia cũng có nguy cơ chết theo và chắc chắn một điều là anh khó "qua" được mùa sưu cao thuế nặng ngột ngạt đang bao phủ khắp vùng quê.
Nếu chị lựa chọn không cho đứa con lớn sang bên nhà cụ Nghị, thì viễn cảnh hiển hiện trước mắt là chị sẽ đối mặt chồng bị người ta "thúc sưu" đến chết, một bầy con đói lả nheo nhóc, dặt dẹo, bơ vơ. Và còn cả cái thân chị nữa, cũng đã liệt vào hàng bần cùng về mọi phương diện: lo lắng sưu thuế đến rạc người, đến mức vạch vú cho con ti mà "vú nổi gân xanh lè" (ngôn ngữ của tác phẩm) và rồi cũng sẽ chết vì đói, vì biết bao gánh nặng o ép đổ ập xuống đầu cùng một lúc.
Gia cảnh khốn khó đến tận cùng của vợ chồng chị Dậu. Ảnh minh họa |
Thấu được hoàn cảnh tột cùng quẫn bách đó, thì độc giả sẽ thấy được suy nghĩ của một người mẹ trong chị, về tình cảnh khốn cùng, về những giọt nước mắt chảy dài lau vội. Đứa con - nó chính là một phần máu thịt mà chị dứt ruột đẻ ra. Và nếu cho rằng "chị không thương con" thì đấy liệu có thể là ý kiến xác đáng hay không. Bởi nếu không thương con, sao chị có thể nghẹn lại và dằn lòng mãi mới thốt nên lời với đứa con nhỏ tội nghiệp, và tâm can thì nặng trĩu, rối như tơ vò. Bản năng của người làm mẹ như chị đã được cố nhà văn lột tả vô cùng chân thực khi miêu tả những giây phút chị và đứa con lớn khóc cùng nhau.
Và xét rộng ra, trong cái bối cảnh xã hội thời của những người như chị Dậu, thì người ta xem việc bán con hay cho con đi ở đợ nhà giàu không phải là vi phạm luật pháp, mà chính là họ kỳ vọng đứa trẻ có thể có được cơm ăn mà không lo bị chết đói. Chỉ vậy thôi. Cho nên, phân tích nhân vật trong văn chương, cần phải hiểu bối cảnh xã hội và đời sống của nhân vật thì sẽ có được những đánh giá đa chiều hơn.
Ngoài ra, tác giả bài viết phân tích về sự ích kỷ của chị Dậu khi đang tâm đem bán con nhưng lại nhất quyết không bán mình. Tuy nhiên, tôi lại cho rằng, nếu xét kỹ về gia cảnh và sự khốn cùng của chị, thì đó chính là tình tiết làm nổi bật lên cái thiên lương trong chị. Vì giữa sự ngột ngạt đến mức ngộp thở của thực tại, hoàn cảnh bi đát đến tận cùng, thì việc xuất hiện nắm giấy bạc của quan huyện và tình tiết quan cụ trên tỉnh mò vào buồng của chị lúc nửa đêm chính là những tình tiết quan trọng để chị thể hiện được phẩm giá của chính con người mình.
Có lẽ độc giả sẽ có sự so sánh về việc, thà chị "nhắm mắt đưa chân" và có được nắm giấy bạc, đủ để cả gia đình chị thoát khỏi cảnh túng thiếu quẫn bách và con chị sẽ không bị bán cho nhà giàu còn hơn chị "giữ giá" để rồi con vẫn phải bán, vợ phải xa chồng, một đàn con chỏng chơ nheo nhóc và tiền đồ của chị thì "tối như đêm 30". Thế nhưng, sau tất cả, ở đoạn cuối tác phẩm, chị vẫn kiên quyết không để phạm đức hạnh của mình và lầm lũi bước đi trong đêm. Đó chính là "điểm sáng" của nhân vật.
Xin nhắc lại chính lời nhận định của tác giả trong bài viết đó: "Mỗi tác phẩm văn học đều có những giá trị không thể so sánh và những sứ mệnh khác nhau ở mỗi giai đoạn". Vậy thì, tôi cũng xin đóng góp thêm ý kiến rằng, chính bởi tác phẩm mang những giá trị khu biệt nên đó mới là mạch nguồn để các kiệt tác văn học có thể "sống mãi với thời gian"!
Vũ Đậu