Tin mới

Chiến sĩ sống sót duy nhất vụ Mi-171 rơi đang tập đi

Thứ bảy, 01/08/2015, 17:01 (GMT+7)

Chiến sĩ duy nhất sống sót trong số 21 cán bộ, chiến sỹ trên chuyến bay định mệnh (ngày 7/7/2014) ở Thạch Thất (Hà Nội) đã tập đi bằng đôi chân giả.

Chiến sĩ duy nhất sống sót trong số 21 cán bộ, chiến sỹ trên chuyến bay định mệnh (ngày 7/7/2014) ở Thạch Thất (Hà Nội) đã tập đi bằng đôi chân giả. 

>>> Xem Giọng hát Việt nhí 2015 tập 3 vòng Giấu mặt

Chuyến bay định mệnh 

Như tin đã đưa trước đó, sáng ngày 7/7, máy bay trực thăng Mi-171 mang số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân trực thăng 916, Sư đoàn Không quân 371, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân bay huấn luyện nhảy dù đã bị mất liên lạc và rơi. 

Chiến sĩ sống sót duy nhất vụ Mi-171 rơi đang tập đi

Hiện trường vụ tai nạn của máy bay Mi-171 cách đây hơn 1 năm.

Máy bay Mi-171 cất cánh từ sân bay Hòa Lạc lúc 7h30 đến 7h46 thì mất liên lạc. Máy bay rơi tại thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, cách sân bay Hòa Lạc khoảng 3km. 

Vụ tai nạn đã khiến 16 người hy sinh (trong đó có 6 chiến sĩ của Tiểu đoàn Đặc công 18) và 5 người bị thương nặng. Số người bị thương được đưa về Bệnh viện Quân y 105, sau đó chuyển về Viện bỏng Quốc gia để điều trị. 

Tuy nhiên do bị bỏng quá nặng nên những chiến sỹ bị thương cũng đã ra đi vĩnh viễn trong sự tiếc thương của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Chỉ còn duy nhất Thượng úy Đinh Văn Dương. 

“Phép màu”, thượng úy Dương đã hồi sinh và nhích từng bước mỗi ngày hơn 20m 

Dân Việt đưa tin, đoạn đường anh tập đi mỗi ngày lại được nhích dần lên trong sự hân hoan của mẹ, vợ con và bạn bè, đồng đội. 

Thượng úy Đinh Văn Dương - chiến sĩ duy nhất còn sống sót sau vụ máy bay rơi ở Thạch Thất chia sẻ với PV Báo GĐ&XH: “Dạo này sáng nào tôi cũng tập đi 1 tiếng đồng hồ và tham gia các bài tập phục hồi khác để cơ thể dần quen với việc vận động. Xét nghiệm máu 1 lần/ngày, kiểm tra các vết thương cũng như những tổn thương bên trong một cách đều đặn”. 

Điều ngạc nhiên nhất khi PV tiếp xúc với anh là trải qua tai nạn kinh hoàng, bị đa chấn thương, các vết bỏng độ 4- 5 chiếm 60% cơ thể nhưng như có “phép màu”, thượng úy Dương đã hồi sinh trước sự mừng vui, kinh ngạc của gia đình bè bạn, đồng đội cũng như nhiều người dân. 

“Lúc mới tỉnh dậy sau 4 tháng hôn mê trên giường bệnh, tôi vẫn nhớ về buổi tập nhảy dù hôm đó. Chúng tôi bay khoảng 15 phút thì động cơ có trục trặc. Một tiếng nổ lớn bên tai. Lúc đó, ai cũng đeo dù sau lưng nhưng đó là loại máy bay một cửa nên chúng tôi không thể thoát ra được, rồi lửa, nóng khắp nơi. Phi công cố lao ra khỏi khu vực dân cư thì máy bay rơi và hất tung chúng tôi ra xa. Tôi đã kêu cứu, rồi bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, mẹ và vợ bảo tôi đã mê man suốt 4 tháng. Lúc đó, một bên là mẹ, một bên là vợ”, anh Dương cười to khi kể lại. Sự lạc quan này có lẽ là phương thuốc tiên giúp anh Dương hồi phục cả về thể chất lẫn trí nhớ một cách đáng kinh ngạc đến vậy! 

Sau tai nạn, đôi chân của anh đã được các bác sĩ chỉ định tháo đến khớp gối, cắt đến xương đùi do tổn thương quá nặng. Vì thế, anh sẽ đi lại bằng đôi chân giả. “Tôi đã được các y, bác sĩ cho tập đi mấy tháng nay. Ban đầu tôi đi chưa vững, nhích từng bước, lúc đi xa nhất khoảng 20m. Mấy ngày nay tôi đi được xa hơn. Sáng nào, tôi cũng dành 1 tiếng đồng hồ để chơi dưới sân bệnh viện cho vui và tắm nắng nữa. Nhiều người hỏi tôi, bỏng gì mà khủng khiếp vậy. Tôi chỉ đùa, “bị bỏng dầu”. Nếu nói thật, nhiều người hỏi, không biết nói sao”, Dương tâm sự.

Thượng úy Đinh Văn Dương được mẹ chăm sóc tại bệnh viên.

Mẹ anh, bà Trịnh Thị Đông chia sẻ: “Được cái Dương rất chịu khó và quyết tâm. Từ khi con bị tai nạn, tôi vứt hết ruộng vườn lên đây chăm con. Thằng cháu nội sinh ra hôm bố nó bị tai nạn, giờ cũng chập chững tập đi. Hai bố con cùng tập đi, mà có khi con còn đi giỏi hơn bố”. 

Dù không còn nguyên vẹn như xưa nhưng tinh thần chiến sỹ vẫn lạc quan 

Vừa trò chuyện với PV, bà Đông lại kéo mảnh quần đùi che chân cho con trai. Bà tâm sự: “Ngày xưa nó cao 1,66m, mặt trái xoan rất đẹp. Giờ tôi chỉ ước con đi được bình thường. Được kéo mũi để mùa đông đỡ lạnh và tách các ngón tay để sau này về nhà, có đi vệ sinh, cháu cũng có ngón tay để kéo cái khóa”. 

Bố Dương mất cách đây 5 năm. Nhà có 3 mẹ con nên bà và con gái đầu trông Dương cả năm nay ở bệnh viện. Cũng may bệnh viện dành riêng cho gia đình một phòng nên cũng chu tất mọi việc. Đợt vừa rồi, tròn 11 tháng trông em, chị gái Dương mới về quê để lo cho chồng và hai con. Giờ bà Đông cùng một chiến sĩ trong đơn vị thay phiên nhau chăm sóc Dương hàng ngày. 

Sáng 7/7, sau khi cất cánh được khoảng 15 phút, chiếc máy bay trực thăng Mi-171 chở 21 cán bộ chiến sĩ đã gặp sự cố kỹ thuật và rơi xuống thôn 11, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Bốn tháng điều trị tại viện Bỏng quốc gia, Thượng úy Dương trải qua 17 lần phẫu thuật, tháo bỏ 2 khớp gối, 10 đầu ngón tay và phần da bị bỏng nặng tạm thời được ghép từ da đồng loại và màng sinh học. 

Dù người chằng chịt vết thương nhưng Thượng úy Dương rất lạc quan, vui tính. “Nó tếu táo suốt, hôm truyền hình quay phim về nó, nó tếu táo: “Ôi giời sao giờ con béo và xấu thế cơ chứ”. Thỉnh thoảng, nó còn đùa: “Giờ chắc mẹ trẻ ra đến vài chục tuổi ấy nhỉ?” Tôi trẻ ra vì có nằm mơ cũng không thể ngờ con mình hồi phục nhanh thế. Mấy tháng nó nằm mê man trong phòng vô trùng, lúc nào tôi cũng tự động viên bản thân: Con sống anh hùng, chết vẻ vang. Dù có chuyện gì cũng phải chấp nhận và chịu đựng. Vậy mà, cũng mấy phen ngất xỉu ra sàn vì nhìn qua cửa kính, thấy con băng gạc đầy mình, đau đớn, tôi không chịu nổi”, bà Đông chia sẻ. 

“Gia đình tôi như vừa trải qua “cơn bão”. Nghĩ lại, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng. Hôm 7/7/2014 được tin báo Dương bị tai nạn. Ngày 8/7, người ta cho vợ nó xem mặt chồng qua cửa kính lần cuối cùng. Ngày 9/7, con dâu tôi được quyết định mổ đẻ sớm 10 ngày vì sợ chồng không qua khỏi, vợ sốc thì không tốt cho thai nhi. Ngày 11/7, con gái lớn của vợ chồng Dương bị ngã gãy tay. Đầu óc tôi cứ hoảng loạn không nghĩ được gì nữa hết”, bà Đông nghẹn ngào nhớ lại. 

Được biết, thời gian điều trị trước đó, mỗi ngày tất cả tiền thuốc men và chi phí dành cho Dương lên đến 150 triệu đồng/ngày, hiện đã giảm xuống còn vài triệu/ngày. Tất cả các chi phí đó, đều do bảo hiểm y tế chi trả. Đến giờ phút này, nhiều người nói Thượng úy Dương sống được là nhờ “phép màu”. Tuy nhiên, trong câu chuyện với chúng tôi, bà Đông luôn nói câu cảm ơn những người quanh mình. 

Bày tỏ cảm xúc, sắp tới được Nhà nước phân cho một căn hộ 70m2 ở Long Biên (Hà Nội), bà Đông chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ nghĩ gia đình chúng tôi lại được quan tâm nhiều đến vậy. Tôi vẫn nói với cháu Dương, con phải nỗ lực để chiến thắng thương tật, không chỉ đền đáp công ơn của những người đã cứu con mà của cả những đồng đội đã ngã xuống ngày hôm đó”. 

Đến tối 7/7, Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, đã có thêm 2 chiến sĩ nữa hy sinh, nâng số cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong vụ trực thăng rơi lên con số 18 và 3 người khác bị thương. 

Đức An (Tổng hợp)/Đời sống và Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news