Thông tin mới nhất trên báo Dân Trí và Tuổi Trẻ cho hay sáng ngày 29/5, dự án Bộ luật Lao động sửa đổi chính thức đã được Chính phủ đệ trình QH xem xét và cho ý kiến. Đây được coi là bộ luật đang được xã hội, dư luận và người lao động đặc biệt quan tâm.
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình dự án Bộ luật lao động sửa đổi trước QH vào sáng ngày 29/5. Ảnh: Quochoi.vn
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nam 62 và nữ 60 tuổi
Liên quan đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ đã trình lên QH 2 phương án để xem xét và cho ý kiến.
- Phương án 1 , đối với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi (sau 8 năm với nam và 15 năm với nữ kể từ 2021).
- Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi (sau 6 năm với nam và 10 năm với nữ kể từ năm 2021).
Trong dự thảo luật này cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.
Đối với quyền nghỉ hưu muộn hơn: Không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn cao, làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.
Chính phủ đã đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án được cho ưu điểm hơn, tránh được nhiều rủi ro khi điều chỉnh độ tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây số thị trường lao động và giữ được ổn định xã hội.
Bổ sung ngày nghỉ lễ là Ngày thương binh liệt sĩ 27/7
Dự thảo này cũng đề xuất bổ sung 1 ngày nghỉ lễ trong năm là Ngày thương binh liệt sĩ 27/7.
Theo Bộ LĐ, đề xuất này phù hợp với truyền thống văn hóa và đạo lý dân tộc cũng như nguyện vọng của nhân dân.
Tăng thêm 100h làm thêm/ năm
Ngoài ra một nội dung khác cũng được Chính phủ đề xuất là quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong những trường hợp đặc biệt: tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).
Theo Chính phủ, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ nhằm đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp cũng như nhu cầu của một bộ phận người lao động.
Mức tăng giờ làm thêm chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào những thời điểm nhất định.
Dự thảo Bộ luật cũng quy định chỉ khi người lao động đồng ý thì doanh nghiệp mới huy động làm thêm giờ nhằm khắc phục những tác động tiêu cực trong việc làm thêm giờ cũng như đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Cũng theo quy định của luật, lương làm thêm giờ được trả cao hơn: ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết.
Dự thảo lần này cũng quy định một số vấn đề mới chưa có tiền lệ trong việc tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở. Ngoài ra cũng có một số vấn đề khác như: Nghỉ tết Âm lịch, điều chỉnh giờ làm việc trong ngày...