Bế chó con định cho chơi cùng mình nhưng bé trai 21 tháng tuổi bị chó mẹ cắn. Hiện, chó mẹ đã bị chết sau 4 ngày cắn người.
ưng ngày này, bức ảnh bé M.Đ. (21 tháng tuổi) với chi chít vết thương trên mặt do bị chó dại cắn, có những vết thương sâu khiến ai nấy đều xót xa. Từ sau vụ tai nạn xảy ra với con trai, chị Bùi Ánh Tuyết, thôn Ké Mới, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội không rời con nửa bước. Vì chị sợ, khi mình đi đâu, có điều gì bất trắc xảy đến với con chị lại không có mặt.
Thời điểm PV gặp chị Tuyết tại khoa Sọ mặt và Tạo hình, bệnh viện Nhi Trung ương, bé Đ. đang ngủ ngon trong vòng tay mẹ để chờ tới giờ làm thủ tục xuất viện. Những vết thương trên mặt, trên môi của em đã đỡ và được che chắn bởi những miếng dán.
Kể lại giây phút xảy ra sự việc, nước mắt người mẹ ấy lại chảy. Bé Đ. bị chính con chó đã gắn bó với gia đình nhà ngoại 5 năm nay cắn khi định bế chó con chơi cùng mình.
“Lúc đó khoảng 6h tối ngày 16/5, tôi chỉ rời con khoảng 2 phút thì xảy ra sự việc đau lòng trên. Nghe tiếng chó con kêu sau đó là tiêng khóc thét của con, tôi bỏ gáo nước đang múc dở chạy ra nhưng con đã bị cắn với nhiều vết thương trên mặt, máu chảy rất nhiều. Tôi hốt hoảng vội bế con đi cấp cứu tại bệnh viện Quân y 105, sau đó chuyển xuống bệnh viện Nhi Trung ương. Lúc đó khoảng 9h tối”, chị Tuyết nhớ lại.
Cũng theo chia sẻ của chị Tuyết, con trai chị đã được tiêm phòng bệnh dại. Cách đây 2 ngày, chó nhà chị đã chết. Trước đó, mỗi lần địa phương tổ chức tiêm phòng dại cho chó, gia đình chị đều chấp hành đầy đủ.
“Gương mặt con được như ngày hôm nay tôi mừng lắm…”, nói tới đây giọng chị Tuyết nghẹn lại. Chị khẽ hôn lên gương mặt con được quấn băng và có nhiều vết khâu.
Bế chó con định cho chơi cùng mình nhưng bé trai 21 tháng tuổi bị chó mẹ cắn. Hiện, chó mẹ đã bị chết sau 4 ngày cắn người.
Được biết, chị Tuyết một mình nuôi hai con nhỏ và đang sống ở bên ngoại. Con lớn của chị năm nay 6 tuổi. Những ngày chị rong ruổi ở bệnh viện cùng con trai út, một mình con lớn của chị ở nhà, tới bữa bé sang nhà bà ngoại ăn cơm sau đó lại ở nhà một mình. Phần vì điều kiện kinh tế khó khăn khi chị Tuyết chỉ làm phu hồ kiếm tiền nuôi con ăn học, phần vì lo cho đứa con lớn một mình ở nhà nên chị Tuyết xin bệnh viện cho bé M.Đ được xuất viện vào chiều 21/5.
“Sau khi sự việc xảy ra tôi cũng gọi điện cho bố các cháu đến vì sợ cần truyền máu sẽ có người ở bên. Những ngày này, bố các cháu cũng ở đây cùng tôi chăm con”, chị Tuyết nói thêm.
Bên cạnh đó, chị Tuyết cũng khá bất ngờ khi sáng nay nhận được rất nhiều cuộc điện thoại chia sẻ và giúp đỡ từ Cộng đồng mạng, các Mạnh Thường Quân.
Bé Đ. đang ngủ ngon trong vòng tay mẹ. |
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh cho hay, gia đình chị Tuyết thuộc hộ nghèo của địa phương. Tuy nhiên, sự việc cháu M.Đ. bị chó dại cắn, ở thôn không báo cáo về chính quyền xã nên sáng nay (21/5), qua mạng xã hội ông Quân mới nắm được.
Ngay sau khi biết được sự việc, ông Quân đã cử cán bộ thương binh xã hội xuống gia đình kiểm tra, nắm bắt tình hình và có biện pháp hỗ trợ gia đình ở mức tối đa.
Trước đó, chia sẻ với PV, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho hay: “Chó mắc bệnh dại thường sống không quá một tuần. Nếu sau 10 ngày, con vật vẫn sống khỏe mạnh thì người bị cắn không mắc bệnh. Nếu chúng ốm rồi chết, bị giết hoặc chạy mất, người bị cắn cần ngay lập tức đi tiêm phòng”.
Ngoài ra, nếu bị tấn công ở mức độ nhiều tổn thương hoặc ở vị trí đầu mạch, vùng mặt, cổ, bộ phận sinh dục, người dân cũng cần phải tiêm phòng ngay. Virus dại phát tán rất nhanh ở những bộ phận này. Thậm chí, nhiều trường hợp dù đã tiêm phòng, khi thuốc chưa kịp phát huy tác dụng, bệnh nhân đã tử vong.
Đối với vết thương do chó cắn, người dân cần xử lý bằng cách rửa, sát trùng. Nếu vết cắn phức tạp, gia đình nên đưa nạn nhân đến bệnh viện.
Chuyên gia khuyến cáo để bảo vệ tính mạng cho bản thân và cộng đồng, tất cả chó mèo đều cần tiêm vắc xin. Người có sở thích nuôi thú cưng nên hạn chế dẫn chó tới những nơi đông người hoặc rọ mõm trước khi đi để tránh nguy cơ chúng tấn công người khác.