“Cuộc đời không ai nói trước được chữ ngờ, dù chồng có yêu thương hay chiều chuộng mình đến đâu cũng nên để dành ra một ít không cho chồng biết để phòng thân!”, chị Vân chia sẻ.
Để phòng khi bất trắc
Là lý do mà chị N. Vân (Thành Công, Hà Nội) lập quỹ riêng, không cho chồng biết. Chị Vân bảo, chồng biết kiếm tiền và rất yêu thương, chiều chuộng vợ, lương anh bao nhiêu đều góp cho vợ cùng chi tiêu. Nhưng chị nghĩ, phụ nữ vẫn phải có một khoản tiền riêng nho nhỏ để lo những việc không muốn phiền đến chồng.
Chị chia sẻ: “Năm ngoái bố mình phải mổ sỏi thận, mấy anh chị em hô hào nhau đóng góp mỗi người một ít để đỡ đần bố mẹ. Mình nói với chồng thì anh bảo đưa 2 triệu biếu bố mẹ, trong khi anh trai và em gái mình đều góp mỗi người 15-20 triệu. Thế là mình phải vay con bạn thân 10 triệu để đưa bố mẹ cho đỡ áy náy.
Mình nhận ra là phải có tiền riêng phòng thân cho những lúc cha mẹ ốm đau bệnh tật còn có cái mà giúp. Chứ đợi chồng đối tốt với bố mẹ mình thì khó lắm. Từ tháng 8 năm ngoái đến giờ mình cũng tích cóp được hơn 20 triệu rồi”
Mỗi tháng chị trích ra 10% tiền sinh hoạt để dành. Các ngày lễ, tết được thưởng chị không mua sắm hết mà để lại một phần tiết kiệm. Cứ như thế tích tiểu thành đại, giờ chị đã có một khoản nho nhỏ để chi tiêu việc riêng.
Chị Vân bảo, chị tiết kiệm để lo cho gia đình, để có tiền xoay xở những lúc khó khăn, bất trắc chứ không phải “lập quỹ” để ăn chơi đàn đúm nên không có gì phải cảm thấy tội lỗi với chồng.
“Không phải chuyện gì mình cũng ngửa tay xin tiền chồng được. Ví như chuyện bố mình đi viện năm ngoái, xin chồng cũng chẳng cho. Thế nên, dù chồng có yêu thương, chiều chuộng mình đến đâu cũng nên để dành ra một ít không cho chồng biết để phòng thân, dùng những lúc cần kíp. Nhà mẹ đẻ mình có việc, mình có thể cho thêm mà không cần dò xét ý chồng”, chị Vân nói thêm.
Cứu “những bàn thua trông thấy”
Đàn ông thường lập “quỹ đen” để dùng vào các khoản nhậu nhẹt, gặp gỡ bạn bè. Còn phụ nữ tích lũy riêng nhưng lại thường để dùng vào các việc chung, việc gia đình. Và những khoản “tiền bí mật” này đã cứu vãn được “những bàn thua trông thấy”.
Anh Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cách đây 2 năm, đúng lúc vợ anh chuẩn bị sinh con thì anh mất việc. May mắn là vợ anh đã bí mật tích cóp được một khoản đem gửi ngân hàng nên vợ chồng anh mới sống sót qua 3 tháng vợ nghỉ sinh, anh mất việc.
“Tôi cũng hơi bất ngờ khi biết vợ giấu mình tích lũy riêng, nhưng chả có gì đáng trách cô ấy cả. Cô ấy biết lo xa thì lúc khó khăn mới có cái mà dùng”, anh Hưng chia sẻ.
Một người phụ nữ giấu tên khác thì chia sẻ, nhờ có “quỹ riêng” mà chị có thể giúp được em gái đi du học. Chị ở với nhà chồng, nên hầu hết thu nhập đều đóng góp cho gia đình chồng. Khi bố mẹ đẻ chị xảy ra chuyện, chỉ hỏi vay nhà chồng không được nên chị quyết tâm phải lập quỹ riêng.
“Có 1 chuyện mà mình đã khắc cốt ghi tâm: Đó là năm ngoái khi mẹ mình bị bục ruột thừa, phải mổ trong đêm. Bố gọi cho mình nhưng trong nhà mình lúc đó chỉ còn 10 triệu tiền mặt. Mình đã gõ cửa phòng để vay tiền bố mẹ chồng. Lúc đó là 2h đêm, mình nghe rõ bố chồng nói cho nó vay 2 triệu thôi, còn phải để lại ở nhà (mà mình có nói chỉ vay mấy hôm sẽ trả lại). Vậy là mình quyết tâm phải tiết kiệm và nhất định không cho nhà chồng biết”, chị chia sẻ.
Chị tiết kiệm bằng cách gom từ nhiều nguồn: từ tiền lương, khi lương được tăng 10% thì không khai ra, tháng nào lương giảm 5% thì bảo bị giảm 10%; từ tiền thưởng: khi được thưởng 500 ngàn – 1 triệu vào các dịp lễ thì không mua đồ mà để tiết kiệm, Thưởng Tết được 10 triệu, chị bảo được 5 triệu thôi, chồng đưa 1 triệu mua sắm thì chỉ mua 400-500 ngàn; từ tiền làm thêm…
“Sau hơn 1 năm, mình đã tiết kiệm được 50 triệu và 1 cây vàng, không nhiều vì là tiền làm thêm và chắt bóp chi tiêu thôi, nhưng số tiền đó vừa rồi đã giúp em gái mình đi du học. Chồng mình cho em được 2 triệu, trong khi biết bố mẹ mình chạy vạy khắp nơi”, chị chia sẻ thêm.
K. Minh