Tin mới

Chủ nhân 3 cây "quái thú khủng" khiến dư luận xôn xao là ai?

Chủ nhật, 08/04/2018, 08:49 (GMT+7)

Chủ nhân của 3 cây "khủng" khai cơ quan chức năng giá mua 3 cây này là gần 50 triệu đồng và số cây này sau khi về Hà Nội sẽ được bán lại cho người khác.

Chủ nhân của 3 cây "khủng" khai cơ quan chức năng giá mua 3 cây này là gần 50 triệu đồng và số cây này sau khi về Hà Nội sẽ được bán lại cho người khác.

Tiền Phong cho hay, liên quan đến vụ 3 cây "quái thú khủng" được vận chuyển trên QL1, bị lực lượng chức năng tỉnh TT-Huế chặn phạt, buộc hạ tải, tạm giữ, ngày 7/4, nguồn tin từ Công an thị xã Hương Thủy (tỉnh TT-Huế) cho biết, bước đầu đã làm việc, lấy lời khai đối với chủ cây và các cá nhân, doanh nghiệp liên quan.

Hình ảnh cây quái thú khủng được chở trên QL 1. Ảnh: Trí thức trẻ

Theo đó, chủ của 3 cây khủng nói trên là ông Kiều Văn Chương (32 tuổi, ngụ xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Tại công an, ông Chương khai: qua giới thiệu của người quen, ông vào Đắk Lắk mua các cây “kỳ quái” từ người dân, với giá mua 3 cây cổ thụ lần lượt là 20 triệu đồng, 15 triệu đồng và 14 triệu đồng.

Để bán cây cho ông Chương, các hộ dân làm đơn xin phép chính quyền xã và được đồng ý. Ông Chương còn tự bỏ tiền thuê người khai thác cổ thụ với chi phí 7 triệu đồng/cây, chưa tính khoản chi thuê máy múc, máy đào để trục cây tốn thêm khoảng vài triệu đồng.

Sau khi khai thác, ông Chương hợp đồng thuê Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn (Quảng Bình) chở về huyện Thạch Thất với giá 35 triệu đồng/cây. Số cây này sau khi về Hà Nội sẽ được ông Chương bán lại cho những người khác.

Trong một diễn biến khác trên Tri thức trực tuyến cho hay, liên quan đến vụ cây "quái thú khủng", cơ quan chức năng xác định 2 cây khổng lồ ở huyện Mđrắk và Krông Ana có hồ sơ phù hợp. Còn một cây ở huyện Krông Năng hồ sơ không đúng thực tế.

Cụ thể, chiều ngày 6/4,ông Đỗ Quang Tùng - Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết đơn vị đã nhận được báo cáo liên quan đến ba cây khổng lồ tạm giữ tại Thừa Thiên - Huế.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk chủ nhân ba cây trên là ông Kiều Văn Chương (ngụ huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Qua xác minh, xe biển số 73C-02148 và rơ móoc biển số 73R-00382 chở cây đa sộp của ông Phạm Đình Thướng (ngụ xã Ea Pil, huyện M'Đrăk). Cây được UBND xã Ea Pil xác nhận nguồn gốc để vận chuyển vào ngày 23/3.

Xe biển số 73C-04605 và rơ móoc 73R-00201 chở cây đa sộp, có nguồn gốc trên đất nông nghiệp của ông Y Nô Byă (ngụ thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana).

Cây được đại diện Hạt kiểm lâm Krông Ana, UBND thị trấn Buôn Trấp, xác minh thực tế nguồn gốc để vận chuyển vào ngày 22/3.

Còn đối với hồ sơ nguồn gốc lâm sản trên xe biển số 73C-02880, gồm: Đơn vận chuyển; bản đăng ký khai thác; đơn đề nghị xác nhận cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ (đều ghi ngày 23/3/2018) của bà H'Yô Na Buôn Yă (ngụ xã Ea Hồ, huyện Krông Năng). Hồ sơ được bà H'Phi La Niê, Phó chủ tịch xã Ea Hồ ký xác nhận ngày 23/3.

Tuy nhiên, qua làm việc với cơ quan chức năng bà H'Yô Na cho biết bà không ký vào bất cứ đơn xin khai thác hoặc vận chuyển cây nào. Ngoài ra, bà H'Yô Na khẳng định trên rẫy của bà không có bất kỳ cây đa sộp.

Liên quan đến chữ ký trên hồ sơ của bà H'Phi La Niê, Phó chủ tịch xã Ea Hồ thừa nhận là của mình.

Tuy nhiên, bà H’Phi nói do giải quyết hồ sơ hàng ngày nhiều nên không đọc hết nội dung các đơn và một phần chủ quan đã ký xác nhận đơn khai thác, vận chuyển cây ngày 23/3/2018.

Như vậy, hồ sơ nguồn gốc lâm sản xe biển số 73C-02880 là không đúng với thực tế.  

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news