Khác với mọi năm là cày trâu, năm nay Chủ tịch nước lái máy cày hưởng ứng phong trào “công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” trong lễ Tịch Điền - ngày hội xuống đồng ở tỉnh Hà Nam sáng 3/2.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng các lãnh đạo bộ, ban, ngành dâng hương Thần Nông và linh vị vua Lê Đại Hành và. Ảnh: Dân trí |
Theo thông tin trên VnEpress, Tri thức trực tuyến, VietNamNet, sáng nay 3/2 (tức mồng 7 Tháng giêng Tết Đinh Dậu), Chủ tịch nước Trần Đại Quang, các lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cùng các bô lão làng Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) đã xuống đồng đi cày đầu năm khai mạc lễ hội Tịch Điền, mong mùa màng bội thu.
Sau phần lễ dâng hương trước bàn thờ thần Nông và linh vị vua Lê Đại Hành, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phát động Ngày hội xuống đồng, công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Chủ tịch nước cùng lãnh đạo địa phương sử dụng 6 máy cày chuyên dụng để thực hiện nghi thức xuống đồng đầu năm phát động cơ giới hoá nông thôn. Ảnh: Dân trí |
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm Đinh Dậu 2017 được tổ chức tại khu vực chùa Đọi nhằm kỷ niệm 1.030 năm ngày Vua Lê Đại Hành về cày Tịch điền trên cánh đồng dưới chân núi xã Đọi Sơn. Hàng nghìn người dân và du khách thập phương cũng có mặt để tham gia lễ hội.
Năm nay, cụ Đinh Trọng Tế (89 tuổi ở thôn Đọi Nhất, xã Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam) vinh dự được đóng vai nhà vua Lê Đại Hành đi cày. Ảnh: Dân trí |
Tương truyền, năm Đinh Hợi (987) vua Lê Đại Hành về cày tịch điền ở Đọi Sơn, mở đầu phong tục đẹp để các vị vua triều đại sau noi gương khuyến nông.
Đây là năm thứ 9 Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được khôi phục, để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội diễn ra trong các ngày từ 1 đến 3/2 (tức các ngày 5, 6, 7 tháng Giêng năm Đinh Dậu 2017) bao gồm phần lễ và phần hội và đón nhận bằng ghi danh phi vật thể quốc gia.
Các thiếu nữ đi gieo hạt giống với khát vọng bội thu cho mùa sau. Ảnh: Tiền phong |
Buổi lễ đã tái hiện cảnh Vua Lê Đại Hành xuống ruộng cày do bô lão trong làng thực hiện, theo sau là các thiếu nữ đi gieo hạt giống với khát vọng bội thu cho mùa sau.
Khai xuân Tịch điền mở đầu một mỹ tục khuyến khích nông trang, nhắc nhở dân các làng vĩ nông vi bản, thuận lẽ trời, hợp lòng người. Lễ hội Tịch điền còn là dịp để người dân nhớ về cội nguồn, chiêm ngưỡng di tích lịch sử, hành hương về với Thần, Phật cầu nguyện sư may mắn tốt lành.
Đức Hòa (tổng hợp)