Karaoke là một trong những loại hình giải trí rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Trong những năm gần đây, việc hát karaoke tại nhà đã trở nên rất phổ biến. Chỉ cần một chiếc mic, một chiếc loa và một thiết bị điện thoại hoặc TV có kết nối Internet, người đam mê âm nhạc đã có thể say mê thể hiện giọng hát của mình.
Dần dần loại hình giải trí này đã kéo theo hàng loạt hệ lụy đáng tiếc. Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn khiến những người xung quanh cảm thấy khó chịu, dẫn đến những mâu thuẫn hay thậm chí cả án mạng.
Mới đây nhất, theo VnExpress và Thanh Niên, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong vừa ký văn bản khẩn yêu cầu nhiều sở ngành tăng cường phòng, chống vi phạm về tiếng ồn sau khi báo chí phản ánh nạn karaoke tự phát trên các tuyến đường, trong các khu dân cư khiến người dân mất ăn mất ngủ.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết ông thường xuyên nhận được phản ánh từ người dân về tiếng ồn từ nạn hát karaoke tự phát, đặc biệt sau thời điểm 10h đêm.
"Người dân ban ngày đi làm, tối còn bị tra tấn bởi karaoke tự phát là không thể chấp nhận được. Các địa phương, sở ngành cần thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Đừng xem chuyện này là bình thường", ông Phong nói.
Thực tế Chính phủ đã có chế tài để kiểm soát tiếng ồn sau 22h đêm đến 6h sáng. Theo điều 6 Nghị định 167 quy định, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng.
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là: 70dBA (từ 6h đến 21h) và 55dBA (21h đến 6h).
Trong năm 2020, TP.HCM có ít nhất 5 văn bản, kế hoạch triển khai một số biện pháp xử lý hành vi vi phạm về tiếng ồn sau khi báo chí phản ánh nhưng nạn hát karaoke tự phát gây ồn chưa có dấu hiệu dừng lại mà tiếp tục len lỏi vào từng hẻm nhỏ, xóm ấp tra tấn người dân.