Tin mới

Chủ tịch xã trượt HĐND được định hướng làm Phó Bí thư có hợp lý?

Thứ ba, 21/06/2016, 19:47 (GMT+7)

Tự ứng cử và trượt Đại biểu HĐND xã, Chủ tịch xã Phạm Xuân Tứ được chính quyền địa phương định hướng sang làm Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ.

Tự ứng cử và trượt Đại biểu HĐND xã, Chủ tịch xã Phạm Xuân Tứ được chính quyền địa phương định hướng sang làm Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ.

Liên quan tới trường hợp hai cha con Chủ tịch Phạm Xuân Tứ và Bí thư đoàn xã Phạm Xuân Ý (xã Tùng Lâm, huyện  Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) tự ứng cử HĐND nhưng đều bị rớt, mới đây, hôm 17/6, ông  Nguyễn Văn Lâm – Bí thư Đảng uỷ xã Tùng Lâm cho biết, xã đang định hướng để ông Tứ chuyển sang giữ chức cụ Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ sau khi bầu chức danh Chủ tịch.

Việc ông Phạm Xuân Tứ trượt Đại biểu HĐND xã nhưng lại được định hướng làm Phó Bí thư khiến người dân địa phương bất ngờ. Tuy nhiên, theo lý giải của Bí thư Đảng uỷ xã, khi ông Tứ không còn giữ chức vụ Chủ tịch xã nhưng vẫn còn chức danh Phó Bí thư, “lại chưa bị kỷ luật gì cả nên địa phương phải xếp vị trí cho ông ấy” – (Nguyễn Văn Lâm – PV).

Trao đổi với phóng viên về quy trình được định hướng sang làm Phó Bí thư của ông Phạm Xuân Tứ, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, việc “định hướng sang làm Phó Bí thư” của ông Tứ cần được nhìn nhận dưới góc độ công tác tổ chức cán bộ và dư luận nhân dân để giải quyết được thấu đáo. 

Tự ứng cử, Chủ tịch xã Tùng Lâm trượt HĐND nhưng được định hướng sang làm Phó Bí thư Đảng uỷ. Ảnh minh họa

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên phân tích, theo luật tổ chức Chính quyền địa phương thì Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Như vậy, Đại biểu HĐND phải là người có uy tín, được nhân dân tin tưởng thay mình làm đại diện để nói lên ý chí, nguyện vọng. Là cán bộ thì phải có uy tín, được dân mến, dân yêu. Vậy thì một người đã không được nhân dân tin tưởng bầu vào HĐND thì nên xin nghỉ hoặc có cơ chế cho họ nghỉ việc. 

“Nếu bố trí người không được tín nhiệm làm những công việc ở địa phương thì làm cho nhân dân không tâm phục, khẩu phục, dễ nảy sinh các vấn đề bức xúc trong dư luận và địa phương” - Luật sư Nguyên nhấn mạnh.

Còn theo  nhận định của Luật sư Lê Văn Thiệp, tổ chức Đảng sẽ có những quy định riêng về tổ chức cán bộ. Việc Chủ tịch xã rớt HĐND được định hướng sang làm Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ có thể thuần túy là sự sắp xếp của cơ quan, tổ chức Đảng ở địa phương.

Trước đó, tại cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội (QH) và HĐND các cấp diễn ra vào ngày 22/5, ông Phạm Xuân Tứ, Chủ tịch xã Tùng Lâm, cùng ông Phạm Xuân Ý (con ông  Tứ) - Bí thư Đoàn xã Tùng Lâm, ra ứng cử đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại tổ bầu cử số 1 (thôn Khoa Trường, xã Tùng Lâm). Tổ bầu cử này có 794 cử tri.

Kết quả kiểm phiếu tại tổ bầu cử này, ông Tứ đạt 49,9% phiếu bầu, ông Ý đạt 36% phiếu bầu. Cả 2 ông đều không đạt tỷ lệ quá bán theo quy định nên đã “rớt” đại biểu HĐND xã. Được biết, ông Tứ và ông Ý là hai bố con, cùng ra ứng cử tại tổ bầu cử số 1 của xã Tùng Lâm.

Vũ Đậu 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news