Tin mới

Chủ tọa tòa tối cao vừa bị bắt trong ký ức vợ chồng ông Chấn

Thứ sáu, 03/10/2014, 14:00 (GMT+7)

Người tù oan sai Nguyễn Thanh Chấn vẫn không thể nào quên được phiên xét xử của tòa phúc thẩm TAND Tối cao, khi vị chủ tọa phiên tòa hùng hồn tuyên bản án “giết người” mà không xem xét các bằng chứng gỡ tội.>>Hé lộ bức thư "bạn tù tri kỷ" gửi ngày ông Chấn rời trại giam>>Vụ án oan 10 năm tù: "Họ hàng từng đòi trục xuất cả nhà ra khỏi họ"\n 

Người tù oan sai Nguyễn Thanh Chấn vẫn không thể nào quên được phiên xét xử của tòa phúc thẩm TAND Tối cao, khi vị chủ tọa phiên tòa hùng hồn tuyên bản án “giết người” mà không xem xét các bằng chứng gỡ tội.

 

"Giọng nói dứt khoát của ông chủ tọa khiến cả nhà tôi đau đớn"

Đã gần 10 năm trôi qua, kể từ ngày ông Nguyễn Thanh Chấn (trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị kết án ngồi tù oan sai do cựu thẩm phán TAND tối cao Phạm Tuấn Chiêm (SN 1949, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) làm chủ tọa phiên tòa.

 Ông Nguyễn Thanh Chấn trao đổi với phóng viên.

Nhớ lại ký ức của 10 năm về trước, ông Chấn không kìm nén được nước mắt: “Tôi nhớ như in, thời điểm tòa tuyên án tôi về tội giết người là ngày 27/7, nếu không nhờ tình tiết giảm nhẹ do bố tôi là liệt sĩ, có lẽ tôi có đã không thể thể thoát khỏi án tử hình trong gang tấc”.

Nói đến đây, ông Chấn như mắc nghẹn ở cổ họng, toàn thân người tù oan sai này cứng đơ, tựa lưng vào bức tường đã cũ kỹ mà không nói thêm được điều gì

Tiếp lời chồng, bà Chiến cho biết: “Lúc chồng tôi tranh luận với Viện kiểm sát để chứng minh bản thân không phạm tội, tuy nhiên, HĐXX chỉ lặng im và cuối cùng tuyên án tù chung thân, giọng nói dứt khoát của ông chủ tọa khiến cả nhà tôi đau đớn, con gái lớn không giữ nổi bình tĩnh đã ngất luôn tại tòa”.

Mặc dù rất căm phẫn với những người trực tiếp thực thi pháp luật dạo đó, cố tình dồn nén gia đình mình đến bước đường cùng, song bà Chiến dường như cũng nhận ra điều gì đó: “Trong lúc xét xử, nhiều cán bộ thỉnh thoảng cũng quay đi, đôi mắt họ đỏ hoe, tôi nghĩ họ biết chồng tôi oan sai nhưng không làm gì được vì quyền tuyên án vẫn là chủ tọa phiên tòa. Sau khi nghe HĐXX đọc bản án, ông Chấn một mực kêu oan trước tòa, ông cho rằng những tình tiết trong vụ án là “hoang đường, phi lý”.

Bà Nguyễn Thị Chiến khóc òa khi kể về những tháng ngày gian khổ kêu oan cho chồng.

Tại phiên tòa ngày hôm đó, ông Chấn cũng đưa ra bằng chứng gỡ tội cho mình: "Gia đình tôi có mắc một chiếc điện thoại cố định phục vụ bà con trong làng. Trước thời điểm nghi ngờ tôi giết chị H. chỉ vài phút, tôi đang bấm máy cho anh Nguyễn Văn Thực (người cùng làng) gọi điện thoại đi và việc đó có bà Phạm Thị Nhâm (người cùng làng) đến mua kẹo làm chứng. Bảng kê chi tiết điện thoại gia đình tôi sau đó cũng đưa ra làm bằng chứng trước tòa nhưng cũng bị bác bỏ. Họ bác bỏ toàn bộ những chứng cứ có lợi cho tôi và chỉ công nhận những gì bất lợi. Tôi có làm gì nên tội mà sao họ cứ phải làm thế với tôi?”.

Bà Thân Thị Hải – Người sát cánh cùng vợ ông Chấn đi kêu oan nhấn mạnh: “Có lẽ do những ngày bị tạm giam chờ xét xử, ông Chấn bị bức cung nhục hình dẫn đến sức khỏe suy kiệt, người tù oan sai này vẫn cứ cố bảo vệ lẽ phải cho mình nhưng tất cả đều vô vọng”.

Bản án "dàn dựng" 

Theo bản án số 1241/PTHS, ông Chấn bị kết tội "giết người" sau khi hiếp dâm không thành chị Nguyễn Thị H.. Nội dung bản án cho rằng, trên đường đi lấy nước, ông Chấn đi ngang qua nhà nạn nhân Nguyễn Thị H., thấy chị này đang trong nhà liền nảy ý định vào "trộm tình". Nghĩ là làm, Chấn lẻn vào nhà, tay chộp vào ngực người phụ nữ và đề nghị sỗ sàng: "Cho anh một cái" nhưng bị cự tuyệt. Giận dữ, Chấn rút con dao thủ sẵn trong người ra đâm liên tiếp vào người, vào bụng chị H. khiến chị này tử vong.

 Ông Nguyễn Thanh Chấn bên vòng tay bà con lối xóm.

Điều đáng nói, bản án còn nêu rất rõ chứng cứ cho thấy chính ông Chấn là thủ phạm: "Cơ quan điều tra xác định kích thước vết chân của Nguyễn Thanh Chấn cho thấy bàn chân trái của Chấn gần đúng với vết chân bỏ lại hiện trường".

Tại trang 10 của bản án phúc thẩm, "tội ác" của ông Chấn được kết luận hết sức đanh thép: "Hành vi giết người của Chấn thể hiện sự hung hãn, tàn bạo và hết sức độc ác và y cố tình thực hiện tội phạm đến cùng". Và để củng cố cho kết luận của mình, phiên tòa phúc thẩm cũng nêu rõ quan điểm: "Tòa án cấp sơ thẩm quy kết Nguyễn Thanh Chấn theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự về tội giết người là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, không oan như lời nại ra của y".

 

Án phúc thẩm còn nêu nhận định: "Thực ra Nguyễn Thanh Chấn cố tình chối tội bởi sự mặc cảm về tội ác mà y đã gây ra cho người khác cùng với sự gieo rắc đau thương tang tóc cho gia đình nạn nhân, mặt khác hòng lẩn tránh sự lên án của dư luận xã hội và sự trừng phạt nghiêm minh của luật pháp...".

 

Nhận định về bản án này, ông Chấn khẳng định, tất cả chỉ là dàn dựng, bản thân bị ép cung, nhục hình, bị đánh đập nên phải nhận tội.

Như tin tức báo Đời sống và Pháp luật đã đưa, theo tài liệu điều tra, trong quá trình nghiên cứu xem xét phúc thẩm hồ sơ vụ án đối với bị can Nguyễn Thanh Chấn, Phạm Tuấn Chiêm (SN 1949, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội)  khi đó là Thẩm phán TAND Tối cao, chủ tọa phiên tòa đã không thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Ông Chiêm đã sử dụng các chứng cứ được thu thập trái quy định để kết tội ông Chấn sát hại chị Nguyễn Thị H., người cùng thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang. Gia đình nạn nhân đã đề nghị xem xét tình tiết chị H. bị mất 2 chiếc nhẫn trước khi bị sát hại, nhưng ông Chiêm đã không kiểm tra đánh giá chứng cứ trong quá trình điều tra nên không phát hiện sai sót về tố tụng hình sự.

Trong quá trình xét xử phúc thẩm, Thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm đã sử dụng chứng cứ duy nhất là lời khai nhận tội của ông Chấn tại CQĐT và sử dụng biên bản xác định kích thước bàn chân ông Chấn nhận định là gần đúng với dấu vết bàn chân thu thập được tại hiện trường làm chứng cứ buộc tội ông Chấn đã phạm tội giết người. CQĐT Viện KSND Tối cao nhận định, việc làm của Thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm đã vi phạm một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa trong đánh giá chứng cứ dẫn đến việc tuyên bản án oan sai.

 

Liên quan đến vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn, ngày 29/9 vừa qua, Lý Nguyễn Chung (người gây ra cái chết cho chị Hoan) hung thủ thật sự trong vụ án mạng tại thôn Me năm 2004 đã bị đưa ra xét xử tại TAND tỉnh Bắc Giang với hai tội Giết người và Cướp tài sản. Tuy nhiên, phiên toà đã hoãn do đề nghị của đại diện bị hại, luật sư và cơ quan công tố.

Ngày 30/9,  Cơ quan điều tra cũng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm (SN 1949, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) để điều tra hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo tài liệu điều tra, trong quá trình nghiên cứu xem xét phúc thẩm hồ sơ vụ án đối với bị can Nguyễn Thanh Chấn, ông Chiêm khi đó là Thẩm phán TAND Tối cao, chủ tọa phiên tòa đã không thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

   

Theo Đời Sống & Pháp Luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news