Thời khắc giao thừa, người dân nhiều nơi đổ về các ngôi chùa, đình làng để thắp hương, xin lửa về nhà, cầu năm mới an an vui, may mắn.
Tại chùa làng thôn Đoàn Kết, xã Hồng Châu, Đông Hưng, Thái Bình), người dân địa phương tập trung ở chùa từ 23h30 để chờ đón thời khắc giao thừa.
Có mặt ở chùa trước thời khắc giao thừa gần nửa tiếng, anh Nguyễn Văn Tuấn đưa con trai 4 tuổi đi vòng quanh chùa tham quan và nói cho con hiểu ý nghĩa ngày Tết cũng như việc đi chùa xin lộc đêm giao thừa.
"Ngày còn nhỏ tôi cũng được bố đưa đi chùa đón giao thừa, xin lộc về nhà. Năm nay con trai lớn, tôi cũng cho cháu đi cùng để cháu được hưởng trọn không khí phút giao thừa, đón năm mới", anh Tuấn chia sẻ.
Người dân đổ về chùa làng trước thời khắc giao thừa. |
Anh Thuần, người dân trong xóm cũng có mặt ở chùa từ sớm để thắp hương, xin lộc. Anh Thành cho biết, anh đi làm xa quê nhiều năm nay nhưng năm nào cũng đưa vợ con về quê đón Tết cùng gia đình. Năm nay cũng như nhiều năm trước, gần thời khắc giao thừa, anh sửa soạn trang phục chỉnh tề để ra chùa thắp hương, xin lửa về nhà, cầu năm sức khỏe, tài lộc đến với mọi thành viên trong nhà.
"Năm nào tôi cũng đón phút giao thừa ở chùa rồi về nhà, cùng gia đình quây quần đón năm mới. Dù đã ở tuổi gần 40 tuổi nhưng tôi vẫn háo hức đón phút chuyển giao năm cũ sang năm mới như một đứa trẻ", anh Thuần nói.
Người dân Thủ đô đổ về Phủ Tây Hồ thắp hương cầu may trong đêm giao thừa. |
Tại Hà Nội, dòng người đổ về Phủ Tây Hồ thắp hương cầu may trước và sau giao thừa rất đông.
Đi chùa đầu năm là thói quen, là nét đẹp trong văn hóa của Người Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu văn hóa cũng khuyến cáo các bạn trẻ cũng cần lưu ý một số điều khi đi chùa để giữ được sự thành kính, thiêng liêng của việc làm này. Ví như: khi đến chùa cần mặc trang phục gọn gàng, chỉnh tề; không nên chen lấn hay bứt lá, bẻ cành cây làm ảnh hưởng đến cảnh quanh của chùa...
H.Minh