Suốt hàng chục năm qua, hơn 15.000 người dân phải sống “tạm bợ”, chui rúc trong những khu nhà ọp ẹp, xiêu vẹo, ngay tại khu vực 1 di tích Kinh thành Huế - Di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận.
Kinh thành Huế là di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Tuy nhiên, hiện có khoảng 4.200 hộ với hơn 15.700 người dân sinh đang sống trong các "khu ổ chuột" tại khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, khiến di sản này đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Suốt mấy chục năm qua, người dân dựng nhà sinh sống ngay trên Thượng Thành (P. Thuận Thành, TP Huế), di tích nằm trong khu vực cần giữ nguyên hiện trạng.
Nhiều hộ dân sống trên tường thành hằng ngày phải bắc thang để đi lại nên người dân Huế gọi họ là những người sống "treo" trên di sản thế giới.
Nhiều con hẻm dẫn vào "xóm ổ chuột" giữa lòng cố đô Huế chỉ rộng chưa tới một mét. Đường hẹp đến mức xe máy không có thể lọt vào sâu.
Những căn nhà xiêu vẹo, chật hẹp được dựng tạm bợ từ đủ các loại vật liệu thô sơ, tre nứa, giấy các tông,... Tất cả đều toát lên vẻ rệu rã, mục nát và nhếch nhác.
Căn nhà "siêu mỏng" chỉ rộng hơn 10 m2 này là nơi 4 người trong gia đình anh Nguyễn Văn Biểu ở tổ 13, phường Thuận Lộc sinh sống. Nhà không có nước sạch, khu vệ sinh. Do không gian quá chật nên nhiều đồ đạc sinh hoạt anh Biểu phải bỏ ra ngoài trời.
Căn nhà của bà Lê Thị Lịch (60 tuổi) chỉ rộng chưa tới 10m2 nhưng hiện là nơi sinh sống của 10 người.
Không đủ chỗ ngủ cho các con, vợ chồng bà Lịch phải dựng một căn gác tạm bợ để sinh hoạt và để đồ đạc.
Hầu hết những hộ dân sống trong những trên Kinh thành Huế đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Việc sống trong những "ngôi nhà ổ chuột" khiến sinh hoạt khó khăn, nhưng dường như họ không còn sự lựa chọn khác...
Toàn bộ rác thải, nước sinh hoạt của người dân được đổ xuống bờ thành khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng và mất mỹ quan di sản.
Gia đình ông Trần Hóa (72 tuổi) lên sống ở Thượng Thành từ năm 1970. "Nói thật tôi cũng muốn xây nhà kiên cố, nhưng đất di tích nên không được phép. Còn chuyển đi nơi khác thì không có tiền. Chúng tôi mong được di dời lắm rồi, đi mô cũng được miễn có mảnh đất, rồi sẽ vay mượn thêm để cất cái nhà rộng rãi ở cho sướng. Chứ ở đây chật chội, mấy đứa trẻ lớn lên cũng tội lắm...", ông Hóa chia sẻ.
Những căn nhà chật hẹp đến nỗi không có chỗ để đặt được một chiếc bàn học nên đa số trẻ em ở đây đều phải học trên giường, dưới đất hoặc bất cứ chỗ nào.
Tương lai của những đứa trẻ này sẽ chông chênh như chính cái nơi mình sinh sống nếu như phải tiếp tục chui rúc trong những ngôi nhà ổ chuột ấy.
Trước cuộc sống tạm bợ của người dân trong khu vực I di tích kinh thành Huế, tỉnh TT.Huế đã lên kế hoạch di dời, giải tỏa trong thời gian tới.