Mắc bệnh hiểm nghèo, sợ cái chết đến bất ngờ, bà Hoàng sớm chiều thuyết phục đứa con trai kết hôn. Trớ trêu thay, người yêu Bính (con trai bà Hoàng – PV) năm nay mới 15 tuổi, chưa đến tuổi kết hôn theo quy định pháp luật.
Điều đáng nói là sau khi cán bộ địa phương đến vận động, bà Hoàng không những không nghe mà còn… thật lòng mời cơ quan chức năng ở lại “chung vui với gia đình”. Bên cạnh đó, hàng trăm thiệp hồng cũng được phát tới tận tay các quan khách. Từ đây, hàng loạt chuyện bi hài đã xảy ra.
Cưới chạy cho con vì sợ sớm “về đất”
Ở khu phố An Thuận 2 (Phường 7, TP. Tân An, Long An), bà Phạm Thị Hoàng (60 tuổi) được tiếng là người phụ nữ đảm đang, hết lòng hy sinh cho chồng, con nhưng lại có cuộc đời bất hạnh. Chồng không may qua đời vì bạo bệnh, bà ở vậy nuôi hai con trai nên người. Nhưng đúng lúc “trồng cây sắp đến ngày hái quả”, cậu con trai cả lại không may bị tai nạn lao động rồi phát bệnh thần kinh.
Những năm tháng “xế chiều”, bà lại phát hiện bản thân bị bệnh tim rất nặng, tính mạng có thể bị đe dọa bất kỳ lúc nào. Đến bệnh viện khám, các bác sĩ khuyên bà nên tiến hành phẫu thuật. Nhưng do hoàn cảnh nghèo khó, miếng ăn còn phải lo từng bữa, bà không biết đào đâu ra số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Nghĩ đi nghĩ lại, bà chủ động xin xuất viện về nhà. Song thay vì lo cho tính mạng mình, bà chỉ đau đáu nỗi niềm chưa lấy được vợ cho cậu con trai thứ hai Nguyễn Xuân Bính (21 tuổi). Nhiều lần, bà đã nhỏ to tâm sự với con trai: “Mày lấy vợ rồi thì mẹ chết cũng an lòng”. Khi Bính xuôi theo, bà lập tức động viên con “cưới càng sớm càng tốt”.
Người yêu Bính là Trần Thị Ngọc Phương Anh, năm nay vừa tròn 15 tuổi. Do hơi chậm chạp, Phương Anh học vài năm mới lên được một lớp. 15 tuổi, cô bé vẫn chưa qua được bậc tiểu học. Vì vậy nên khi được gia đình nhà Bính “đánh tiếng”, ông bà Hội (bố mẹ Phương Anh - PV) không suy nghĩ nhiều mà lập tức đồng ý, quyết định cho con gái nghỉ học lấy chồng. Được biết, Phương Anh và Bính quen nhau cách đây 2 năm. Lần ấy, Phương Anh theo gia đình xuống nhà cậu ruột ở TP. Tân An chơi thì thì tình cờ gặp Bình. Sau khi trao đổi số điện thoại, cả hai thường xuyên liên lạc, thăm hỏi sức khỏe nhau. Một thời gian sau, sự quan tâm dần chuyển hóa thành tình cảm trai gái. Khi Bình ngỏ lời, Phương Anh đã gật đầu ưng thuận.
“Tôi có hai người con trai nhưng một đứa bị tai nạn, một đứa thì chơi bời, hư hỏng. Phương Anh là bé út nhưng học hành mãi không tiến bộ. Phận con gái, vợ chồng tôi cũng chỉ mong cháu tìm được bến đỗ yên bình. Nhiều người khi biết chuyện bên kia đến xin cưới cũng khuyên can gia đình tôi. Họ nói cháu Phương Anh còn nhỏ tuổi quá. Nhưng các anh bảo, con gái học hành không nên, chậm chạp thì kiếm được người thương yêu là may rồi. Bởi thế, chúng tôi mới đồng ý nhận lễ hỏi của nhà cháu Bính”, ông Hội cho hay.
Đôi bên đều có lý do riêng để đi đến quyết định “dựng vợ gả chồng” cho con. Nhưng trong quá trình chuẩn bị, những trục trặc lại nảy sinh. Gia đình Bính muốn tổ chức đám cưới “càng nhanh càng tốt”. Trong khi đó, gia đình Phương Anh lại chỉ muốn làm lễ đính hôn rồi sau đó mới tổ chức đám cưới. Sau khi bàn bạc, hai gia đình thống nhất, nhà gái sẽ làm lễ đính hôn, còn nhà trai làm lễ kết hôn. Ngày 8/9 được ấn định là ngày vui trăm năm của đôi trẻ.
Khi bên thông gia đã thuận, bà Hoàng bắt đầu vắt óc tính toán. Hoàn cảnh gia đình bà vốn không khá giả gì. Nhưng nghĩ lại, cậu con trai lớn đã trong cảnh “ương ương dở dở”, chắc không bao giờ có cơ hội kết hôn. Bản thân bà lại đang bệnh nặng, may ra chỉ có hy vọng được một lần tổ chức cho Bính để làm tròn bổn phận. Nghĩ thế, bà Hoàng đánh liều đi vay mượn tiền bạc của người thân, quyết chí tổ chức đám cưới. Theo tìm hiểu của chúng tôi, số lượng anh em, bạn bè, khách khứa được mời lên tới mấy chục mâm cỗ.
Ngay từ hôm 6/8 (trước ngày cưới hai hôm), bà Hoàng đã cho dựng rạp ở nhà, tiếng nhạc xập xình làm rộn ràng cả khu phố. Bà còn thuê cả đội nấu ăn đến làm cỗ cho… chuyên nghiệp. Bà con lối xóm cũng tíu tít rủ nhau chuẩn bị một bộ cánh đẹp để hôm sau đi ăn cưới con bà Hoàng. 2 ngày trước đám cưới, chuyện Bính chuẩn bị rước “cô dâu tuổi 15” về dinh đến tai chính quyền. Trước sự việc vi phạm nghiêm trọng Luật Hôn nhân – Gia đình, các đoàn thể từ Công an đến UBND phường 7 (TP. Tân An) đã xuống xác minh, sau đó vận động và giải thích cho bà Hoàng biết đám cưới chuẩn bị diễn ra là tảo hôn. Nhưng ban đầu, người mẹ này nhất quyết bỏ ngoài tai tất cả với suy nghĩ: “Tảo hôn bị phạt có 500 nghìn đồng. Đến cả chục mâm tiệc còn lo được thì mấy trăm bạc có đáng chi”. Vậy là, bà vẫn vô tư bảo dàn nhạc mở loa to hết cỡ. Không những thế, bà còn hết lời… mời các đồng chí cán bộ ở lại chung vui với gia đình.
Bà Hoa Anh – mẹ Phương Anh chia sẻ chuyện gia đình với người viết.
Ngất xỉu trước ngày rước dâu
Trước sự cố chấp của bà Hoàng, các cán bộ xã đã phải rất kiên trì để giải thích là vi phạm pháp luật khi quan hệ với trẻ vị thành niên. Phải đến chiều tối trước ngày rước dâu, người mẹ lo xa mới vỡ lẽ: Bính có thể phải đi tù vì tội “giao cấu” với vợ, do Phương Anh hiện mới 15 tuổi. Nghe cán bộ xã giải thích điều này, bà Hoàng chân tay rụng rời, thần sắc tím tái rồi ngất xỉu. “Khi tỉnh lại, tôi vội ra quyết định hủy đám cưới của con trai ngay trước ngày lễ rước dâu. Nhưng vì chuyện cũng đã lỡ dở, tôi vẫn làm lễ đính hôn cho hai đứa, đợi khi nào Phương Anh đủ 18 tuổi thì tổ chức cưới sau. Phông bạt, bàn ghế, cỗ tiệc đã được dọn đi ngay trong đêm hôm ấy”, bà Hoàng cho biết.
Mặc dù đám cưới vi phạm pháp luật đã kịp dừng lại nhưng hậu quả “dở khóc dở cười” mà nó để lại vẫn khiến những “người trong cuộc” méo mặt. Gặp người viết, bà Hoàng cho biết đã phải trả cho bên phục vụ tiệc cưới số tiền 20 triệu đồng. Không những thế, gia đình này còn bị thiên hạ chê cười, xấu hổ với khách khứa khắp nơi. Nguyên nhân là do việc hủy đám cưới quá cận kề, gia đình đã không kịp báo lại cho khách khứa.
Vậy là sáng 8/9, trừ một số hàng xóm gần gũi biết chuyện, khách khứa khắp nơi nhận được thiệp hồng vẫn ùn ùn đến dự đám cưới, ai cũng ăn diện sang trọng, lịch sự, cười nói vui vẻ. Nhưng chứng kiến cảnh nhà bà Hoàng im lìm, phông bạt đã bị dỡ hết, mọi người hết sức lúng túng vì không biết chuyện gì đang xảy ra. Lúc này, bà Hoàng mặt mày ủ rũ, xấu hổ đi từ trong nhà ra nói lời xin lỗi và giải thích cho khách hiểu hoàn cảnh trớ trêu của gia đình. Rơi vào cảnh bi hài nhưng mọi người cũng vui vẻ thông cảm ra về.
Nhưng sau đó, lượng khách kéo đến càng ngày càng đông. Bà Hoàng không chịu nổi áp lực đã phải “bỏ trốn”, nhờ người họ hàng “ra mặt” giúp. Không những vậy, bà còn tắt luôn cả điện thoại. Nhiều người thân tưởng bà nghĩ quẩn lại được một phen tá hỏa, đổ xô khắp nơi tìm kiếm. “Khi tôi bỏ ra ngoài, nhiều khách không biết mình đi ăn cỗ hụt tưởng đến nhầm địa chỉ nên gọi điện hỏi. Lúc đó, tôi quá xấu hổ và mệt mỏi nên mới tắt điện thoại. Tới đây, tôi sẽ đi xin lỗi từng người một vì chuyện đáng tiếc trên”, bà Hoàng giải thích.
Quá cố chấp khiến người mẹ tạo ra tình huống bi hài Bàn về đám cưới bi hài trên, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết: “Tư tưởng dựng vợ gả chồng cho con cái trước khi “nhắm mắt xuôi tay” đã tồn tại từ lâu ở nước ta. Điều này cũng thể hiện tâm lý bảo bọc, che chở cho con thái quá của nhiều phụ huynh. Thói thường, ai cũng muốn được chứng kiến các con khôn lớn, trưởng thành, hơn thế nữa là muốn nhìn mặt con dâu, con rể, muốn được ẵm bồng các cháu. Xưa kia, ông bà ta còn rất “kị” chuyện “bà cô, ông mãnh”, tức là những người không lấy chồng/vợ, sống cả đời trong cô độc. Chính vì vậy các bậc phụ huynh thường muốn tận mắt chứng kiến cảnh con cái kết hôn, có đứa cháu nối dõi tông đường thì mới yên tâm về “nhìn mặt” tổ tiên. Bà Hoàng quyết định bất chấp mọi lời can ngăn để hỏi vợ cho con cũng do tư tưởng trên. Bà còn mắc bệnh hiểm nghèo, không biết sẽ “ra đi” lúc nào nên càng lo lắng hơn. Hoàn cảnh của bà Hoàng cũng khá éo le, chồng mất sớm, người con trai đầu cũng bị tai nạn mà sinh ra thương tật. Vì suy nghĩ phải đối mặt với cái chết bất cứ lúc nào nên bà muốn anh con trai còn lại được yên bề gia thất. Về điểm này cũng có thể phần nào thông cảm cho suy nghĩ của bà. Tuy nhiên, cái sai của bà là quá cố chấp khi biết việc vi phạm quy định của luật pháp mà vẫn làm. Chính điều này đã tạo ra tình huống bi hài như trên. May mắn là chính quyền kịp thời can ngăn để sự việc phạm pháp chưa diễn ra. Bà Hoàng hiện tại cũng đã hiểu được mọi chuyện, dù hậu quả bà phải chịu cũng không phải là nhỏ”. Về phía gia đình cô dâu, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng: “Suy nghĩ của gia đình cô dâu cũng xuất phát từ tâm lý muốn tốt cho con. Ông bà Hội hi vọng cuộc sống vợ chồng sẽ làm Phương Anh trưởng thành hơn, rời xa những cám dỗ, những tình cảm bồng bột dễ làm cô hư hỏng. Thực tế, hôn nhân với những lo toan, bận bịu chồng con sẽ giúp các cô gái nhanh chóng trưởng thành về mặt suy nghĩ. Tuy nhiên với lứa tuổi vị thành niên thì điều này dễ lợi bất cập hại. Đây là độ tuổi mà các em đang trong quá trình hoàn thiện về thể chất, phát triển về nhân cách, cuộc sống của các em sẽ xoay quanh việc thể hiện bản thân, mở rộng mối quan hệ bạn bè, khám phá những điều thú vị xung quanh… Các em chưa có đủ kiến thức về quan hệ tình dục an toàn, sinh sản cũng như Kỹ năng sống nên việc làm vợ, làm mẹ sẽ rất khó khăn. Hơn nữa trong trường hợp này, Phương Anh là cô bé có phần chậm chạp về đầu óc. Nếu để em đến với cuộc sống hôn nhân quá sớm, chắc chắn sẽ không làm tròn được vai trò của mình. Gia đình nên dành nhiều hơn nữa thời gian và tâm sức để định hướng lại suy nghĩ và lối sống cho em, thay vì đẩy trách nhiệm giáo dục con sang một người nào khác”. | |