Muốn Việt Nam tiến nhanh trên con đường trở thành con hổ mới của Châu Á, thì công công cuộc "đả hổ" phải giành thắng lợi ở mức cao nhất.
1.000 tỉ mà như giấy lộn…
Hãng AP (Mỹ) đã dẫn lời tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, đối tác nghiên cứu tại Viện ISEAS - Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, đánh giá vụ xét xử các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm "đã gửi lời cảnh báo nghiêm khắc rằng sẽ không có vùng cấm nào trong chiến dịch này, và các cán bộ tham nhũng - bất kể nắm giữ chức vụ gì - sẽ bị đưa ra công lý".
Tân Hoa Xã (Trung Quốc) thì gọi ông Đinh La Thăng là con "hổ lớn" trong chiến dịch chống thất thoát, tham nhũng – một trong hai nhiệm vụ hàng đầu của Việt Nam. ()
Hôm qua, nguyên Tổng biên tập một tờ báo uy tín, vừa than thở vừa hy vọng: 1.000 tỉ ở vào khoảng 50 triệu đô la, mà người ta công bố chỗ này mất 1.000 tỉ, chỗ kia mất 1.000 tỉ, như là mảnh giấy lộn vậy. Vinashine, Vinalines, Cao su, Dầu khí, Than khoáng sản…
Tôi nghĩ lực lượng chính trực trong Đảng hãy mạnh tay hơn nữa để tạo ra một môi trường sạch và lấy lại niềm tin trong dân chúng…Những tín hiệu đang phát ra đã bắt đầu cho ánh sáng.
Một đất nước không thể hóa rồng, hóa hổ nếu những tập đoàn được coi là nắm đấm chủ lực của nền kinh tế, bị ăn ruỗng.
Dân chúng khó có thể tin tưởng chung tay xây dựng đất nước, khi mà không ít "đầy tớ" ngồi lên đầu họ, "ăn không từ thứ gì" như lời của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, để trở thành "hổ béo".
Trong năm qua, những tín hiệu vui về kinh tế đã dồn dập đổ về, từ việc Việt Nam có mức tăng trưởng đáng kinh ngạc dù gặp thiên tai nặng nề, số lượng doanh nghiệp được thành lập tăng vọt.
Và đặc biệt, có những nhân tố rất cụ thể đã tiến những bước dài trong các bản danh sách đầy thế lực toàn cầu. ()
Việc ông vua ô tô Việt Nam Trần Bá Dương, vừa giành được sự tin tưởng của các ông lớn ô tô hàng đầu thế giới (BMW, Mini, BMW Motorrad) cũng là một thông điệp tốt lành: Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn trong một thế giới đầy bất ổn và biến động.
Một nền kinh tế đầy tiềm năng mới có thể trở thành bệ phóng cho sự bật vọt của ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Bá Dương như vậy.
Cho nên, điều trăn trở, băn khoăn, mong muốn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trở nên thời sự hơn bao giờ hết: "Cố gắng biến Việt Nam từ cô gái đẹp thành con hổ mới của nền kinh tế, có được không và tại sao lại không?...
Tôi đặt câu hỏi này cho các sở, ngành, phải có khát vọng chứ không phải cứ chậm mãi không thoát ra được". ()
Có một chuyện tỉ lệ nghịch trong phát triển: Muốn đất nước vụt bay, vượt thoát khỏi vùng trũng, khỏi trói buộc đói nghèo lạc hậu, thì lại cần nhốt được "quyền lực tiêu cực" trong lồng.
Việc nhốt quyền lực ấy, không chỉ là việc đưa những tội đồ ra ánh sáng, mà còn phải tạo cơ chế Chính sách và cơ chế lương tâm để người có quyền biết từ bỏ quyền lực theo kiểu ban phát, xin cho.
Vì vậy, câu hỏi mà Thủ tướng đưa ra trong Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành Kế hoạch và đầu tư, cũng phải trở thành mệnh lệnh hành chính cho bộ máy: "Cần từ bỏ quyền lực để phát triển đất nước. Các ông, bà Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư có dám từ bỏ quyền lực hay không lúc đó mới có thể phát triển được".
Hình ảnh cúi đầu, giọt nước mắt cay đắng, lời xin lỗi thống thiết… của các bị cáo trong đại án đang xét xử, tuy đắng đót hôm nay hôm nay, nhưng lại hé lộ những tín hiệu tốt lành cho đất nước ngày mai. Khởi đầu của thịnh vượng bao giờ cũng là môi trường công bằng, minh bạch.
Làm gì có những cây cối vạm vỡ xanh tốt, nếu nó được trồng trên mảnh đất ô nhiễm và nhung nhúc sâu bọ?