Sau một loạt clip phản ánh cảnh học sinh thờ ơ khi thấy bạn bị đánh, thậm chí còn cổ vũ hành động bạo lực hay cảnh một số người lén lút bỏ chiếc ví của người đi đường đánh rơi vào túi mình .... khiến người xem thở dài tự hỏi "phải chăng bệnh vô cảm đang hoành hành trong bộ phận người trẻ?.
Clip Những hành động vô cảm, ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận giới trẻ
Thời gian gần đây trên mạng xuất hiện nhiều clip phản ánh sự thờ ơ vô cảm của một bộ phận trong giới trẻ, gây bức xúc trong dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, có những clip phản ánh thái độ thờ ơ của học sinh với bạo lực học đường; thái độ lén lút bỏ ví tiền nhặt được của người đánh rơi vào túi mình hay việc chen lấn, xô đẩy trèo rào để vào công viên ngày mở cửa miễn phí.
Cụ thể, trong clip nữ sinh bị bạn đánh hội đồng bằng ghế ở Long An có nhiều học sinh không tham gia đánh bạn nhưng cũng chỉ thản nhiên đứng nhìn. Một clip tương tự ghi cảnh hai nữ sinh lớp 9 ở Quảng Ninh cấu xé, quăng quật nhau dưới nền đất còn đám đông bạn bè đứng xung quanh reo hò cổ vũ “cố lên”. Nhiều phụ huynh, nhà giáo dục, chuyên gia tâm lý, xã hội học đã phải thốt lên “quá lo ngại” khi chứng kiến cảnh này.
Nhiều học sinh chứng kiến hai học sinh này đánh nhau đã reo hò, cổ vũ bạn "cố lên" |
Qua những vụ việc này, trao đổi trên Thanh niên, thạc sĩ Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú, TP HCM) nhìn nhận bệnh vô cảm, không biết thương yêu đồng loại đang hoành hành trong bộ phận người trẻ. Trong khi đó, cơ chế xử lý những vụ bạo lực học đường hiện còn nhiều bất cập. “Những vụ nào báo chí phản ánh thì mới được quan tâm, Bộ GD-ĐT và chính quyền địa phương đôn đốc xử lý. Còn không thì nhà trường thường coi đó là những chuyện nhỏ”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, để ngăn ngừa bạo lực học đường và vô cảm với bạo lực học đường, nhà trường cần tận dụng nắm bắt nhiều kênh thông tin đa chiều, từ giáo viên, giám thị, cán sự lớp, phát phiếu đồng hành nắm bắt tâm tư học sinh. Bên cạnh đó, hiệu trưởng và giáo viên nhiều lúc cũng cần “vi hành” trên những trang mạng xã hội để hiểu thêm về muôn mặt cuộc sống của học sinh.
Những hình ảnh, clip ghi lại cảnh chen lấn, giành giật, đẩy bản thân và con em mình vào tình huống nguy hiểm ở công viên nước Hồ Tây ngày 19/4 cũng đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong những đoạn clip được chia sẻ trên mạng, nhiều thanh niên, trong đó có cả các trẻ nhỏ với sự hỗ trợ bê đỡ của bố mẹ cố vượt qua hàng rào nhọn hoắt để vào được công viên bơi miễn phí.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội đã phải thốt lên: “Tôi thật sự bị sốc khi xem những hình ảnh này. Sốc vì không thể hiểu nổi. Cực kỳ phản cảm!” khi trao đổi với phóng viên báo Thanh niên.
Theo ông Khang, vụ việc ở công viên nước Hồ Tây cũng như hành động bẻ hoa ở lễ hội hoa, tranh cướp đồ ăn ở cửa hàng ăn miễn phí, tranh cướp ấn ở đền chùa… phản ánh rõ nét văn hóa của một thế hệ. Không thể phủ nhận trách nhiệm của giáo dục, trong đó có giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội.
“Có đáng không khi chỉ vì một vé bơi miễn phí, một cuộc chơi không phải có một không hai gì mà họ phải trả giá quá đắt về nhân cách và ý thức như vậy. Trong khi họ có thể thờ ơ đi qua những vụ tai nạn, những vụ mâu thuẫn dẫn tới đánh chửi nhau ở ngoài đường, không một sự giúp đỡ, can ngăn”, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang bức xúc.
Một đoạn phim do nhóm nhóm bạn trẻ tại TP HCM thực hiện với sự hỗ trợ của ông Thành - người bị khiếm thị từ năm 3 tuổi. Trong clip, ông Thành đã tạo ra tình huống đánh rơi ví và đã nhận được nhiều cách ứng xử khác nhau từ người đi đường. Ở đoạn đầu clip là liên tiếp những hình ảnh phản ánh cách hành xử vô cảm, thiếu văn hóa của một số người, trong đó có các bạn trẻ khiến người xem không khỏi buồn bã, thở dài. Đó là cảnh vội vàng nhặt ví lên và nhét vào túi quần, thậm chí có người còn lén lút mở ví rút tiền cho vào túi mình.
Nhìn nhận vấn đề này, tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho rằng, nếu thấy người đánh rơi mà nhặt không trả, biến thành đồ của mình thì có vấn đề về văn hóa ứng xử, đạo đức.
“Lòng tham thì ai cũng có, vì bên trong mỗi người luôn có tốt có xấu. Chỉ khác nhau ở chỗ có người cưỡng lại và vượt qua được, có người thì không”, ông Điệp trao đổi trên Thanh niên.
Ông Điệp cho rằng văn hóa ứng xử nhặt được của rơi trả người đánh mất phải được giáo dục trước tiên ở trong gia đình, cha mẹ phải luôn nhắc nhở con cái không nên lấy, xài những thứ không phải của mình. Sau đó là ở trường học, thầy cô giáo phải luôn đưa ra những tình huống đó để học sinh thấm dần, hình thành nên hành vi, tính cách.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân, Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đánh giá: Khi thấy một chiếc ví rơi ngoài đường, họ nghĩ đó là của rơi trên trời, là do mình may mắn nhặt được mà không nghĩ rằng không tìm cách trả lại cũng chính là đang cướp đi công sức, của cải của người khác.
“Dù xã hội phát triển đến mức nào thì chúng ta cũng cần phải phê phán cách ứng xử đó. Thầy cô giáo, những nhà trí thức, nhà văn hóa… cần có tiếng nói cảnh tỉnh, để góp phần thắng lại cỗ xe đang tuột dốc của một bộ phận có tư tưởng, nhân cách đạo đức suy giảm”, bà Ngân nói.
H.M (tổng hợp)