Tin mới

Chuyên gia "bó tay" trước hiện tượng "gạo nấu chín để 11 ngày không hỏng"

Thứ sáu, 04/03/2016, 14:48 (GMT+7)

Một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm cũng không thể có những lý giải cho hiện tượng "gạo nấu chín 11 ngày không hỏng" mà một trang điện tử vừa phản ánh.

Một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm cũng không thể có những lý giải cho hiện tượng "gạo nấu chín 11 ngày không hỏng" mà một trang điện tử vừa phản ánh.

Trước thông tin một người dân ở Quảng Trị phản ánh gạo mua ở Co-opMart nấu chín để 11 ngày không hỏng được đăng tải trên một trang điện tử khiến một bộ phận dư luận hoang mang, phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia để có những lý giải dưới góc độ khoa học. 

Cụ thể theo thông tin đăng tải, ngày 15/2/2016, anh H. (quê ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) có mua một bao gạo trọng lượng 5kg nhãn hiệu “gạo thơm jasmine” tại siêu thị Co-opMart Quảng Bình để nấu ăn. Trong một bữa cơm sử dụng loại gạo này, anh H. ăn không hết nên để thừa trong nồi cơm điện và đi công tác. Hết chuyến công tác 11 ngày anh trở về nhà, mở nồi định nấu cơm thì phát hiện số cơm thừa trong 11 ngày qua vẫn chưa hỏng, không có mùi thiu như các loại gạo bình thường khác, mà vẫn còn nguyên hạt. 

Ảnh chụp số cơm được cho rằng không thiu sau 11 ngày để quên trong nồi Ảnh: phapluatplus.vn

Trao đổi với phóng viên, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng: gạo nấu chín để 11 ngày không thiu đúng là bất bình thường nhưng phải xem thông tin phản ánh có đúng không.

"Tôi cũng không hiểu sao nữa, trước tiên phải xem thông tin phản ánh có đúng không. Bình thường gạo nấu chín để nguội rồi lấy màng kín bọc cho vào tủ lạnh thì được 2-3 ngày nhưng nếu để trong điều kiện bình thường mà mười mấy ngày thì bất bình thường. Cơm nấu xong, bỏ ra ăn rồi đậy kín nồi thì phần cơm còn thừa trong nồi càng chóng thiu. Bởi, khi mở ra rồi bới số cơm này đã nhiễm khuẩn rồi, khi đậy lại, hơi nước trên nắp nồi mang theo vi sinh vật rơi xuống làm cho cơm chóng thiu. Do đó, muốn bảo quản cơm tốt thì người ta phải mở nắp nồi ra, để cho cơm thật nguội, hết hơi nước đi rồi mới lấy màng kín bọc vào rồi cho tủ lạnh", ông Thịnh nói.

Cũng theo TS Thịnh, trước thông tin này, một số người có thể nghi ngờ trong gạo có chất bảo quản. Tuy nhiên, nếu có chất bảo quản thì cũng chỉ là chất bảo quản cho gạo không bị mốc trước khi đến tay người dùng thôi chứ người ta không có ý định cho vào để bảo quản cơm. Nhưng giả sử loại gạo đó có chất bảo quản thì cũng không thể nấu chín và để 11 ngày mà cơm không thiu.

"Chất bảo quản gạo khi nấu thành cơm thì có thể nó vẫn còn tồn tại ở đó và ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của người ăn. Thế nhưng, một cân gạo bán lãi rất ít nên thường họ không cho vào làm gì, cho vào nữa thì lãi được bao nhiêu trong khi chẳng cần thiết phải bảo quản. Hơn nữa, chất bảo quản ở gạo chủ yếu là chống mốc và khi nấu chín nếu còn thì cũng chỉ giảm hiện tượng cơm bị mốc chứ nó vẫn lên men và bị chua", ông Thịnh lý giải.

Ông Thịnh cũng khẳng định nghi vấn gạo giả tuyệt đối không thể xảy ra.

"Tất cả các thông tin, nghi vấn gạo giả đều là bịa đặt, không có cơ sở. Chỉ có loại này giả loại kia, ví như: dùng một loại gạo có hạt giống với gạo tám rồi dùng một số chất cho vào cho giống màu, mùi gạo tám thì có", ông Thịnh nói và cho biết những chất đó không can thiệp nhiều đến việc lâu hỏng khi gạo nấu thành cơm. 

Về thông tin, anh H. nấu nồi cơm mới rồi xới ra bát để 3 ngày cũng không thiu, TS Thịnh cho rằng, điều này có thể xảy ra nếu nồi nấu sạch xới ra bát sạch để ở chỗ thoáng mát. 

Trước giả thiết, nếu nấu cơm xong rồi cứ để thế trong nồi thì có để được 11 ngày không?, theo ông Thịnh trong điều kiện đó thì cơm có thể bảo quản được lâu hơn cơm đã mở nắp nồi nhưng cũng không thể để được 11 ngày. 

"Nếu nấu xong cứ để thế trong nồi thì có thể bảo quản được lâu hơn trong điều kiện vi sinh vật không bị nhiễm. Nhưng chẳng có ai nấu cơm xong lại không ăn. Cái này cũng chưa ai thực nghiệm, nhưng nhìn chung là không bảo quản được lâu. Vì thông thường cơm nóng xong nguội đi trong đấy có chân không hút không khí ở ngoài vào thì nó cũng nhiễm khuẩn", ông Thịnh phân tích. 

H.Minh 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news