Trước những cây gỗ sưa có giá lên đến vài chục tỷ đồng, PGS. Lê Xuân Phương đã có lý giải tại sao cây gỗ sưa lại có giá “trên trời” như vậy.
Cây sưa tiếp tục là vấn đề được quan tâm trong những ngày qua khi mới đây, UBND TP.Hà Nội đã có công văn chỉ đạo sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kết hợp với chi cục Kiểm lâm để hướng dẫn huyện Chương Mỹ và xã Hòa Chính giải quyết vấn đề xung quanh cây sưa.
Cụ thể, sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã quyết định cho cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Nội toàn quyền quyết định mua bán cây sưa nằm trong khuôn viên chùa thôn Phụ Chính.
Trước đó, trong năm 2015, thôn Phụ Chính cũng đã từng đấu giá thành công một cành sưa với giá 31 tỷ đồng. Hiện nay, cây sưa nằm trong khuôn viên chùa thôn Phụ Chính được nhân dân ước tỉnh lên đến 100 tỷ đồng.
Câu hỏi đặt ra, cây sưa có tác dụng gì mà nó lại có giá "trên trời" như vậy? Là một trong những chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về , PGS.TS. Lê Xuân Phương – Viện trưởng viện Công nghiệp gỗ Đại học Lâm nghiệp cho biết, những nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra trong gỗ sưa có chứa chất có thể tiết chế thành thuốc.
Cụ thể, theo PGS.TS. Lê Xuân Phương: "Trong phần gỗ lõi (Heatwood) của gỗ sưa có hoạt chất Daltonkin A, Daltonkin B, là các Mono- và Dicarboxyethyl Flavanones.
Ngoài ra còn có Pinocembrin, Naringenin và Neoflavonoid, 30-hydroxy-2,4,5-trimethoxydalbergiquinol. Các hợp chất này có tác dụng kháng vi sinh vật (nấm, vi khuẩn) ở mức độ nhất định. Ngoài ra, hoạt tính ức chế Enzyme α-glucosidase giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh tiểu đường cũng được tìm thấy trong thành phần hóa học của gỗ lõi gỗ sưa".
"Kết quả nghiên cứu này đã mở ra những tác dụng nhất định của gỗ sưa trong điều trị y học và cần được tiếp tục nghiên cứu" - ông Phương cho hay.
Ông Phương còn cho biết thêm: "Gỗ sưa có mùi thơm nhẹ dịu, thoang thoảng khiến cho tinh thấn con người cảm thấy dễ chịu, sảng khoái.
Ngoài những tác dụng có thể sản xuất thành thuốc, thì gỗ sưa cũng thường được dùng để làm nội thất trong gia đình, như bàn ghế, giường tủ... Vì là loại gỗ quý hiếm bậc nhất hiện nay, để tỏ ra mình "chịu chơi" các đại gia sẵn sàng trả giá chênh hàng tỷ đồng để sở hữu sản phẩm làm bằng gỗ sưa".
Những sản phẩm làm bằng gỗ sưa có giá "trên trời".
Tìm đến Đồng Kỵ, Bắc Ninh , theo tìm hiểu của P.V Người Đưa Tin thì hiện nay, trên địa bàn còn rất ít người buôn gỗ sưa thay vào đó họ chỉ nhập những sản phẩm làm bằng gỗ sưa về bán vì là gỗ quý hiếm mà lại rất kén khách.
Theo bà chủ cơ sở đồ gỗ S.S nằm trên địa bàn Đồng Kỵ (Bắc Ninh): "Bàn ghế bằng gỗ sưa thì nhà chị luôn có sẵn, nhưng không bày bán tại cửa hàng này. Em muốn xem mẫu, chị có thể gửi hình ảnh cho em chọn, rồi chị đưa tới kiểm tra và vận chuyển hàng".
Bà chủ cơ sở này cũng cho biết thêm, 2 chiếc ghế chạm rồng nhỏ có giá 700 - 800 triệu đồng, một bộ bàn và 4 ghế nhỏ với thiết kế đơn giản đã có giá khoảng 2 tỷ đồng.
"Thương hiệu" của gỗ sưa nằm ở chỗ là chỉ để cho các vua chúa sử dụng, cho nên giới đại gia cũng muốn tận hưởng cuộc sống "vua chúa" không ngại ngần chi tiền tỷ để có được những món đồ mà chỉ có ở cung điện vua chúa.
Anh Dậu – chủ sản xuất đồ gỗ ở Đồng Kỵ ( Bắc Ninh) tiết lộ: "Gỗ sưa trở thành cơn sốt giá từ những năm 2012 - 2013".
Là đại gia chơi gỗ sưa, ông Hùy ở Đồng Kỵ cho biết: "Một kg gỗ sưa tốt giờ chỉ có giá khoảng 10-12 triệu đồng, chỉ bằng một nửa so với trước đây. Tuy nhiên so với các loại gỗ khác trên thị trường, gỗ sưa hiện vẫn đứng đầu danh sách đắt đỏ bậc nhất và là loại gỗ được các đại gia săn lùng".