"Dòng chữ trên hiện vật thường xuất hiện trong các ấn phong cho Thái tử Mãn Thanh, còn nhà vua thì vẫn dùng Kim Tỷ cho những việc quân cơ, quốc sự" - chuyên gia Hán Nôm Trần Đình Hiến giải thích.
Vừa qua, nhiều trang báo đưa tin, trong lúc đi làm đồng, một nông dân ở xóm 5, xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) phát hiện một vật lạ bằng kim loại có hình dạng giống ấn tín của nhà vua. Hay tin, rất đông người dân hiếu kỳ kéo đến nhà hộ dân này để được chiêm ngưỡng hiện vật lạ và mong muốn được chạm vào "hiện vật cổ" để lấy may.
Theo ghi nhận của cán bộ phòng Văn hóa huyện Nghi Lộc, hiện vật có 9 đầu rồng, nặng 1,6kg, làm bằng kim loại màu đen. Cả mặt trên và mặt dưới của hiện vật đều có chữ Hán.
Cụ thể, nội dung dòng chữ phần thân trên hiện vật là "Cửu Long Kim Tỷ"; còn dòng chữ phía dưới đáy của hiện vật là "Đại Thanh Tự Thiên Tử Bảo".
Theo phân tích của chuyên gia Hán Nôm Trần Đình Hiến - nguyên là Tùy viên báo chí - văn hóa Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thì "Cửu Long Kim Tỷ" nghĩa là ấn có 9 con rồng. Còn "Đại Thanh Tự Thiên Tử Bảo" có thể được hiểu là "loại ấn phong cho Thế tử nối ngôi ở triều Mãn Thanh (Trung Quốc)".
"Nếu đây thực sự là loại ấn tín cổ thời xưa thì ấn này là ấn phong của Thế tử, chỉ là ấn sắc phong vua ban, không phải loại dùng trong việc quân cơ, quốc sự hay đóng trên sắc phong thần ở các nơi thờ tự. Còn ấn tín của nhà vua thì vẫn là Kim Tỷ. Kim Tỷ này mới được xem là "con dấu" của nhà nước" - chuyên gia Trần Đình Hiến cho biết.
Hiện vật nghi là ấn cổ của nhà vua. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Cũng theo nhận định của vị chuyên gia này, chỉ qua hình khối, chất liệu và những dòng chữ trên hiện vật này thì khó có cơ sở để xác định đây có phải là ấn cổ hay không. Cũng lưu ý rằng, trước đây, ở Trung Quốc, tình trạng làm giả các loại ấn cổ để mua bán diễn ra tràn lan. Do vậy, muốn có được lời giải đáp đích xác về giá trị của hiện vật, tính thật - giả của hiện vật thì phải qua công đoạn thửa kim loại và có cả hội đồng thẩm định, đánh giá thì mới có thể có được kết luận.
Được biết, tối ngày 30/11, Bảo tàng tỉnh Nghệ An đã hoàn tất thủ tục tiếp nhận hiện vật kim loại này. Việc tiếp nhận hiện vật từ người dân dựa theo Luật di sản văn hóa năm 2010. Hiện đơn vị đã tiến hành niêm phong và tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định thành lập hội đồng thẩm định đánh giá đó là hàng giả hay thật, giá trị kinh tế và văn hóa thế nào.
Theo dự kiến, các thành viên hội đồng thẩm định sẽ gồm thành viên hội đồng thẩm định cổ vật quốc gia, cán bộ Bảo tàng tỉnh, đại diện Sở Văn hóa, Sở Tài chính Nghệ An. Khi có kết quả, nếu là hiện vật quý, Hội đồng cổ vật quốc gia sẽ phân công đơn vị bảo quản, có thể là Bảo tàng tỉnh Nghệ An hoặc Bảo tàng lịch sử quốc gia.
Vũ Đậu