Để giải quyết toàn cục vấn đề BOT Cai Lậy, TS Thủy đề nghị, Bộ GTVT cần "hy sinh" và Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nên sớm xuống thị sát tình hình để có quyết sách đúng.
Nút thắt chính ở vị trí đặt trạm thu phí
Sáng 4/12, trao đổi với PV, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho rằng, qua theo dõi phản ánh của truyền thông, ông thấy, Bộ GTVT cùng các cơ quan chức năng cần phải sớm tháo nút thắt ở BOT Cai Lậy (Tiền Giang).
Cụ thể, nút thắt chính là ở vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy mà trong kịch bản, kế hoạch ban đầu của Bộ, các cơ quan chức năng không đánh giá được hết phản ứng của người dân.
Theo ông Thủy, như báo chí, dư luận đã nêu rất rõ là vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy không thể để trên đường 1A mặc dù nhà thầu bỏ mấy trăm tỷ đồng để trải lại mấy chục km mặt đường.
Bởi Quốc lộ 1A là đường có từ thời Pháp sau đó ngân sách Nhà nước nâng cấp lên, người dân cũng đã đóng nhiều loại phí hay phí bảo trì đường bộ hàng năm để góp vào duy tu, bảo dưỡng.
"Nhà thầu có bỏ mấy trăm tỷ vào trải lại mấy chục km mặt đường 1A để tỏ vẻ mình đã đầu tư và thu phí, nhưng người dân không thể chấp nhận việc đặt trạm thu phí ở chỗ không đáng thu phí như vậy.
Trạm thu phí phải đặt đúng vị trí đường tránh đầu tư còn đặt ở đường 1A là sự bất hợp lý cả về luật, tính khoa học, sự trung thực, minh bạch trong vấn đề đầu tư, đặt trạm", TS Thủy nói.
Cũng theo TS Thủy, vị trí đặt trạm thu phí rất quan trọng, quyết định lượng thu được bao nhiêu, hiệu quả đầu tư cũng như ý kiến của người dân được tiếp thu như thế nào.
Tài xế nhận tiền thừa 100 đồng. Ảnh: Viết Dũng.
"Đặt trạm thu phí sai vị trí thì người dân sẽ rất dễ phát hiện và phẫn nộ về việc này nhiều hơn với mức phí. Với trạm BOT Cai Lậy, Bộ và các cơ quan đã có tính toán, nếu đặt trạm ở đầu đoạn đường tránh, số lượng thu phí sẽ giảm đi rất nhiều lần nên không muốn đặt.
Nhưng để minh bạch, công bằng và cuối cùng đều nhằm mục đích phục vụ người dân thì Bộ GTVT nên xem xét lại quan điểm của mình, đồng thời đặt lại trạm đó, chấp nhận thu ít đi, cho nhà thầu tăng thời gian thu lên.
Chúng ta nên dùng biện pháp tích tiểu thành đại, năng nhặt chặt bị thay vì cứ thu nhiều để bị người dân phản đối", TS Thủy nêu.
Để giải quyết toàn cục của vấn đề BOT Cai Lậy, TS Thủy đề nghị, Bộ GTVT cần "hy sinh", thay đổi mạnh mẽ.
Đồng thời, ông mong, "Tư lệnh" ngành GTVT Nguyễn Văn Thể nên sớm xuống thị sát tình hình, nắm bắt lại vị trí đặt trạm, tâm tư, nguyện vọng của người dân từ đó có quyết sách đúng đắn.
"Tôi phải nói rõ, người dân phản đối, có những hành động chưa đúng, vi phạm trong các mối quan hệ xã hội nhưng tất cả cũng vì mục tiêu cuối cùng đặt lại cho đúng vị trí của trạm thu phí này.
Ở đây, rõ ràng Bộ GTVT đã đặt không đúng trạm thu phí nên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là người mới cần quyết đoán mạnh và dám chịu trách nhiệm trước Nhà nước, nhân dân.
Bộ trưởng nên sớm xuống thị sát và sau khi nghiên cứu, nghe tham mưu kỹ có thể đưa quyết định sẽ chịu trách nhiệm trước Nhà nước, xóa bỏ trạm thu phí này, chuyển về đúng vị trí, có cơ chế, Chính sách mới, phù hợp cho nhà đầu tư sẽ lấy lại được lòng tin của nhân dân.
Nếu làm được như thế cũng sẽ hạn chế các hiệu ứng xấu có thể xảy ra với các trạm thu phí khác trên cả nước", TS Thủy nhấn mạnh.
"Cần xin lỗi về việc đã đặt sai vị trí của trạm thu phí"
Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cũng chỉ rõ, sự việc ở BOT Cai Lậy sẽ là bài học rất lớn cho Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ và các cơ quan chức năng trong việc đặt trạm thu phí phải đúng.
"Không riêng Cai Lậy mà trước đây trạm thu phí cầu Bến Thủy hay ở Việt Trì (Phú Thọ)... cũng đã đặt ra bài học rất lớn cho Bộ, Tổng cục Đường bộ là dứt khoát phải đặt trạm thu phí đúng vị trí.
Đừng vì bất cứ lợi nhuận trước mắt, cục bộ hay lợi ích nhóm mà làm mất đi cái lớn nhất là lòng tin của nhân dân", TS Thủy bày tỏ.
Ông Bùi Danh Liên. Ảnh: T.N.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, việc các cơ quan chức năng cho nhà thầu xây dựng tuyến đường tránh Cai Lậy dài 12km rồi lại lấy cớ chi tiền trải, sửa, tân trang lại mặt đường 1A để đặt trạm thu phí BOT trên đó là không hợp lý.
"Việc người dân yêu cầu làm chỗ nào thì đặt trạm thu phí chỗ đó là cái lý đúng và cũng đúng với chính công bố của Bộ GTVT, các quy định của thu phí BOT.
Tuy nhiên, hiện nay để giải quyết việc di dời trạm thu phí BOT Cai Lậy không hề dễ bởi đây là dự án và liên quan đến hợp đồng kinh tế giữa Nhà nước với chủ đầu tư.
Do đó, để ổn định, đồng thuận xã hội, hài hòa với người dân thì Nhà nước, chủ đầu tư phải phối hợp với nhau đưa ra các giải pháp cụ thể.
Nhưng quan trọng nhất trong lúc này, các cơ quan Nhà nước cần tiếp thu ý kiến của người dân, giải thích rõ và xin lỗi về việc đã đặt sai vị trí của trạm thu phí", ông Liên nêu.
Ông Liên cũng "hiến" một số giải pháp cần làm ngay để ổn định tình hình ở BOT Cai Lậy trong lúc chờ quyết sách đúng, di dời trạm về đúng vị trí.
Trước hết, phải giảm phí tối đa cho các chủ phương tiện, thay vì 30% như hiện nay nên giảm đến 50%, thậm chí hơn nữa.
Cùng với đó, tỉnh Tiền Giang nên tiến hành phân luồng, hạn chế các loại phương tiện có trọng tải lớn, quá khổ, quá tải đi vào đường 1A cũ và yêu cầu đi sang đường tránh để đảm bảo an toàn giao thông.
"Tuy vậy, thu phí ở đây phải thực hiện đúng là chỉ thu chiều dài đường tránh là 12km chứ không được thu cao hơn và cấp độ đường thế nào thì thu như thế, không được áp mức giá khác.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo nên Bộ GTVT chủ động giải quyết và không được có những phát ngôn căng về việc không thể di dời, không giảm phí đối với BOT Cai Lậy", ông Liên nói thêm.