Tin mới

Có thể nhận biết thực phẩm nhiễm chì bằng vị giác, mắt thường?

Thứ tư, 01/06/2016, 15:52 (GMT+7)

Theo chuyên gia, không thể nhận biết thực phẩm nhiễm chì bằng vị giác hay mắt thường. Cách nhận biết một số cư dân mạng "mách" nhau trên các diễn đàn đều không đủ cơ sở khoa học.

Theo chuyên gia, không thể nhận biết thực phẩm nhiễm chì bằng vị giác hay mắt thường. Cách nhận biết một số cư dân mạng "mách" nhau trên các diễn đàn đều không đủ cơ sở khoa học.

Tiêu hủy nước C2 tại Công ty TNHH URC Hà Nội chiều 31-5 - Ảnh: Trần Ngọc Kha/ nguồn Tuổi Trẻ

Gần đây, việc Công ty TNHH URC Hà Nội đã bị phạt 5,8 tỉ đồng và bị buộc tiêu hủy các lô C2 và Rồng Đỏ, nhiễm chì đã gây hoang mang dư luận vì lô hàng đã bán hết ra thị trường.

Bên cạnh đó nhiều thông tin về ô nhiễm môi trường khiến người dân có nguy cơ nhiễm những kim loại nặng gây hại cho sức khỏe như chì lại khiến người dân thêm lo lắng. Do đó, thời gian gần đây, trên một số diễn đàn mạng, người tiêu dùng "mách" nhau cách nhận biết như: rau muống, đồ sứ, mĩ phẩm nhiễm chì dù chưa có khuyến cáo chính thức của các chuyên gia. 

Một trang mạng đăng bài viết nhận biết rau muống nhiễm chì qua việc vắt chanh vào nước luộc, nếu nước luộc không chuyển màu thì chứng tỏ rau bị nhiễm chì. Ảnh Internet

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa (Hà Nội) cho rằng, người tiêu dùng không thể nhận biết thực phẩm nhiễm chì bằng mắt thường, vị giác hoặc các dụng cụ thử thông thường. 

"Chỉ khi nào cơ quan chức năng công bố kết quả kiểm nghiệm thì mới có thể biết chính xác được đồ uống, thực phẩm, hay đồ dùng nhiễm chì hay không còn lại thì không thể có cách nào người dùng có thể nhận biết được.

Hiện tại cũng chưa sản xuất công cụ hữu dụng nào để nhận biết thực phẩm chứa chì hay không", ông Thịnh nói.

Đề cập đến "bí quyết" nhận diện rau muống nhiễm chì mà Cộng đồng mạng mách nhau như: dựa vào ống rau, độ giòn, màu lá hay màu nước luộc rau, ông Thịnh cho rằng cách nhận biết này không đủ cơ sở khoa học.

"Chuyện này giống như một người bị vàng da thì sẽ nghĩ ngay là bị bệnh gan nhưng chỉ có bác sĩ mới chẩn đoán chính xác được, một vài biểu hiện ban đầu không thể khẳng định được", ông Thịnh ví von. 

Tương tự với cách nhận biết đồ sứ nhiễm chì bằng dấm ăn như cư dân mạng mách nhau, GS Thịnh cũng phủ nhận và phân tích: "Mặc dù nước dấm có nồng độ axit thấp có khả năng hòa tan chì và trong phân tích hóa học định tính người ta có thể phát hiện ra chì bằng thuốc thử. Ví dụ nhỏ dung dịch thuốc thử mà tạo kết tủa chì, thì phát hiện được chì tuy nhiên cũng dễ gây nhầm lẫn vì có nhiều chất cũng kết tủa với thuốc thử đó như clorua canxi. Phương pháp này chỉ được dùng trong thí nghiệm ở điều kiện giới hạn vì vậy không thể khẳng định kết tủa đó là chì hay không trong dung môi hỗn tạp được".

GS Thịnh cũng cho biết, có những sản phẩm nhà sản xuất buộc phải dùng chì đặc biệt là đồ gốm sứ. Bởi để có được lớp men bóng đẹp và trang trí thì bắt buộc phải dùng chì. Vì vậy đã có khuyến cáo không nên dùng những đồ sứ được trang trí sặc sỡ để chứa đựng các thực phẩm trong thời gian dài.

Với việc kiểm tra mỹ phẩm nhiễm chì như son bằng nhẫn bạc mà nhiều chị em phụ nữ vẫn sử dụng, PGS Thịnh cũng cho rằng, cách này không thể chính xác. Việc chà bạc vào mỹ phẩm sẽ tạo ra phản ứng nhất định nhưng nó không phải căn cứ để đưa ra nhận định chuẩn xác.

Để tránh sử dụng phải thực phẩm chứa chất độc hại, PGS Thịnh khuyến cáo, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu đầy đủ thông tin về sản phẩm và có sự lựa chọn thông minh, trách nhiệm với sinh mệnh của mình. 

"Hy vọng các nhà chức năng đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thực phẩm không an toàn và có thông tin kịp thời đến người dân được yên tâm", ông Thịnh chia sẻ. 

Chì ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể

Theo thông tin từ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, chì là kim loại độc với cơ thể, đặc biệt ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ của trẻ em.

Khi vào cơ thể, chì tích tụ trong mô mềm hoặc xương, thời gian thải loại chì rất dài, thậm chí tới 30-40 năm.

Trong quá trình đó, chì ảnh hưởng tới yếu tố tạo xương, trẻ bị ngộ độc chì ảnh hưởng tới phát triển chiều cao, ức chế tổng hợp hồng cầu và giảm tuổi thọ hồng cầu, chưa kể có nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng khác tới cơ thể.

Ở VN, rải rác vẫn ghi nhận ngộ độc chì ở trẻ em sử dụng loại thuốc cam điều trị tưa lưỡi và giúp trẻ ngon miệng bán tại nhiều cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền, đặc biệt ở nông thôn.

Cách đây ba năm, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận hàng trăm trẻ ngộ độc chì vào viện trong thời gian ngắn vì loại thuốc cam chứa chì này.


Dã Quỳ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news