Tin mới

Chuyên gia nói gì về "Việt Nam đứng thứ 12 xếp hạng giáo dục toàn cầu"?

Thứ năm, 14/05/2015, 14:53 (GMT+7)

"Nếu ta tin vào những điều này, thì đổi mới giáo dục làm gì nữa? Đã xếp tận hạng đấy, chẳng cần đổi mới giáo dục chỉ tốn tiền, mà cứ từ từ tiến lên thôi", PGS Văn Như Cương chia sẻ sau kết quả Việt Nam đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu.

"Nếu ta tin vào những điều này, thì đổi mới giáo dục làm gì nữa? Đã xếp tận hạng đấy, chẳng cần đổi mới giáo dục chỉ tốn tiền, mà cứ từ từ tiến lên thôi", PGS Văn Như Cương chia sẻ sau kết quả Việt Nam đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu.

Như tin tức đã đưa, theo bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế công bố, Việt Nam xếp thứ 12, đứng trên nhiều bậc so với các nước như Anh, Mỹ, Úc.

Đã có nhiều kiến trái chiều từ các chuyên gia về kết quả này. Trong đó, đa số cho rằng đây không phải là kết quả quá bất ngờ bởi Việt Nam có truyền thống thi đạt điểm cao và các nhà khoa học quốc tế đều đánh giá cao tố chất thông minh của người Việt. Tuy nhiên, ngành giáo dục không nên mừng quá và cho rằng đó là thành tựu xuất sắc của giáo dục phổ thông Việt Nam.

Theo trao đổi của GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh trên Vietnamnet, nếu bảng xếp hạng được đưa ra dựa trên sự phân tích, tổng hợp kết quả các kỳ thi quốc tế (kỳ sát hạch PISA năm ngoái, các kỳ thi học sinh giỏi Toán và Khoa học) thì đúng là chúng ta có thể có thứ hạng cao. Tuy nhiên, kết quả sát hạch PISA và số lượng giải thưởng chỉ phản ánh được một mặt, chứ không phản ánh toàn diện chất lượng giáo dục.

"Bởi vì nếu nói về các kì thi học sinh giỏi thì các nước, đặc biệt những nước có nền giáo dục phát triển, họ không chọn học sinh giỏi đi thi như cách chúng ta làm. Học sinh tham gia đội tuyển của họ chắc chắn là giỏi, nhưng là học sinh ở những trường bình thường. Còn Việt Nam có những trường chuyên đào tạo ra những “thợ” giải toán, lý, hóa… đi thi quốc gia và quốc tế.

Trong điều kiện như vậy, chúng ta xếp hạng cao là có thể. Nhưng nhìn vào xếp hạng này mà bảo giáo dục Việt Nam hơn giáo dục Mỹ, Úc là không đúng.
Vài chục năm gần đây, đội ngũ nhân lực do giáo dục Việt Nam đào tạo ra đã có đóng góp vào sự phát triển của đất nước, đưa Việt Nam thoát nghèo. Tuy nhiên, ai cũng nhận thấy Việt Nam về mọi mặt đang thua kém quốc tế rất nhiều, thậm chí có nguy cơ tụt hậu so với cả những nước được xem là đứng cuối bảng ở Đông Nam Á. Những yếu kém đó bao gồm cả giáo dục", GS Thuyết phân tích.

 

Chuyên gia nói gì về

Chuyên gia nói gì về "Việt Nam đứng thứ 12 xếp hạng giáo dục toàn cầu"?

PGS Văn Như Cương cũng thẳng thắn nêu quan điểm: "Đối với bản thân tôi, tôi không cùng suy nghĩ như bảng xếp hạng này".

"Nếu ta tin vào những điều này, thì đổi mới giáo dục làm gì nữa? Đã xếp tận hạng đấy, chẳng cần đổi mới giáo dục chỉ tốn tiền, mà cứ từ từ tiến lên thôi", Vietnamnet ghi lời PGS Văn Như Cương.

Cũng theo ý kiến của ông Cương thì xếp hạng này dường như cũng nói khá rõ về mối quan hệ giữa giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội, khi đưa ra những ước tính như “nếu Ghana, quốc gia đứng cuối bảng, trang bị đầy đủ kỹ năng cơ bản cho tất cả các thiếu niên 15 tuổi, thì trong tương lai, GDP của nước này sẽ tăng đến 38 lần”. Tuy nhiên, không biết họ đánh giá nền giáo dục của Việt Nam đóng góp vào tăng trưởng GDP ở mức độ nào, khi chính chúng ta công bố những con số đáng ngại về tình trạng cử nhân ĐH, CĐ ra trường không có việc làm, làm việc trái ngành nghề, phải đào tạo lại…
Theo đó, nhìn vào những thông tin ban đầu này cũng không thể thấy ta đang mạnh ở điểm nào được, khi ta không biết những tiêu chí cụ thể, số điểm đạt được cụ thể ở mỗi tiêu chí…

Chia sẻ trên Thanh niên, TS Giáp Văn Dương, người sáng lập trường học trực tuyến GiapSchool, cũng cho rằng không nên vui với kết quả này. 

Theo ông Dương, chương trình giáo dục của VN là chương trình ở trên “khán đài”, tức trải nghiệm gián tiếp thông qua các khái niệm, kiến thức, lý thuyết, mô hình đã có sẵn. Đây là kiến thức thứ cấp, không có giá trị lớn cho sự trưởng thành của người học... Dẫu được tổ chức tốt như thế nào đi chăng nữa thì phần lớn các cuộc thi đều có lợi cho cách học trên “khán đài”, nghiêng về đánh giá khái niệm, phân tích, diễn giải lý thuyết.

Ông Dương cho rằng đã học để thi thì kiểu gì điểm cũng sẽ cao, và đó là lý do để giải thích tại sao kết quả của các nước châu Á - nơi có truyền thống học để thi - thường đạt thứ hạng cao trong các kỳ khảo sát. Vấn đề là học để làm việc, chứ không phải để thi.

“Cá nhân tôi thấy buồn khi đọc những kết quả như thế này, cũng như kết quả Pisa 2012. Cách học để thi này không có đóng góp là bao vào sự trưởng thành của HS bởi đó không phải là giáo dục thực sự. Những kết quả thi cử cao như thế này chỉ thêm gieo rắc ảo tưởng cho các nhà hoạch định Chính sách giáo dục mà thôi, còn bản chất giáo dục tốt xấu thế nào thì chỉ người học mới cảm nhận được”, ông Dương nhận định.

H.Minh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news