"Tôi không hiểu đội ngũ làm marketing của Vietjet Air đã nghĩ gì khi sử dụng "fake version" này cho việc chào đón đội tuyển U23?", bà Thanh Vân đặt câu hỏi.
"Các cô nàng của Vietjet Air bệ rạc y như sau một đêm hội hè quá đà"
Thạc sĩ, chuyên gia thương hiệu Đặng Thanh Vân cho hay, bà đã xem những hình ảnh, clip được đăng tải trên mạng xã hội về việc người mẫu "lộ da thịt", chụp hình với các cầu thủ trên chuyên cơ đón đội tuyển về nước của .
Theo chuyên gia thương hiệu Thanh Vân, ý tưởng "Tuần lộc Noel" của Vietjet Air trong trường hợp này đâu có tệ, nhưng chỉ tệ vì hãng đã không biết thế nào là "sự tinh tế và phù hợp".
"Tôi không hiểu đội ngũ làm marketing của Vietjet Air đã nghĩ gì khi sử dụng "fake version" (hàng dởm) này cho việc chào đón đội tuyển U23?", chuyên gia Thanh Vân đặt câu hỏi.
Vị chuyên gia thương hiệu này nêu rõ, ý tưởng truyền thông thương hiệu không phải là việc bê nguyên một mâm cỗ dọn sẵn bày hết bữa nay qua bữa mai.
Chuyên cơ của Vietjet Air chở các cầu thủ U23.
"Cùng là sexy, gợi cảm, quyến rũ nhưng ở mỗi hoàn cảnh khác nhau sẽ cần "gia giảm" cho phù hợp. Đặc biệt khi sử dụng ý tưởng sexy, vốn được coi như con dao 2 lưỡi, không phù hợp với những cái đầu lười tư duy.
Đoàn tuần lộc với các cô gái Noel của Vietjet Air sẽ vô cùng quyến rũ trong tiệc tối thân mật nhưng khi bay giữa trời xanh mây trắng, các cô nàng của Vietjet Air bệ rạc y như sau một đêm hội hè quá đà (*)", bà Vân bày tỏ.
Chuyên gia Thanh Vân cũng nhìn nhận, cá nhân bà không nghĩ các tiếp viên của Vietjet Air phải mặc áo dài đón các cầu thủ U23 Việt Nam, vì nó không nằm trong bộ nhận diện của hãng hàng không này.
"Một đội cổ vũ đúng điệu sẽ vô cùng gợi cảm, giữ bản sắc Vietjet Air mà vẫn hoà hợp trong bầu không khí sôi động đón chào các nhà vô địch.
Lần này, chưa kịp hưởng trọn bàn thắng "Tôi yêu Tổ quốc tôi" vô cùng ngoạn mục, thì với màn bikini phản cảm, Vietjet Air đã tự đá vào lưới nhà, không những tự thua, mà còn khiến người hâm mộ nổi giận vì đã "dám cả gan trêu ghẹo" những người anh hùng", bà Vân nêu rõ.
Về thư xin lỗi của Tổng Giám đốc Vietjet Air gửi đến mọi người trong tối 28/1, chuyên gia Đặng Thanh Vân nhận xét, với cách trình diễn đã có chuẩn bị về phục trang và kịch bản giống với bộ ảnh trước đó của Vietjet Air thì không thể cho rằng đây là hoạt động mang tính tự phát của các "diễn viên múa".
"Tôi rất tiếc nếu thực sự đội marketing của Vietjet Air chủ đích chọn cách làm cho thương hiệu nổi tiếng bằng "chiêu trò". Chúng ta đã thấy đội tuyển U23 Việt Nam kiên cường, quả cảm và chơi 1 thứ đẹp mắt, điều đó lay động hàng chục triệu trái tim người Việt.
Vietjet Air không cần chiêu trò để thêm nổi tiếng nữa, các bạn đã vượt qua chặng đường "nhận biết" đầu tiên rồi.
Việc Vietjet Air đã có lời xin lỗi chính thức từ Tổng Giám đốc, mặc dù chưa thật sự thoả đáng, nhưng với công chúng Việt, vốn dễ tha thứ và chóng quên, câu chuyện rồi cũng sẽ khép lại nếu thương hiệu tiếp tục phục vụ công chúng đúng như triết lý cam kết "mọi người đều có thể bay"", bà Vân chia sẻ.
"Đây sẽ là một bài học lớn cho mình"
Chuyên gia marketing Anh Tú cho rằng, bản thân ông rất ghi nhận việc Vietjet Air đã "chớp" thời cơ tổ chức một chuyến chuyên cơ sang Thường Châu (Giang Tô, Trung Quốc) để đưa các cầu thủ U23 Việt Nam về nước.
Tuy nhiên với màn sử dụng các người mẫu, diễn viên sexy như những bức ảnh, video được đăng tải trên mạng xã hội thì rõ ràng "một quả bom thịt đã nổ trên đầu đám đông".
"Có thể nói đây là cách làm quen thuộc của hãng hàng không này và những lần trước nó không hề vi phạm pháp luật, nhưng có lẽ lần này, đội ngũ làm truyền thông của Vietjet Air đã không dự đoán được phản ứng ngược của dư luận xã hội lại dữ dội đến vậy.
Đây sẽ là một bài học rất đau, nặng cho hãng", chuyên gia Anh Tú nhận xét.
Ông Tú cũng nhận định, dù ngay tối 28/1, Vietjet Air đã đưa ra lời xin lỗi cho "sự cố" bikini trên chuyến bay đón đội U23 Việt Nam nhưng với những thông tin, lời lẽ trong lời xin lỗi "còn đầy phản cảm" thì chắc chắn vẫn tạo hiệu ứng ngược, gây bàn tán.
Trên trang cá nhân Facebook của mình, bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air, người trực tiếp có mặt trên chuyến bay bày tỏ:
"Thật day dứt, áy náy và rất tiếc khi chuyến bay được chuẩn bị chu đáo, tổ chức ấm cúng, vui vẻ với những phần trao đổi động viên các bạn cầu thủ trẻ, nhưng lại để sơ xuất trong việc quản lý diễn viên ảnh hưởng đến hình ảnh của những con người mà mình rất ngưỡng mộ.
Xin được gửi lời xin lỗi tới huấn luyện viên, các cầu thủ trẻ và tất cả người hâm mộ cũng như Cộng đồng mạng.
Đây sẽ là một bài học lớn cho mình, sẽ không bao giờ để xảy ra những việc sơ suất thế này nữa".
Theo ghi nhận của PV, trong đêm qua nhiều khách hàng của Vietjet Air cho biết hệ thống checkin tại sân bay hay website của Vietjet Air đều bị tê liệt khiến họ không thể sử dụng dịch vụ.
Cụ thể, khoảng 22h ngày 28/1, một số hành khách của Vietjet Air tại sân bay Đà Nẵng cho biết hệ thống checkin của hãng hàng không này gặp sự cố và họ phải check in bằng tay.
Đến khoảng 23h30 ngày 28/1, website của hãng hàng không này đã truy cập trở lại bình thường.
Cùng với đó, fanpage trên Facebook của Vietjet Air cũng gặp sự cố không truy cập được trong đêm 28/1 và đến sáng nay (29/1), trang này đã được mở lại nhưng các bài trên đây đều chỉ còn lưu lại đến ngày 26/1, đồng thời đa phần là các bài viết bằng tiếng Anh.
Phần lời xin lỗi của Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo sau sự cố bikini phản cảm trên máy bay đón đội U23 được đăng trên đây vào tối 28/1 cũng đã không còn xuất hiện.
(*): Ý kiến của chuyên gia không nhất thiết trùng với quan điểm của báo