Tomahawk được coi như thần tượng chiến tranh và loại vũ khí công nghệ cao cần thiết trong chiến tranh tương lai ở thế kỷ 21.
LTS: Hiện chưa có tuyên bố chính thức của các bên về thiệt hại mà loạt tên lửa Tomahawk Mỹ vừa giội xuống Syria gây ra. Tomahawk nhiều chuyên gia quân sự đánh giá là tác nhân góp phần làm thay đổi diện mạo chiến trường vào cuối thế kỷ 20. Tuy nhiên, nó cũng có những điểm yếu mà đối phương có thể khai thác để vô hiệu hóa.
Dưới đây, xin giới thiệu với độc giả bài phân tích của Đại tá Nguyễn Thụy Anh, chuyên gia nhiều năm công tác tại Cục Khoa học Quân sự (Bộ Tổng tham mưu) về vấn đề này.
Tomahawk – chiến tích trong quá khứ
Tên lửa hành trình Tomahawk được đưa vào trang bị từ năm 1983 nhưng nó trở nên nổi tiếng từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh 1991 khi lần đầu xuất trận, phóng 288 quả vào Iraq và đạt hiệu quả tới 85% như tuyên bố của Lầu Năm Góc.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong các cuộc chiến tranh và xung đột từ năm 1991 tới nay, Mỹ đã sử dụng tới hơn 2.200 quả Tomahawk các biến thể khác nhau với hiệu quả chiến đấu khá cao…
Gần đây nhất, đêm 6/4/2017, lấy cớ quân chính phủ Syria dùng vũ khí hóa học giết hại dân thường, 2 tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ đã phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân của Syria ở thành phố Homs gây ra 1 số thiệt hại đáng kể nhưng rõ ràng là cũng chưa đủ sức làm suy yếu lực lượng Syria hoặc thay đổi cục diện chiến trường…
Tên lửa Tomahawk dài 6,25m, đường kính thân 0,53m, tốc độ bay 885 km/h ở độ cao 30-150m trên đất liền và 10-50m trên mặt biển, tầm bắn 900-1.600 km tùy từng biến thể.
Mặt cắt của tên lửa Tomahawk |
Như bất cứ loại vũ khí nào, tên lửa Tomahawk cũng có nhiều điểm mạnh và điểm yếu. Điểm mạnh của nó trước hết là kích thước nhỏ nên diện tích phản xạ hiệu dụng cực nhỏ (chỉ 0,1-0,2 m2 ở dải sóng cm là dải thông dụng của nhiều loại đài radar cũng như đài điều khiển hỏa lực tên lửa phòng không và pháo cao xạ…), lại bay ở độ cao cực thấp và uốn lượn theo bề mặt địa hình.Vì vậy nó rất khó bị phát hiện và bám sát ở cự ly xa, thường chỉ ở cự ly rất gần nên sẽ không đủ thời gian chuyển cấp kịp thời cho các lực lượng phòng không để đánh trả.
Hệ thống dẫn đường của Tomahawk có độ chính xác cao, khó bị gây nhiễu, nó lại được phóng từ rất xa ngoài vùng hỏa lực phòng không nên vừa gây bất ngờ, vừa bảo đảm an toàn cho các phương tiện tấn công…
Điểm yếu của Tomahawk là tốc độ bay không lớn (khoảng 240 m/s) và ở độ cao rất thấp, nằm trong tầm hỏa lực của nhiều loại vũ khí phòng không cỡ nhỏ và súng bộ binh nên dễ bị các loại vũ khí đó tiêu diệt.
Thực tế này đã xảy ra nhiều lần ngay từ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và trong các cuộc xung đột khác có sử dụng Tomahawk. Trong hệ thống điều khiển của Tomahawk có radar đo cao chủ động nên hoàn toàn có thể bị đối phương gây nhiễu và đã có tin là trong cuộc tập kích vào Syria hồi tháng 4/2017 có tới 36/59 quả Tomahawk "bay lạc" mục tiêu dù Mỹ không thừa nhận điều này.
Tên lửa Tomahawk từ khu trục hạm USS Porter tấn công Syria năm 2017. Ảnh: US Navy |
Sau khi đưa vào sử dụng, hiệu quả chiến đấu của tên lửa hành trình Tomahawk đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với dư luận thế giới, nhất là giới quân sự. Tomahawk (và tên lửa hành trình nói chung) được coi như thần tượng chiến tranh và loại vũ khí công nghệ cao cần thiết trong chiến tranh tương lai ở thế kỷ 21.
Chính vì vậy nó được tiếp tục phát triển và cải tiến mạnh hơn bao giờ hết trong những năm gần đây, ví dụ như đầu năm 2017, Mỹ đã tiến hành thử nghiệm biến thể mới là Tomahawk Block IV có khả năng tấn công mục tiêu di động hoặc nghiên cứu thay máy đo cao radar bằng máy đo cao laser có độ chính xác cao hơn và ít chịu ảnh hưởng của các loại nhiễu… Đây có lẽ chính là các loại tên lửa "mới, đẹp và thông minh" đang nhằm vào Syria mà Tổng thống Mỹ vừa nhắc đến trong thông điệp của mình trên Twitter.
Liệu Tomahawk có tác dụng đến đâu ?
Đầu tháng 4/2018 này, chính quyền Mỹ lại lấy cớ Quân đội chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học làm chết 70 người dân, trong đó có cả trẻ em nên đã điều động nhiều tàu chiến, tàu ngầm mang tên lửa Tomahawk cùng 1 cụm tàu sân bay hạt nhân tiến tới vùng biển Địa Trung Hải sát nước này.
Theo tính năng, 1 tàu khu trục lớp Arleigh Burke được trang bị 64 quả Tomahawk, tuần dương hạm Normandy có 122 quả, còn 1 tàu ngầm lớp Ohio có thể mang đến 154 quả Tomahawk. Như vậy, chưa kể tới lực lượng không quân, chỉ 5 tàu khu trục trong biên chế của Hạm đội 6 đã có thể phóng đi hơn 300 tên lửa trong 1 cuộc tập kích ồ ạt, làm cho hệ thống phòng không hiện nay của Syria sẽ khó có thể chặn đánh được tất cả số tên lửa này.
Truyền thông phương Tây đưa tin sẽ có tới 1.000 quả Tomahawk được triển khai quanh Syria, chưa kể tới lực lượng của các nước đồng minh như Pháp, Anh, Israel…
Tuy vậy, để triển khai đủ số lượng binh lực cần thiết nhằm tạo ra một cuộc tấn công mạnh hơn năm 2017 thì Quân đội Mỹ cần phải có thêm nhiều thời gian hơn chứ không thể nhanh trong vòng "24 đến 48 giờ" như tuyên bố của Tổng thống Mỹ.
Đó là chưa kể tới tuyên bố cứng rắn không kém của phía Nga sẽ bắn hạ mọi tên lửa và đánh trả vào các phương tiện phóng Tomahawk ngay tại căn cứ của nó. Không chỉ lực lượng Nga ở Syria mà Quân đội Nga ở trong nước cũng đã được lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu để đối phó với đòn tấn công của Mỹ.
Đây là cuộc đối đầu trực diện vô cùng nguy hiểm từ sau chiến tranh lạnh tới nay giữa Mỹ và Nga. Rõ ràng là Mỹ không thể vội vàng và hành động khinh xuất trong tình huống căng thẳng này trước một đối thủ hùng mạnh như Nga trong khi Trung Quốc tuy im lặng nhưng sẽ ngầm ủng hộ Nga chống lại sự độc đoán của Hoa Kỳ, còn Iran – một cường quốc Hồi giáo, cũng đã tuyên bố mạnh mẽ đứng về phía Syria trong vụ này…
Lực lượng phòng không của Syria và Quân đội Nga đóng ở đó đã ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Họ được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại như các tổ hợp tên lửa S-300, S-400, Pansir-S1, máy bay tiêm kích Su-30/35 cùng nhiều tàu chiến các loại…nhưng cũng sẽ rất khó khăn khi phải đối phó với lực lượng tấn công đông hơn của Mỹ, Anh, Pháp, nhất là họ chỉ dựa vào lực lượng quân chính quy mà không có mạng lưới rộng khắp như hệ thống Phòng không nhân dân của Việt Nam.
Hiện trường vụ tấn công năm 2017 của Mỹ ở Syria. Ảnh: RT |
Theo các chuyên gia quân sự thì từ mặt đất chỉ có thể phát hiện Tomahawk nếu nắm được các tuyến đường bay dự kiến của tên lửa, còn việc phát hiện từ trên không cũng rất khó khăn. Thực tế như cuộc chiến tranh ở Nam Tư 1999, Mỹ đã phóng hơn 200 quả Tomahawk vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nam Tư mà chỉ có khoảng 5% số tên lửa bị bắn hạ là một tỷ lệ rất nhỏ (trong đó chỉ có 1 quả Tomahawk là do tiêm kích MiG-21 bắn rơi bằng pháo).
Khi đối phương sử dụng số lượng lớn, đánh phá ồ ạt đồng thời vào nhiều mục tiêu thì sẽ gây quá tải cho hệ thống phòng không, tức là không thể đánh chặn hết được số tên lửa này.
Trong biên chế của lực lượng phòng không Nga và Syria hiện nay ở chiến trường, ta thấy đáng chú ý có 40 tổ hợp Pansir-S1 với khả năng cơ động cao, thời gian triển khai và thu hồi rất nhanh, được trang bị cả tên lửa phòng không (TLPK) tầm thấp và pháo cao xạ (PCX) cỡ nhỏ là loại phương tiện đối phó hiệu quả nhất với Tomahawk.
Đồng thời còn phải tính đến cả các phương tiện tác chiến điện tử hiện đại của Nga sẽ gây nhiễu cho hệ thống điều khiển của Tomahawk (như đã từng xảy ra tháng 4/2017) và cả hệ thống định vị toàn cầu GPS cũng có thể cản phá nhiều tên lửa Tomahawk bay đến đúng mục tiêu dự định của Mỹ, làm ảnh hưởng nặng nề đến kết quả cuộc tấn công ồ ạt của vị Tổng thống - doanh nhân bằng cách làm cho hàng tỷ đôla trong ngân sách Mỹ "đổ sông đổ biển" (giá mỗi quả Tomahawk ít nhất là 1,3 triệu USD, chưa kể các chi phí khác cũng rất lớn cho cụm lực lượng Không quân và Hải quân Mỹ tham gia chiến dịch này).
Nước Mỹ có khả năng sẽ lại rơi vào tình huống "thất bại nặng về kinh tế" như ở miền Bắc VN năm 1968: gây thiệt hại 600 triệu USD cho Hà Nội nhưng lại mất 6 tỷ USD vì số máy bay rơi, chưa tính đến số phi công thiệt mạng!
Trong kháng chiến chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ,Việt Nam đã có kinh nghiệm dùng các loại vũ khí thông thường như súng trường, súng máy và PCX cỡ nhỏ phối hợp chặt chẽ với TLPK và máy bay tiêm kích bắn rơi hàng trăm máy bay không người lái (UAV) của KQ Mỹ là loại khí cụ bay tương tự như Tomahawk bay ở độ cao thấp, tốc độ chậm và theo chương trình cài đặt sẵn…
UAV có thể tránh được radar và hỏa lực của một số đơn vị Phòng không chủ lực nhưng đã không thể tránh được lưới lửa thiên la địa võng của lực lượng dân quân, tự vệ Việt Nam có mặt ở khắp mọi nơi và trên mọi địa hình. Tên lửa Tomahawk cũng vậy.
Hiện nay, nếu lực lượng phòng không Nga và Syria biết khéo léo kết hợp cả các loại vũ khí bộ binh cỡ nhỏ như chiến thuật của Việt Nam thì sẽ tạo ra một lưới lửa phòng thủ dày đặc có hiệu quả cao hơn nữa và hoàn toàn có thể đối phó được với "con ngáo ộp Tomahawk" của Mỹ.