Làng Nghĩa Trai, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên nổi danh xưa nay với hai nghề thầy: Thầy thuốc và thầy dạy học. Điều đặc biệt, đây còn được xem là ngôi làng có nhiều thầy lang nhất nước.
Hàng trăm năm qua, không chỉ sống bằng nghề trồng thuốc, người dân Nghĩa Trai còn đem hàng trăm vị thuốc quý của làng đi khắp nơi cứu chữa cho người bệnh. Có những trường hợp, y học hiện đại "bó tay" nhưng khi tìm đến các thầy thuốc Nghĩa Trai, người bệnh có thể được chữa khỏi.
Gần 100% hộ dân trong làng trồng và chế biến các loại thuốc (ảnh P.H).
Ngôi làng có nhiều thầy thuốc nhất cả nước
Về vùng quê Nghĩa Trai ngay từ khi đặt chân đến đầu làng, người ta đã thấy những thửa ruộng thuốc quý, nhiều màu sắc trải dài... Đi sâu vào trong làng, ai nấy đều cảm thấy khoan khoái, dễ chịu giống như đang ngồi cạnh những nồi lá xông hay ấm thuốc bắc ngan ngát hương thơm. Trong sân nhà, ngoài ngõ hay sân đình, đâu đâu cũng được trải thảm để phơi cúc hoa, địa liền, nhân trần, bạch chỉ, hắc hương. Thời điểm tôi đến là đã cuối vụ cúc hoa. Màu vàng óng của những sân cúc dưới cái nắng hanh hao mùa đông đẹp lung linh như một bức tranh vậy.
Để tìm hiểu về nghề truyền thống của ngôi làng có không ít điều đặc biệt này, PV tìm đến nhà ông Nguyễn Thế Viễn - một người trồng và chế biến thuốc lâu năm ở Nghĩa Trai. Không chỉ có thế, ông Viễn hiện còn là ủy viên ban chấp hành hội Dược liệu Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Viễn chia sẻ nhiều điều thú vị về làng Nghĩa Trai (ảnh P.H).
Nhấp chén trà hoa cúc ngát hương thơm, ông Viễn kể: "Từ xa xưa, theo thần tích của làng ghi lại, năm 1572, có ba vị tướng đời vua Lý Thánh Tông sau khi giúp vua đánh thắng giặc Chiêm đã về Nghĩa Trai, giúp dân khai khẩn đất hoang. Các ông còn mở ra nghề trồng Cây thuốc và đem những vị thuốc quý đi cứu nhân độ thế. Do có công lao với nước, với dân nên cả ba ông đã được vua ban tước, phong thần và chỉ dụ cho dân làng, tôn làm Thành Hoàng và lập đình miếu phụng thờ cho đến ngày nay.
Theo ông Viễn, người dân nơi đây luôn tự hào về truyền thống lịch sử của làng Nghĩa Trai bởi lẽ sẽ không có ngôi làng nào trên đất nước Việt Nam suốt nhiều đời lại nổi tiếng với hai nghề thầy cao quý: Thầy thuốc và thầy giáo. Chứng tích của truyền thống này được thể hiện trên hai câu đối của làng, hiện còn ở trước cửa hậu cung đình làng. Hai câu đối mà gần như bất cứ người con Nghĩa Trai nào cũng khắc ghi ấy là: "Thần bút án tiền dân khoa bảng - Thánh y truyền hậu thế lưu danh". Lời căn dặn của cha ông với dân làng còn có hàm ý rằng, dù trong hoàn cảnh nào, dân làng cũng phải giữ được hai nghề cao quý ấy.
Tổng hợp danh sách của làng Nghĩa Trai về những người làm nghề giáo từ bậc tiểu học cho đến đại học trong làng hiện có khoảng 150 người. Nghĩa Trai cũng có hơn 113 người làm nghề thầy thuốc tại làng và khắp các nơi trên cả nước, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh. Có những gia đình liên tiếp 4-5 đời làm thầy thuốc. Người dân Nghĩa Trai đi khắp nơi lập nghiệp, bốc thuốc chữa bệnh. Nhưng dù đi đâu, họ luôn ghi nhớ về cội nguồn bằng cách đặt tên cửa hiệu với chữ "nghĩa" đứng đầu. Chữ "nghĩa" trong tên làng và chữ "nghĩa" cũng là một trong những cái đức của người dân làng thuốc, chữa bệnh cứu người, giữ cho tâm trong sáng. Ông Viễn nêu ví dụ cụ thể: "Nếu cô ra phố Lãn Ông, phố Hàng Vải (Hà Nội) cứ thấy cửa hiệu nào có chữ "nghĩa" đứng đầu, đó là hiệu thuốc của người làng tôi; có gần 1/3 là người làng Nghĩa Trai ở những phố đó. Từ Nam chí Bắc không ít những cửa hiệu như vậy, nhưng tập trung nhiều nhất là ở Hà Nội".
Độc đáo loại biệt dược chỉ có ở Nghĩa Trai
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ: Hàng năm có từ 4.500 - 5.000 tấn thuốc nam, 2.000 - 3.000 tấn thuốc bắc với hàng trăm vị được chế biến và buôn bán ở Nghĩa Trai. Gần như 100% các hộ gia đình trong làng đều tham gia vào việc trồng trọt, khai thác, chế biến và buôn bán dược liệu. Bất cứ nơi nào trong làng cũng có thể trồng thuốc. Chân ruộng tốt thì trồng cây đắt tiền như cúc hoa, bạch chỉ, ngưu tất, địa liền; chân đất xấu thì trồng hoài sơn, nga truật, tía tô, kinh giới... Cả những miếng đất hoang rìa đường, dọc bờ mương hoặc trong vườn, nhà nào cũng biết tận dụng từng tấc đất để trồng cây thuốc. Từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng có thể ghi nhớ tác dụng của các loại thuốc. Địa liền thì chữa nhức mỏi xương khớp... hay như tía tô, kinh giới hay dùng ăn ghém lại cũng có rất nhiều tác dụng tiêu độc, chống viêm. Cây thì lấy lá, lấy hoa, cây lại lấy củ, rễ. Có nhiều cây từ gốc đến ngọn chẳng bỏ đi thứ gì. Dân làng Nghĩa Trai ai cũng khoẻ mạnh, rắn rỏi, da dẻ hồng hào. Đặc biệt, ai biết chăm lo sức khoẻ bằng thuốc đông y đều có một cơ thể khoẻ mạnh, ít mắc các bệnh nan y và mắt rất sáng.
Ở Nghĩa Trai có một vị thuốc quý được xem như "độc nhất" riêng của nơi đây. Đó là cúc hoa Nghĩa Trai. Ông Viễn cho hay, cúc Nghĩa Trai là độc nhất vô nhị vì ở nơi khác không trồng được. Người dân trong làng đi làm ăn ở nhiều nơi đã mang giống cúc đi theo để trồng nhưng đều bất thành. Con gái làng, lấy chồng nơi khác, đem giống và kỹ thuật gia truyền cây cúc đến đó để trồng, nhưng cây chết hoặc ra một loại hoa khác, kém năng suất, không thơm ngon. Cúc hoa Nghĩa Trai là sản phẩm quý và rất có giá trị. Khi thu hoạch, bông cúc tròn xoe như chiếc cúc áo. Khi cúc nở, đều được người dân ngắt về phơi khô để ướp trà hoặc chế biến làm các thành phần của nhiều phương thuốc.
Ngồi tiếp chuyện chúng tôi, ông Viễn cao hứng đọc những vần thơ mà ông sắp đi tham dự một hội thảo về dược liệu ở Hà Nội: "Cúc Nghĩa Trai thanh nhiệt, giải độc - Sáng mắt nhuận gan, quý hơn vàng - Hạ huyết áp, hương thơm, trà sáng - Giúp ích cho đời, đượm tình quê". Ông Viễn lý giải, những đặc tính hiếm có này chính là lý do khiến người dân làng Nghĩa Trai về một sản phẩm không thể có ở bất cứ ngôi làng nào khác.
Có được những ngày tháng ấm no như ngày nay, người làng Nghĩa Trai cũng đã phải trải qua không ít thăng trầm. Ông Viễn cho hay, có thời kỳ dân làng trồng thuốc rồi phải đổ ra bờ tre vì không ai mua. Nhiều loại củ, quả đào lên, hái về và chế biến sạch sẽ nhưng bán rẻ như cho. Dù vậy, qua hàng trăm năm, người làng vẫn bảo ban nhau, kiên trì giữ nghề. Điều may mắn là, vào những năm đầu của thế kỷ này Đảng và Nhà nước đã có không ít Chính sách hỗ trợ giúp nghề trồng thuốc phát triển. Bên cạnh đó, người dân ngày càng nhận thức ra rằng, thuốc đông y là một phương thuốc có tác dụng rất lớn đối với sức khoẻ; vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa có tác dụng bồi bổ nên càng ngày càng ưa chuộng. Người dân Nghĩa Trai vì thế cũng có nhiều hơn các cơ hội phát triển nghề truyền thống.
Danh bất hư truyền Chia sẻ với PV, ông Cao Văn Long, Phó Chủ tịch xã Tân Quang cho hay, so với các làng khác trong xã, Nghĩa Trai có điều kiện phát triển kinh tế hơn. Nghề trồng thuốc nơi đây đã có lịch sử hàng trăm năm và được coi là nghề truyền thống của làng. Nơi đây cũng có hàng trăm vị lương y tài danh. Họ có thể ở Nghĩa Trai làm việc, cũng có thể đến các thành phố, địa phương khác trong nước để khám chữa bệnh, cứu người. |
Theo PHẠM HẠNH – Đời sống pháp luật