Người anh xã hội nói với tôi rằng, tất cả những bài báo viết về Cu Nên không đề cập được lý do chính, dẫn đến sự “ngã ngựa” giữa đường đua của “ông trùm” giang hồ đất Cảng này.
Cu Nên, Dung Hà, Lâm già thì cỏ đã mấy lần xanh ở mộ. Thế nhưng, lý do “ngã ngựa” giữa đường đua sinh tử của những đại ca giang hồ này không phải ai cũng biết. Và cái quan trọng hơn: Kết cục của những kẻ giang hồ là một màu xám ngắt...
Thế chân vạc trong giang hồ những năm cuối 80 đầu 90 của thế kỷ trước ở đất Cảng đã định danh rõ ràng là Cu Nên – Dung Hà – Lâm già. Đây là những đại ca mà giới giang hồ đất Cảng luôn tôn trọng. Đại uý công an đã về hưu mà có lần báo Đời sống và Pháp luật đã đề cập đến, khẳng định rằng, cả ba “ông, bà trùm” này đều có “người chống lưng” thì mới xưng bá giang hồ một cách ngạo mạn như thế. Thế nên, lý do “ngã ngựa” của họ không phải ai cũng biết.
Nghi án “yêu” vợ bạn
Người anh xã hội của tôi đồng quan điểm với rất nhiều người đương chức thời điểm Phạm Đình Nên – tức Cu Nên – SN 1957, hoành hành trong chốn giang hồ là Nên chơi trội hơn Lâm già và Dung Hà. Chính vì sự chơi trội này mà từ năm 1970 đến năm 1989, Nên sở hữu tới 11 tiền sự, trong đó có 2 lần phải đi tập trung cải tạo, 2 lần trộm cắp tài sản công dân, 1 lần cướp giật tài sản công dân, 2 lần cướp tài sản, 1 lần cố ý gây thương tích, 1 lần đánh bạc, 1 lần chống người thi hành công vụ, 1 lần xuất cảnh trái phép. Từ năm 1989 đến trước khi bị bắt là năm 1995, Nên sở hữu thêm 11 tiền án và tiền sự nữa. Cộng tất cả các năm vào với nhau, Nên là tên tội phạm có nhiều tiền án, tiền sự nhất với con số 22 trong lịch sử tội phạm Việt Nam. Có thể nói, tiền án, tiền sự nhiều hơn tiền mặt mà Nên vẫn lộng hành, thành “ông trùm” của “ông trùm” thì lý do “ngã ngựa” của Nên khó có thể từ phía “quyền lực bình thường” ép vào khuôn khổ được và nó không có trong bản án cũng là lẽ thường tình.
Cu Nên thời điểm còn là “ông trùm” giang hồ đất Cảng.
Máu giang hồ chảy trong huyết quản của Nên từ nhỏ, 13 tuổi, Nên đã phải đi cải tạo vì là một thiếu niên hư hỏng. Sự hư hỏng đó, theo người anh xã hội của tôi, cũng “dính” đến phái yếu và chữ tham. Nên lập gia đình sớm. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống khó khăn, đã vậy, Nên lại phải đi tập trung cải tạo. Khi Nên đi cải tạo về thì chia tay vợ và vượt biên ra nước ngoài. Tại đây, Nên gặp người vợ thứ hai và phải ở trại tị nạn Hồng Kông 2 năm. Vợ Nên sinh con ở trại tị nạn, rồi đến năm 1989 thì vợ chồng Nên phải hồi hương.
Người anh xã hội nói với tôi rằng, tất cả những bài báo viết về Cu Nên không đề cập được lý do chính, dẫn đến sự “ngã ngựa” giữa đường đua của “ông trùm” giang hồ đất Cảng này. Theo người này, từ nhỏ, Nên đã rất yêu thích người khác giới. Phụ nữ đẹp luôn làm Nên say đắm. Trước khi lấy vợ lần đầu, Nên được liệt vào danh sách là thanh niên đào hoa, có nhiều cô gái thích. Thế nhưng, nhiều cô cũng rất sợ cái thói hư hỏng, côn đồ của Nên. Vì thế, Nên có thể tiếp cận được hoặc là các cô gái mới lớn có hơi hướng ăn chơi; hai là những cô gái mới lớn, xinh xắn, ngoan hiền ở chốn quê, ít hoặc có thể là không tiếp xúc với bên ngoài. Thời thanh niên, Nên đã nổi tiếng giang hồ nên cha mẹ cô gái quê nào mà chẳng sợ. Thế nhưng, cũng có người ở quê, vì lý do nào đó, còn thích thú khi con gái mình được Nên để mắt tới.
Theo người anh xã hội, khi đã đứng danh, có thế vững trong giới giang hồ đất Cảng, Nên bắt đầu phát tiết cái gọi là tình yêu đối với phái yếu mạnh mẽ hơn. Cái thứ tình cảm nó bị lắng xuống trong thời điểm Nên “xây dựng cơ đồ giang hồ” thì lúc đứng danh, nó phát tiết trở lại khá mạnh mẽ. Khác với những giang hồ khác là thích các cô gái trẻ, đẹp, mới lớn thì Nên chỉ mê đắm những người phụ nữ đã có gia đình, đẹp nền nã, dịu dàng hoặc phụ nữ có cá tính, khác người. Thấy bảo, Nên đã “chết” ngay từ lần đầu tiên gặp vợ một người bạn trong giang hồ. Tất nhiên, theo đánh giá của người thạo chuyện giang hồ, thời điểm đó, người bạn này lại “dưới cơ” giang hồ so với Nên. Người vợ hiểu điều đó, sợ ảnh hưởng tới chồng nên dù bị “ông trùm” “yêu” cũng không dám hé răng nửa lời.
Khi vô tình chứng kiến việc “ông trùm” giang hồ lén lút “yêu” vợ mình, người bạn giang hồ này im lặng. Sự nhục nhã bắt buộc anh ta âm thầm chuẩn bị các bước đẩy những hành vi vi phạm của Nên theo hướng nghiêm trọng tăng dần để đưa Nên vào vòng lao lý. Người anh xã hội khẳng định, lúc bị bắt, bị thi hành án, Nên cũng không biết điều này.
...Kiếm nhiều tiền từ nghề “lái súng”?!
Những việc này của Cu Nên thì có trong hồ sơ vụ án, được các trinh sát, điều tra viên của Công an Hải Phòng phát hiện. Trong một lần trao đổi với PV về các băng nhóm tội phạm cộm cán của Hải Phòng ở thời điểm Thiếu tướng Nguyễn Văn Thụ còn đương chức, ông thừa nhận: “Phạm Đình Nên là một giang hồ giàu có”. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ở đất Cảng, cán bộ được gọi là khá giả, làm việc Nhà nước, có kinh doanh thêm ở ngoài, cũng chỉ có chiếc xe máy cà tàng, “xịn” hơn là cúp bãi của Nhật để đi. Nhưng, Nên đã có xe ô tô. Mà, chiếc xe ô tô “ông trùm” giang hồ mua ngày ấy, quy ra vàng, nó chỉ khoảng vài chục cây thôi.
Nếu tính ra đất, xe ô tô đó có thể đổi được vài mảnh đất mặt đường (mỗi mảnh hàng nghìn m2) ở những khu vực mới mở rộng của nội vi thành phố. Ngoài ngôi nhà 3 tầng sừng sững ở đường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, con đường đẹp và đất đai đắt giá nhất (trừ khu phố cổ – PV) Hải Phòng ngày ấy, Nên còn một diện tích rất lớn ngay cạnh nhà là xưởng sửa chữa ô tô. Diện tích xưởng này chính là đất của 5 căn hộ, được Nên mua lại. Theo giới thạo tin giang hồ, thực chất, việc Nên mua lại 5 căn hộ gần nhà là có mục đích. Nên làm như thế là để tạo ra hàng rào bảo vệ cho ngôi nhà chính của mình, vì Nên ý thức được mình có nhiều kẻ thù. Hơn nữa, những diện tích xung quanh nhà cũng chính là nơi để Nên kinh doanh, tụ tập đám đệ tử thực hiện những phi vụ “làm ăn” nhằm lấy kinh phí “nuôi quân” và duy trì hoạt động khác.
Cũng theo người thạo tin giang hồ này, Cu Nên rất yêu quý, nể trọng mẹ và vợ. Vì thế, dù làm gì ở ngoài nhưng về nhà, Nên không để mẹ biết những vi phạm của mình. Súng được mua về hay các hoạt động “làm kinh tế” khác của Nên đều diễn ra ở khu đất mua cạnh nhà.
Ngày ấy, ngôi nhà ở đường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng là “đại bản doanh” của băng nhóm tội phạm do Phạm Đình Nên cầm đầu. Trong nhà Nên, ngoài mẹ Nên, vợ chồng Nên và 3 đứa con, lúc nào cũng có hàng chục đàn em túc trực, để bảo vệ tính mạng cho Nên và người thân của y. Một nguồn tin khác làm nhiều người giật mình là “ông trùm” này kiếm bộn tiền từ nghề lái súng. Nên cũng là kẻ sở hữu súng đầu tiên trong thế chân vạc đất Cảng ngày đó. Khác với những đại ca giang hồ cùng thời, vì đã từng ở trại tị nạn tại nước ngoài, Nên ý thức được việc sở hữu vũ khí rất có lợi cho hoạt động phạm tội cũng như đẳng cấp giang hồ lúc nào cũng duy trì được ở ngôi vị số 1. Nên dùng tiền tẩy của các sới bạc vào việc mua sắm “chó lửa”.
Khu vực nhà Nên ngày nay.
Ngoài việc để thể hiện đẳng cấp, nhóm giang hồ nào muốn mua, Nên sẵn sàng bán lại rồi tiếp tục “sưu tầm”. Người anh xã hội của tôi cười mà rằng, đây chính là tử huyệt của Nên. Chuyện giang hồ tranh giành lãnh địa, cờ bạc, thời đó không quan trọng bằng vũ khí. Trong bản án chỉ tuyên Nên về tội tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép, không nói đến chuyện Nên là tên “lái súng”. Có thể, người ta muốn khép lại những vi phạm của “ông trùm” giang hồ này. Và, cũng có nguồn tin cho rằng, thời điểm đó, những đối tượng trong băng nhóm này không khai ra đường dây “lái súng” nên cơ quan chức năng không đủ cơ sở để kết luận. Rồi thì, với ngần ấy tội, Nên đã bị tuyên tử hình rồi, thêm tội nữa cũng chẳng để làm gì...
Người bạn góp sức đưa “ông trùm” vào án tử
Người thạo tin giang hồ khẳng định, chính người bạn có vợ bị Nên “yêu” đã cung cấp cho cơ quan chức năng nhiều thông tin quan trọng để phá án. Người này biết khá rõ đường đi, nước bước, cách làm tiền của “ông trùm” nên hành tung, quá trình phạm tội đã không còn bí ẩn nữa. Khi Nên bị bắt, cơ quan công an cũng thông báo rằng, ai là nạn nhân thì đến trình báo nhưng nhiều người không đến vì họ cho rằng, với những tội trạng Nên gây ra cũng đủ để Nên “tù mọt gông”. Còn việc Nên bị tử hình thì ngoài sức tưởng tượng của họ.
Theo Hoàng Vũ/ ĐS&PL