Tin mới

Chuyện tình như tiểu thuyết của nữ điều dưỡng và người lính

Thứ tư, 02/09/2015, 16:10 (GMT+7)

Gặp tai nạn bất ngờ, có lúc mạng sống đã trở nên chênh vênh, tuy nhiên trong cơn tuyệt vọng của bệnh tật, Nguyễn Phú Tài (SN 1987, Thái Nguyên) đã tìm được tình yêu của đời mình.

Gặp tai nạn bất ngờ, có lúc mạng sống đã trở nên chênh vênh, tuy nhiên trong cơn tuyệt vọng của bệnh tật, Nguyễn Phú Tài (SN 1987, Thái Nguyên) đã tìm được tình yêu của đời mình.

Đó chính là Nông Thị Phượng (SN 1989, Cao Bằng), nữ điều dưỡng viên thực tập tại Viện Điều dưỡng Thái Nguyên, nơi Tài phải hằng ngày vật lộn với bệnh tật để trở lại cuộc sống bình thường.

Thoát chết từ lưỡi hái tử thần

Trước khi trở thành bệnh nhân của Phượng, Tài là quân nhân (thuộc biên chế Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 601, Quân khu I). Vào một buổi trưa tháng 9/2008, khi đang cùng đồng đội ngồi trên xe tải di chuyển trên đường thuộc thị trấn Ba Hàng (Thái Nguyên), anh Tài bỗng nhiên thấy đầu mình tối sầm lại, tay chân dường như mất kiểm soát. Phút chốc, anh bị ngã khỏi xe, cú ngã bất ngờ khiến đầu anh va đập mạnh xuống nền đường và bất tỉnh.

Được đồng đội đưa vào Bệnh viện 91 của tỉnh cấp cứu nhưng tình trạng quá nặng, anh được chuyển gấp về Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội). Bác sĩ sau khi thăm khám đã thông báo cho mẹ anh rằng, khả năng sống sót của anh chỉ còn khoảng 1% và đề nghị bà về nhà chuẩn bị hậu sự.

Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra sau 9 tháng ròng rã điều trị, anh Tài tỉnh dậy trong sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, kể cả những bác sĩ trực tiếp thăm khám và điều trị cho anh. Tỉnh dậy, sức khoẻ của anh nhanh chóng được phục hồi, song do một phần hộp sọ bị va đập mạnh, gây tổn thương khiến một cánh tay và bên chân của anh bị liệt.

Khi thấy con mình đã có tiến triển, mẹ anh xin phép bệnh viện được đưa con về tuyến dưới điều trị để thuận tiện việc chăm sóc. Từ Bệnh viện 108, anh được chuyển về Bệnh viện 91 và cuối cùng là Viện Điều dưỡng Thái Nguyên, nơi bắt nguồn cho tình yêu của anh và cô gái vùng cao Nông Thị Phượng.

Phượng kể lại, ấn tượng đầu tiên của cô với chàng bệnh nhân trên chiếc xe lăn ấy chính là một con người vui vẻ, thường đem lại niềm vui cho những người xung quanh. Phượng cũng dành nhiều thương cảm cho mẹ anh, người phụ nữ một mình tất bật lo toan cho con từ miếng cơm, giấc ngủ. Có lúc, Phượng thấy mẹ anh đứng lẩn ra một góc tường lặng lẽ khóc vì thương con.

Dù không được giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc anh Tài, nhưng Phượng vẫn tình nguyện qua lại thăm nom anh thường xuyên. Thấy được sự tận tình, cảm mến đức tính thương người, hiền lành của Phượng, mẹ Tài ngỏ ý muốn được nhận Phượng làm con nuôi. Thoáng chút bối rối nhưng cô gái trẻ cũng nhanh chóng gật đầu.

Từ đó, Phượng càng có thêm nhiều lý do để qua lại săn sóc chàng trai mắc trọng bệnh ấy nhiều hơn. Có những đêm, Phượng ở lại với anh thật lâu để nghe anh kể những chuyện về mình. Trong đó có chuyện người yêu cũ của anh, sau khi nghe anh bị tai nạn đã bỏ đi lấy người khác. Mối tình ấy kéo dài 3 năm, tình cảm cũng thắm thiết nồng đượm, cũng hẹn ước tương lai nhưng người con gái ấy đã không muốn gắn bó cuộc đời mình với chàng trai bị tai nạn tưởng như không qua khỏi. Rồi một lần nọ, cô đến thăm anh nhưng không phải để chăm sóc mà là thông báo mình sắp lấy chồng. Nỗi đau tinh thần chồng lên nỗi đau bệnh tật tưởng như đã bóp nghẹt con tim chàng lính lúc ấy. 

Nghe những chuyện như thế, lại nhìn vào bệnh tình của anh, Phượng càng thương cảm nhiều hơn. Tình thương đó không biết bao giờ đã chuyển hoá thành tình yêu đôi lứa.

Với Tài, anh đã dành tình cảm đó cho Phượng từ rất lâu rồi, nhưng nghĩ đến bản thân mình giờ tự chăm sóc mình còn khó, yêu ai, lấy ai lại làm khổ người ấy nên anh chẳng dám bộc lộ tình cảm thật của mình. Mặc cảm về bệnh tật ấy cứ đeo bám tâm trí anh mãi không thôi.

Bức ảnh anh Tài và chị Phượng chụp khi mới nhận lời yêu nhau.

Tình yêu đơm hoa

Đứng ở giữa, bà Chinh – mẹ Tài là người cảm nhận rõ tình cảm hai người dành cho nhau không còn dừng lại ở sự quan tâm của điều dưỡng với bệnh nhân, cũng không phải là nghĩa anh em nuôi. Sau nhiều đêm trằn trọc, bà đắn đo mãi việc có nên tác hợp cho hai con hay không.

Một phần bà thương con trai dù đã vượt qua cửa tử, nhưng để vận động đi lại được bình thường vẫn còn rất khó. Một phần bà cũng thương con gái nuôi tốt người đẹp nết, yêu và lấy Tài liệu có khổ quá cho Phượng không. Nhưng rồi, bà quyết tâm trở thành cầu nối cho tình yêu của cậu con trai và cô con nuôi.

Một hôm, bà hạ quyết tâm, lấy hết can đảm sau nhiều đêm đắn đo, nắm tay Phượng bà hỏi thật: Con thương Tài phải không? Thoáng chút bất ngờ nhưng cô gái bé nhỏ không thể giấu nổi hai má đỏ ửng vì e thẹn, Phượng cúi đầu, ngập ngừng: Vâng ạ. Chỉ chờ có thế, người mẹ ôm lấy cô con dâu tương lai trong nước mắt hạnh phúc. Bà thầm cảm ơn trời Phật đã mang đến cho con trai bà món quà quý giá nhất này, dù số phận đã cướp đi của con bà nhiều thứ.

Thông tin này sau đó nhanh chóng được bà chuyển đến cho Tài. Biết được người mình yêu cũng dành tình cảm cho mình, anh đã hạnh phúc đến nỗi cố vươn người ôm mẹ chia vui mà quên rằng một bên tay chân không thể cử động. Tài quyết định tỏ tình với Phượng. Tin nhắn chỉ vẹn vẹn: Phượng, anh yêu em và được đáp lại là sự đồng ý cùng lời đùa hóm hỉnh của cô gái trẻ: Anh yêu em là phải lấy em đấy. Nếu anh không lấy em, em cũng sẽ tìm cách để anh lấy em.

Rào cản ngăn cách tình yêu của hai người đã được tháo gỡ càng tạo thêm động lực để Tài chiến đấu với bệnh tật. Tuy nhiên, một rào cản khác lại được dựng lên với Phượng, đó chính là sự phản đối từ chính gia đình cô.

Một cuộc họp của đại gia đình tại nhà Phượng nhanh chóng được tổ chức. Tất cả cô dì, chú bác đều phản đối gay gắt khi nghe câu chuyện. Với họ, một đứa cháu khỏe mạnh, nết na, công việc đàng hoàng không thể khổ cả đời với người chồng bệnh tật.

Nhưng vì không muốn mang tiếng là quá phũ phàng và thấy được sự kiên quyết của con mình, gia đình cô cử một số anh em thân thích xuống gặp Tài lần đầu cũng là lần cuối để không phải áy náy vì quyết định phản đối hôn nhân của con.

Sau khi ra viện, Tài trở về nhà điều trị. Đám cưới của họ diễn ra hơn một năm sau đó và kết quả là một thiên thần nhỏ đã chào đời.

Tài bảo, từ khi gặp tai họa, anh đã nghĩ chẳng ai có thể thật lòng đến với mình và chăm sóc mình cả đời được. Thậm chí, anh từng nghĩ đến cái chết để không là gánh nặng của mẹ và không phải tủi hờn khi thấy những đôi lứa khác hạnh phúc bên nhau.

PV

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: người lính