Mặc dù sắp bước sang tuổi 70, nhưng ông Nhị vẫn thích làm thơ. Năm tháng công tác, ông có dịp đi từ Bắc chí Nam, những nơi đặt chân đến, ông đều viết thành thơ. Bài thơ “Gian khổ miền Trung” được ra đời năm 1985, nhân chuyến công tác Phan Thiết.
Mãi 20 năm sau, ông mới “tìm” được người xứng đáng để gửi tặng. Đó là ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Tặng người “lấp biển dời non”
Như đã có hẹn trước, chiều 8/1, PV có mặt tại nhà riêng của ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang). Với nụ cười hiền đậm chất Nam bộ, ông nói: “Nhà báo đến để tìm hiểu về tập thơ mà tôi gửi tặng cho ông Nguyễn Bá Thanh phải không? Sau 20 năm, kể từ khi bài thơ “Gian khổ miền Trung” ra đời, tôi mới “tìm” đúng người có tài, có đức, người có thể lấp biển dời non mà gửi tặng”.
Dứt lời, ông đọc vanh vách cho chúng tôi nghe bài thơ: “Đường qua “khúc ruột miền Trung”/Núi lăn ra biển, sóng tung chân đồi/Dốc cao ngỡ đến cổng trời/Gió Tây càn quét rừng chồi xác xơ/Sông ngòi cạn nước đáy trơ/Tháp già lặng lẽ chơ vơ giữ trời/Lều xa không một bóng người/Tháng năm mơ hạt sương mai nắng chiều/Ở đâu trù phú phì nhiêu/Để đây "khúc ruột" chín chiều héo hon/Người đâu lấp bể dời non/Để đây nước mặn muối hòn đá chai/Nước non một dãy nối dài/Miền Trung bất khuất có ngày phồn vinh".
Đây là bài thơ trong tập thơ “Gió núi” của ông, viết nhân chuyến đi Hội nghị Tổ chức Đảng mùa hè 1985 ở Nha Trang bằng đường bộ. Ông cho biết: “Miền Trung năm ấy nghèo lắm nhưng giờ giàu rồi. Trong lần đi này, tôi có sáng tác một bài thơ, ý tưởng xuất phát từ thời tiết khắc nghiệt và cuộc sống khó khăn của người dân nơi đây. Lúc đó, ngồi trong xe mà mở cửa ra, gió từ dãy Trường Sơn thổi vào y như là thổi lửa vào mặt”.
“Mãi đến gần 20 năm sau (tức ngày 30/4/2004), sau khi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch tỉnh và về hưu, tôi có chuyến đi thăm dọc theo đất nước. Theo lịch trình, tôi ghé thăm ba nơi: Đà Nẵng, Điện Biên Phủ và Lào Cai để thăm cảnh và thăm người đứng đầu. Dịp này, tôi cùng các anh em ghé thăm Nguyễn Bá Thanh và ở đây hai ngày mà tôi cảm thấy thú vị, muốn học tập khi còn đương chức để áp dụng cho quê hương mình. Đúng với nhận định của người dân mà tôi được tận mắt chứng kiến, ông ấy luôn hết lòng vì dân vì nước”, ông Nhị kể.
“Mỗi ngày tôi ở đây, Bá Thanh đều dành riêng ba giờ đồng hồ vào buổi tối để chia sẻ kể lại những chuyện vui tiếu lâm hết sức ấn tượng, thấm thía. Bá Thanh là người cá tính mà tôi chưa từng gặp, tôi quý Bá Thanh ở tấm lòng. Trước khi chia tay, tôi tặng lại người “đặc biệt” này tập thơ “Gió núi”, viết về những kỷ niệm thời kháng chiến đầy gian khổ hay những dòng trăn trở, tâm sự của mình và nói: “Thơ đi tìm “người đâu...", nay đã có người để đề tặng là Nguyễn Bá Thanh”, tôi đã ghi vào đó những dòng lưu niệm này. Gặp và trò chuyện cùng Bá Thanh, tôi nhận ra đây đúng là nhân vật “lấp biển dời non” nên đem bài thơ ra trao tận tay Bá Thanh”, ông Nhị nhớ lại.
Ông Nhị ầng ậng nước mắt mỗi khi nghĩ đến tình trạng sức khoẻ của ông Bá Thanh.
“Mong Bá Thanh qua khỏi...”
Trong suốt cuộc trò chuyện cùng PV, ông Nhị mãi nghẹn lời và ầng ậng nước mắt khi nhắc về Nguyễn Bá Thanh. Ông kể: “Tôi và Bá Thanh chỉ biết nhau qua ba lần Hội nghị Chính phủ thường niên, nên chúng tôi thỉnh thoảng có dịp gặp gỡ, giao lưu. Vì vậy mà nhiều người cứ lầm tưởng tôi và Bá Thanh thân nhau lâu năm lắm.
Tháng 10/2001, tại cuộc họp Chính phủ do Thủ tướng Phan Văn Khải chủ trì, cùng các Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Nguyễn Công Tạn, tôi mạnh dạn phát biểu về cơ chế tổ chức và được sự tán thưởng của hội nghị. Tôi theo dõi thái độ của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, ai nấy đều rất vui vẻ. Vào thời điểm đó, sức khỏe của Bá Thanh rất tốt, vì thế sau này khi nghe Thanh bị bệnh nặng tôi hết sức bất ngờ”.
Ông Nhị còn cho biết: “Hội nghị Chính phủ lần đó đã trở thành kỷ niệm để đời trong tôi. Và có lẽ đối với Thủ tướng Phan Văn Khải cũng vậy, gặp nhau ông hay nói: “Hội nghị mà có Bảy Nhị, Út Phương, Bá Thanh là vui lắm...”. Hội nghị Chính phủ tháng 10/2003, khi phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng nói: “Hội nghị Chính phủ năm sau (2004) chúng ta không nghe được Bảy Nhị và Út Phương phát biểu nữa, sẽ rất buồn, vì hết khóa này hai người không còn làm Chủ tịch tỉnh nữa. Lần họp này xem như Chính phủ chia tay hai người!”. Tôi và anh Út Phương nghỉ hưu từ sau Đại hội X, chỉ còn anh Bá Thanh – Bí thư Đà Nẵng – tiếp tục công tác, để lại cho Đà Nẵng những dấu ấn và tiếng lành vang cả nước rồi sau đó anh giữ chức Trưởng ban Nội chính TW”.
“Tin Nguyễn Bá Thanh lâm trọng bệnh, tôi và người dân cả nước nói chung, người dân Đà Nẵng nói riêng luôn gửi gắm nhiều tia hy vọng, mong ông ấy qua khỏi. Mặc dù, biết tin Bá Thanh đi Mỹ trị bệnh, chắc là nặng lắm. Chỉ nghe tin Bá Thanh về nước mà cán bộ và người dân Đà Nẵng đã kéo đến sân bay đông nghịt từ sáng sớm, nghe mà cũng thấy ấm lòng. Bởi Bá Thanh luôn được lòng dân, người lãnh đạo có sai có đúng, có được khen và bị chê là lẽ thường, nhưng được dân tin và quý là hiếm”.
Được biết, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, sinh ngày 20/01/1945 tại xã Nhân Hưng, huyện Tịnh Biên. Ông là thế hệ thứ 5 trong gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 15 tuổi, ông Nhị đã tham gia hoạt động du kích xã, rồi vào Tỉnh ủy làm năm 1962. Tháng 7/1963, làm việc ở bộ phận Đài Minh Ngữ của Tỉnh ủy. Năm 1964 (18 tuổi) ông được kết nạp Đảng, với trọng trách là Đài trưởng. Năm 1975, được bổ nhiệm về huyện Phú Tân làm phó Ban tuyên huấn. Tháng 9/1981 về làm phó Ban tuyên huấn Tỉnh uỷ, sau đó về làm Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh An Giang.
Tháng 3/1988, ông Nhị đảm trách chức vụ Giám đốc sở Nông nghiệp. Làm nhiệm vụ này được 1 năm, ông được bầu làm phó Chủ tịch tỉnh, kiêm Giám đốc sở Nông nghiệp vào cuối năm 1990. Năm 1994, ông giao lại chức vụ Giám đốc sở nông nghiệp, chỉ đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch tỉnh. Năm 1999, ông Nhị đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh, 2001 làm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho đến ngày về hưu. Bằng công sức và tâm huyết của mình, ông Nguyễn Minh Nhị được biết đến là người đã tạo ra nhiều đột phá cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp tại vùng Tứ giác Long Xuyên nói riêng và ĐBSCL nói chung.
“Bá Thanh là con người đặc biệt” “Bá Thanh là một con người cá tính, rất đặc biệt, tôi dùng chữ con người vì trong mỗi người chúng ta đều có phần con và phần người. Bá Thanh là một con người tài đức. Đức ở đây là có hiếu với mẹ, có tình với bạn, với dân với Đảng là sự tận tình, máu lửa với công việc”, ông Nhị nhận xét. |
Thanh Lâm