Tin mới

Cô bé "chim cánh cụt": "Con tự viết chữ bằng tay giả"

Thứ bảy, 12/09/2015, 08:39 (GMT+7)

Từ lúc lọt lòng Nguyễn Thị Hoài Thương, đã chịu nhiều thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác. Em bị cụt tay, chân, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng em luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Từ lúc lọt lòng Nguyễn Thị Hoài Thương, đã chịu nhiều thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác. Em bị cụt tay, chân, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng em luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Chúng tôi tìm về trường tiểu học Liên Minh Công Nông tại xã Tân An Hội (huyện Củ Chi, TP.HCM), nghe câu chuyện về những khả năng thần kỳ mà em Nguyễn Thị Hoài Thương, học sinh lớp 2/3, của trường này đã cố gắng trong nhiều năm qua. Với khuôn mặt bụ bẫm, tươi tắn, miệng lúc nào cũng nở nụ cười chúm chím khiến bất cứ ai gặp lần đầu tiên đều cảm mến cô bé. Lúc chúng tôi tới lớp học, bé Thương đang học bài chăm chỉ cùng các bạn trong lớp. Biết chúng tôi chụp hình, bé Thương nhoẻn miệng cười tươi.

 

Hỏi về việc học tập, Thương cho biết: “Con tự tập viết bằng tay giả, lúc nào mẹ cũng dạy con phải tự lập trong cuộc sống. Tối về con học bài tới 10h mới đi ngủ. Con chăm chỉ học tập tốt để sau này làm bác sỹ chữa bệnh cho mọi người”. 

Chuẩn bị giờ ra về, Thương đã hoàn thành bài tập viết mà giáo viên chủ nhiệm phân chia trong buổi học. Bên cạnh đó có một nhóm bạn vẫn còn hì hụi viết.

Thương quay sang nhắc bạn: “Bạn tập trung viết cho xong để còn về nhà”. Một bạn học ngồi phía sau Thương nhanh nhẹn nói với chúng tôi: “Bạn Thương giỏi lắm, viết nhanh hơn con và còn tự leo cầu thang chơi, tự ăn uống và chơi rất vui. Chúng con rất quý bạn Thương”. 

Cô giáo Ngô Thị Hồng Nhung, chủ nhiệm lớp 2/3 cho biết: “Em Thương năm nay lên lớp 2, những ngày đầu học bài, em rất cố gắng và việc tiếp thu kiến thức cũng như viết bài không bao giờ thua các bạn trong lớp. Đặc biệt, em còn có khả năng tự làm mọi việc rất thuần thục, từ ăn uống cho đến lấy đồ dùng học tập từ cặp sách, viết bài.

Không chỉ vậy, có nhiều hôm, một số học sinh yếu trong lớp học viết bài không kịp, Thương còn quay sang động viên bạn, và hướng dẫn bạn học bài viết bài. Với tính cách hòa đồng với bạn bè, độc lập trong sinh hoạt, Thương được nhiều bạn học yêu quý. Do gia đình đã chuẩn bị xe tự chế bằng bánh lăn, nên trong giờ ra chơi, em vẫn tham gia vui chơi cùng các bạn ngoài sân trường”. 

Thương đang chăm chỉ viết bài.

Là người trực tiếp dạy học cho Thương suốt một năm qua, cô giáo Trần Thị Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/3, trường tiểu học Liên Minh Công Nông cho biết: “Ban đầu vào học lớp 1, Thương cũng như nhiều học sinh vẫn còn bỡ ngỡ, viết chậm, tiếp thu bài chậm. Tuy nhiên, sau khi học một thời gian tại trường, em Thương cố gắng nhiều hơn. So với những bạn trong lớp Thương không thua kém, em có kết quả học tập trong tốp những học sinh đầu lớp. Ngay cả trong sinh hoạt cá nhân em đều tự làm. Chẳng hạn, trong giờ ăn trưa, Thương tự xúc cơm ăn”.

“Nhớ lại hình ảnh của em, tôi không khỏi xúc động. Để xúc cơm vào muỗng và tự ăn là một quá trình tập luyện khó khăn của em. Thương dùng hai cùi tay xúc cơm vào muỗng. Sau đó, dùng cùi tay phải ghì cán muỗng lên thành tô để cho cơm từ muỗng vào miệng. Thấy khó khăn, bảo mẫu và nhiều bạn bè có lần đề nghị được giúp Thương xúc ăn, nhưng em không đồng ý. Vì đó là chuyện nhỏ với Thương, và ở nhà em cũng thành thạo những việc làm khác nữa chứ không chỉ chuyện ăn uống. Nhìn cô bé nhanh nhẹn, hoạt bát và thông minh, vui tính nhiều học sinh đàn anh đàn chị lớp trên chủ động chơi và mua bánh cho Thương ăn”, cô Hải kể thêm.

Gia cảnh khó khăn

Chị Nguyễn Thị Cẩm Giang (37 tuổi), mẹ bé Thương chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi đều là công nhân tại khu công nghiệp Tây Bắc (huyện Củ Chi). Vì cuộc sống khó khăn nên chúng tôi kế hoạch hóa gia đình ngay sau khi sinh đứa con gái đầu lòng. Tôi nghĩ rằng nếu sinh con ra, không có chi phí nuôi con thì vừa tội cả mẹ cả con. Mãi tám năm sau, khi đứa đầu đã lớn tôi mới quyết định sinh con thứ hai. Vẫn biết chuyện con tôi bị dị tật từ trong bụng mẹ do ảnh hưởng chất độc da cam. Nhưng tôi không nỡ lòng nào bỏ đi giọt máu của mình, và để thế sinh con. Sinh nó ra, nhìn thân hình nó không chân, không tay tôi như muốn ngất lịm. Nhưng rồi mọi chuyện cứ trôi qua, gia đình tôi tốn nhiều chi phí để đưa con đi tập vật lý trị liệu tại một trung tâm ở quận 3, TP.HCM”.

Để huấn luyện con, chị Giang kể tiếp: “Tôi cứ nghĩ rằng mai này con tôi sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, khi cơ thể nó không được lành lặn. Nhưng rồi ngày qua ngày, tôi vẫn phải đối mặt với nó. Tôi huấn luyện cho con từ nhỏ tất cả những công việc liên quan đến cá nhân như ăn uống, vệ sinh, quét dọn nhà cửa và tập viết chữ, học bài.

Đến bốn tuổi, con tôi đã tự làm được tất cả những công việc này. Nhiều người không tin đã đến nhà để được thấy tận mắt. Họ rất cảm động khi thấy con tôi làm mọi thứ, cũng như cầm chổi quét nhà cho mẹ”.

Thương học bài cùng bạn.

Sau khi quyết tâm nuôi con, gia đình chị Giang lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Tất cả mọi chi tiêu trong gia đình đều nhờ vào đồng lương của chồng chị. Nhiều năm, chị phải bế Thương đi bán vé số khắp nơi để kiếm tiền điều trị cho con.

Trước khi được mẹ cho đến trường học, Thương từng lang thang khắp nơi. Mỗi lúc đi qua những cổng trường học bán vé số, Thương đều bảo mẹ nán lại nhìn cảnh học sinh tan trường. Thương tha thiết xin mẹ cho đến trường như các bạn và được mẹ đồng ý.

Tâm sự với chúng tôi, chị Giang nói trong nước mắt: “Con gái tôi thiệt thòi với các bạn nó, tôi buồn lắm. Hồi tháng 6, có một tổ chức Từ thiện ở Hà Nội khám và lắp chân giả cho cháu. Hai mẹ con chăm chỉ luyện tập, hiện cháu đã đi được năm bước. Mặc dù đau đớn, nhưng con tôi luôn muốn tự bước đi trên đôi chân của mình. Dù có lúc cháu mặc cảm với bạn bè nhưng vẫn không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Cháu còn nhỏ nhưng ý thức về bản thân rất cao, không muốn ai phải phiền hà chỉ vì không có chân tay bình thường”.

“Năm ngoái cháu có cơ hội được chữa bệnh miễn phí nhưng tôi không có khả năng tài chính nên đành để lỡ một cơ hội. Tháng 9 này, có một đoàn khám từ thiện cho những trẻ nhiễm chất độc da cam. Họ yêu cầu chúng tôi bay ra đó, nhưng không biết lần này chúng tôi có thể đi nổi không”, chị Giang tâm sự.

Trao đổi với PV, thầy giáo Nguyễn Mạnh Thường, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Liên Minh Công Nông cho biết: “Từ khi vào học tại trường, Hoài Thương rất chăm chỉ học bài và vui chơi hòa đồng cùng các bạn. Em rất hay cười và vui tính. Năm học vừa qua, Hoài Thương đạt học bổng Nguyễn Đức Cảnh, dành cho con công nhân lao động có thành tích học tập tốt”.

Lành Nguyễn

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news