Năm 2014 dư luận đã chứng kiến không ít vụ lùm xùm liên quan đến công tác in ấn, xuất bản, phát hành của một số nhà xuất bản sách. Chuyện về những cuốn sách bị in lậu, sách bị đánh cắp bản quyền hay sách tái bản cẩu thả nhưng vẫn giành được giải thưởng cao quý...
Thế nhưng, mới đây, vụ việc nhà xuất bản Lao động - Xã hội dùng hình ảnh diễn viên hài Công Lý mặc quần xà lỏn cho một cuốn sách về luật pháp đã khiến nhiều người không khỏi bức xúc. Vai trò của khâu kiểm duyệt phải chăng đã bị vô hiệu trước "sức hấp dẫn đặc biệt" của bìa sách?
Công Lý lên tiếng
Cuốn sách trên có tên Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014, nằm trong Tủ sách pháp luật cơ sở của NXB Lao động - Xã hội. Sách được in 1.000 cuốn và xuất bản năm 2014. Điều đáng chú ý là trên bìa sách có in hình một người đàn ông mặc quần xà lỏn với thân hình vạm vỡ, cơ bắp cuồn cuộn, đứng trên quả cầu lửa dang tay mô phỏng cho biểu tượng cán cân công lý. Người xem không khó để nhận ra đây không phải là hình ảnh được vẽ minh họa cho Công Lý mà chính là hình ảnh của diễn viên, danh hài Công Lý ngoài đời thực. Khuôn mặt tươi cười của anh được cắt ghép, nối liền với thân hình cường tráng. Bìa sách màu da cam, phía trên cùng có in hình Quốc huy. Phía dưới có in logo của nhà xuất bản Lao động - Xã hội.
Bìa cuốn sách Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 (ảnh: Tuổi trẻ).
Diễn viên Công Lý, "nhân vật chính" trong bìa sách Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng khi trao đổi với PV. Anh cho hay: "Tôi không hay biết gì về việc hình ảnh của mình được in lên bìa sách luật. Tôi không biết cuốn sách ra đời từ khi nào. Cho đến lúc này, nhà xuất bản Lao động - Xã hội cũng chưa liên lạc với tôi để xem sự việc cụ thể như thế nào. Nhà xuất bản sử dụng hình ảnh của tôi mà không xin phép, hơn nữa, hình ảnh ấy lại quá phản cảm, không phù hợp khi dùng cho cuốn sách về luật pháp là không thể chấp nhận được".
Diễn viên Công Lý cũng chia sẻ thêm: "Nếu tôi không lên tiếng thì có người sẽ nói tôi là bán hình ảnh để kiếm tiền. Cốt lõi của mọi chuyện là tôi chưa hề được nhà xuất bản hỏi ý kiến. Hình ảnh của tôi, tôi có quyền quyết định. Đằng này, nhà xuất bản tự ý lấy ảnh của tôi cắt ghép, gây sự phản cảm cho công chúng thì vô tình làm hỏng hình ảnh của cá nhân tôi".
Cũng theo nghệ sỹ Công Lý, giả sử nhà xuất bản đưa ra lý lẽ đó là việc làm sai và sửa chữa sai lầm là tiến hành thu hồi cuốn sách thì điều anh cần nhất vẫn là động thái tích cực của họ, đó là chủ động liên lạc trực tiếp với anh để có buổi làm việc cho rõ ràng và có lời xin lỗi công khai. "Tôi muốn biết họ đã phát hành bao nhiêu cuốn? Đã thu hồi được bao nhiêu cuốn? Với những cuốn sách mà đã có khách hàng mua và đang sử dụng với hình ảnh bìa của tôi phản cảm như báo chí đề cập, họ sẽ phải giải quyết ra sao?'', diễn viên Công Lý chia sẻ.
Danh hài Công Lý không hề biết hình ảnh của mình bị cắt ghép cẩu thả trên bìa sách luật.
Nhà xuất bản đang... rất buồn!?
Khi nhóm phóng viên chúng tôi liên lạc với nhà xuất bản Lao động - Xã hội, một nữ cán bộ phòng Hành chính - Kế hoạch cho biết: "Bên nhà xuất bản cũng đang họp và cho kiểm tra về vấn đề này. Cuốn sách Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 do nhà xuất bản Lao động - Xã hội phát hành nhưng trong văn phòng 2 ở Thành phố Hồ Chí Minh phụ trách nội dung. Bìa sách thì văn phòng ở Hà Nội duyệt bìa khác, không duyệt bìa như vậy. Sách này là sách liên kết giữa văn phòng 2 và một nhà sách nên chúng tôi cũng thấy là quá cẩu thả. Nội dung cuốn sách thì văn phòng ở Hà Nội có duyệt, nhưng không duyệt bìa sách nên người ta mới làm ẩu như vậy".
Khi chúng tôi hỏi số liên lạc của lãnh đạo nhà xuất bản Lao động - Xã hội, vị đại diện phòng hành chính không cho và cho biết, nếu có thông tin, sẽ thông báo với truyền thông sau. Cuốn sách Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 có in hình diễn viên Công Lý, nhà xuất bản đã biết từ trước và thu hồi từ trước rồi nhưng không hiểu sao, vẫn còn quyển sách này!? "Lãnh đạo ban giám đốc đang họp, nhà xuất bản đang rất buồn về vấn đề này. Có thông tin gì, chúng tôi sẽ thông tin sau", nữ cán bộ này cho hay.
Liên quan đến vấn đề trên, chia sẻ với PV, nhà nghiên cứu văn hoá Hữu Nam cho biết: "Việc một cuốn sách chuyên về luật, có in hình diễn viên hài Công Lý lên bìa là một chuyện bi hài, nực cười và cẩu thả. Tôi không biết việc thẩm định nội dung, bìa sách bị hổng ở khâu nào mà lại có cuốn sách này? Tôi không bàn về nội dung cuốn sách mà chỉ nói về bìa sách trước đã, nếu không có khuôn mặt diễn viên Công Lý thì cũng phản cảm rồi, vì bìa sách là một người đàn ông mặc quần xả lỏn, một hình ảnh phản cảm trong sách luật. Hơn nữa, hình ảnh đấy lại là ảnh ghép nên càng sai phạm về văn hoá. Một cuốn sách về luật mà được xuất bản cẩu thả như thế này thì không hiểu, cách quản lý của nhà xuất bản Lao động - Xã hội ở đâu?".
Pháp luật không phải là trò đùa!
Chị Đào Phương Thu, nhân viên công ty Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam vô cùng bất ngờ trước thiết kế bìa của cuốn sách trên. Chị Thu cho rằng, sự sáng tạo trong thiết kế bìa sách luôn được đề cao. Nó là một trong những yếu tố quan trọng giúp thu hút độc giả đến với cuốn sách, khám phá và đọc nó. Tuy nhiên, tuỳ theo từng loại sách, tuỳ theo từng nội dung mà bìa bên ngoài được thiết kế sao cho phù hợp, đảm bảo tính nghiêm túc.
Cuốn sách Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 có thể xem là một cuốn sách tuyên truyền về pháp luật. Nội dung là các văn bản quy phạm pháp luật nên bìa xây dựng cần phải đảm bảo tính nghiêm túc, trang trọng. Việc sử dụng hình ảnh một diễn viên, ăn mặc phản cảm in lên bìa sách như vậy không phải là sự sáng tạo mà là một thiết kế cẩu thả, không tôn trọng nội dung cuốn sách cũng như người đọc. Có thể, người thiết kế bìa sách đề cao tính hài hước, dí dỏm khi sử dụng hình ảnh diễn viên hài Công Lý. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hình ảnh đó không phù hợp và không thể chấp nhận được.
Theo luật sư Nguyễn Huy An (đoàn luật sư TP. Hà Nội), việc sử dụng hình ảnh diễn viên hài được cắt ghép cẩu thả cho bìa một cuốn sách về pháp luật cho thấy sự thiếu hiểu biết và trình độ hạn chế của một bộ phận người làm sách, thẩm định, xuất bản sách. Không biết những người thực hiện cuốn sách này có tìm hiểu gì về Bộ luật Dân sự không mà lại có ý tưởng làm bìa như vậy. Nếu họ có kiến thức nhất định về pháp luật, chắc hẳn, họ không thể nhạo báng pháp luật như thế. Bộ luật đó là thành quả lao động trí tuệ của rất nhiều cá nhân, tập thể. Đó là chuẩn mực để điều chỉnh các quan hệ hành vi trong xã hội. Tuy nhiên, cách nhà xuất bản in sách để truyền tải đến người dân bằng bìa là một diễn viên hài rất phản cảm.
Thu hồi gấp và xử phạt nhà xuất bản Trao đổi với báo chí, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ Thông tin – Truyền thông cho biết: “Đây là lần đầu tiên cục Xuất bản xử lý sự cố kiểu này. Hiện nay, Cục đã yêu cầu nhà xuất bản Lao động - Xã hội ngay lập tức thu hồi toàn bộ những cuốn sách này. Ngoài ra, Cục cũng yêu cầu nhà xuất bản Lao động – Xã hội giải trình và có biện pháp xử lý nghiêm khắc đội ngũ biên tập cuốn sách này. Đây là lỗi rất nặng, vì thế, cùng với mức phạt rất cao, có thể lên tới 40 triệu đồng, Cục cũng tính tới việc xem xét không cấp thẻ biên tập viên cho những người liên quan tới cuốn sách này trong thời gian tới. Cục sẽ sớm ra văn bản kết luận về vụ việc”. Nhà xuất bản có thể bị kiện? Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, luật sư Nguyễn Huy An cho biết, Điều 31 về Quyền của cá nhân đối với hình ảnh trong Bộ luật Dân sự quy định: "Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Trong trường hợp trên, diễn viên Công Lý hoàn toàn có quyền khởi kiện nhà xuất bản vì đã sử dụng hình ảnh của mình mà không xin phép. Điều đặc biệt, hình ảnh trên lại bị cắt ghép phản cảm, xâm phạm danh dự công dân nên anh có quyền yêu cầu nhà xuất bản bồi thường tổn hại". |
PV