Tin mới

Công trình "khủng" trái phép trong khu di sản Tràng An: Lãnh đạo huyện kêu khó

Thứ bảy, 03/03/2018, 14:49 (GMT+7)

Lãnh đạo chính quyền huyện Hoa Lư (Ninh Bình) kêu "khó xử lý" mặc dù biết việc công trình "khủng" được xây dựng trong thời gian dài không giấy phép và hiện đang đưa vào khai thác du lịch tại quần thể danh thắng Tràng An.

Lãnh đạo chính quyền huyện Hoa Lư (Ninh Bình) kêu "khó xử lý" mặc dù biết việc công trình "khủng" được xây dựng trong thời gian dài không giấy phép và hiện đang đưa vào khai thác du lịch tại quần thể danh thắng Tràng An.

Dân TríPháp luật Plus cho hay liên quan đến công trình "khủng" trái phép trong khu di sản Tràng An, lãnh đạo chính quyền huyện Hoa Lư (Ninh Bình) kêu "khó xử lý".

Trước đó ngày 4/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình.

Được biết, quần thể danh thắng Tràng An là di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới, có giá trị về địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên và lịch sử-văn hóa; là khu du lịch của quốc gia, tầm cỡ quốc tế, có đặc trưng về lịch sử-văn hóa-sinh thái; là khu vực có dân cư sinh sống đan xen.

Hệ thống bậc thang được xây dựng trên hệ thống núi đá vôi được kiến tạo hàng nghìn năm, nơi đây cũng là vùng núi non hiểm trở từng gắn với "kinh đô đá Hoa Lư" trên 1.000 năm lịch sử. Quần thể Tràng An với những giá trị về văn hóa và thiên nhiên đã được công nhận là di sản thế giới nhưng đã bị xâm hại không thương tiếc. Ảnh: Dân Trí

Cùng với đó, phạm vi lập quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích đất tự nhiên 12.252 ha, thuộc các huyện Hoa Lư, Gia Viễn và Nho Quan, thành phố Ninh Bình và thị xã Tam Điệp. Trong đó, khu di sản Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.226 ha, vùng đệm bao quanh khu di sản có diện tích 6.026 ha.

Trong bản quy hoạch nêu rõ các định hướng phát triển không gian gồm 4 phần: khu Di sản quần thể danh thắng Tràng An; vùng đệm (vùng bảo vệ); các khu dân cư; các khu dịch vụ du lịch.

Leo hết hơn 2.000 bậc thang, lên đến đỉnh núi, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn một vùng rộng lớn. Điều đau lòng là để thỏa mãn được nhu cầu của khách du lịch, cả một vùng di sản quý giá đã bị phá vỡ nghiêm trọng. Ảnh: Dân Trí

Theo đó, khu di sản quần thể danh thắng Tràng An được phân thành các vùng cấm và hạn chế xây dựng. Vùng cấm bao gồm các khu vực cảnh quan thiên nhiên, các khu di tích cần bảo vệ nghiêm ngặt. Vùng hạn chế xây dựng gồm các khu vực dành cho phát triển du lịch, các khu vực làng xã có dân cư sinh sống và cảnh quan nông nghiệp xung quanh.

Mặc dù vậy, công trình "khủng" không phép với quy mô lớn đã mọc ngay ở vùng lõi di sản, được doanh nghiệp đưa vào khai thác rầm rộ. 

Đỉnh núi Cái Hạ, ông Nguyễn Văn Son gọi là đỉnh Huyền Vũ - nơi vua Đinh lên ngôi hoàng đế, lập đàn Kính Thiên. Đỉnh núi này, mỗi ngày có hàng trăm lượt người lên đây, cùng nhau chụp ảnh, đứng trên các tảng đá bất chấp sự nguy hiểm rình rập. Ảnh: Dân Trí

Khu du lịch Tràng An cổ nằm ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình), đây là điểm du lịch chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động nhiều hạng mục. Điểm du lịch do Công ty CP Du lịch Tràng An tự quản lý khai thác. Nằm trong vùng lõi di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, vùng cấm và được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng nhiều năm qua ông Nguyễn Văn Son - chủ doanh nghiệp (người địa phương) đã tự ý xây dựng và cho hoạt động công trình này.

Mới đây, công trình "khủng" đường lên đỉnh núi Cái Hạ (doanh nghiệp gọi là đỉnh Huyền Vũ - nơi vua Đinh đặt đàn Kính Thiên) do ông Son tự ý xây dựng bị phát hiện không phép, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như điều ước quốc tế về di sản nhân loại. Dù chưa xây dựng xong nhưng từ Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến nay, điểm du lịch này đã đón nhiều du khách.

Công trình "khủng" không phép này được xây dựng với hệ thống bậc thang lên xuống đỉnh núi, tổng quãng đường dài hơn 1km với trên 2.000 bậc thang. Để làm dự án này, ông Son đã thuê thợ đến khoan núi rồi cắm thép vào, sau đó đổ cột bê tông, vận chuyển bậc thang và lan can cốt thép lên gắn vào, tạo thành hệ thống cầu thang núi với sự đồ sộ về quy mô.

Không ít người dân đã xót xa khi nhìn thấy cả vùng di sản bị xâm phạm và phá vỡ nghiêm trọng. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Văn Huân - Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết "UBND huyện Hoa Lư đã nắm được việc này rồi. Các ngành đã lập biên bản yêu cầu tháo dỡ… Trong đấy đúng là có những công trình không phép. UBND huyện Hoa Lư đã báo cáo Sở Văn Hóa, Sở du lịch, UBND tỉnh Ninh Bình…

UBND huyện Hoa Lư cũng đang phối hợp với các sở ban ngành để kiểm tra, rà soát lại những công trình này.

Bởi vì trong đó có cả dân đang sinh sống. Đó là một cái khó cho địa phương. UBND huyện Hoa Lư đang kiểm tra lại nếu công trình nào không xin phép thì sẽ phải tháo dỡ. Nếu công trình nào của người dân mà đúng quy hoạch thì cũng yêu cầu đi xin giấy phép xây dựng.

Việc xử lý các công trình không phép này UBND huyện Hoa Lư đã giao cho chính quyền địa phương cụ thể là các xã xử lý việc này”.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news