Tin mới

"Cổng trời" cầu được, ước thấy ở Cao Bằng (?!)

Thứ ba, 04/03/2014, 09:16 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Theo người dân cho biết, một đoàn nhà ngoại cảm đã lên đây và phán: Núi này rất thiêng, là nơi giao thoa giữa trời và đất, âm dương hòa quyện, đến đây cúng bái sẽ cầu được ước thấy… và là "Cổng trời" ở Việt Nam.

 

 

(Tinmoi.vn) Theo người dân cho biết, một đoàn nhà ngoại cảm đã lên đây và phán: Núi này rất thiêng, là nơi giao thoa giữa trời và đất, âm dương hòa quyện, đến đây cúng bái sẽ cầu được ước thấy… và là "Cổng trời" ở Việt Nam.

Mang thầy lên cúng "cổng trời" cả đêm

Theo người dân nơi đây cho biết, vào năm 2010, có một đoàn các nhà ngoại cảm ở miền Nam đã lên núi Giộc Đâu (ở Trà Lĩnh, Cao Bằng) nghiên cứu. Sau đó, họ phán núi rất thiêng, là nơi giao thoa giữa trời và đất, âm dương hòa quyện, khi đến đây cúng bái sẽ thấy lòng thanh thản, cầu được ước thấy… và là "Cổng trời" ở Việt Nam. Ở Việt Nam có 6 “Cổng trời” và nơi đây chính là “Cổng trời” đẹp nhất, linh nghiệm nhất.

Nơi được cho là "Cổng trời" bát hương bày la liệt.

Nơi được coi là "Cổng trời" là một eo núi nhỏ có tên là Sộc Đơ, điểm giáp ranh giữa xã Quang Hán và thị trấn Trà Lĩnh (huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng). Từ muôn đời nay, eo núi lặng thầm, chỉ lô nhô các mỏm đá tai mèo sắc nhọn và bạt ngàn cỏ tranh, thoảng hoặc mới có đôi người đặt chân đến để kiếm củi hoặc tìm lá thuốc. 

Ngoài tin đồn về việc các nhà ngoại cảm phán đây là "Cổng trời", thì còn khá nhiều câu chuyện huyền bí được thêu dệt. Nhiều người dân nơi đây truyền  tai nhau rằng, đất này thiêng lắm, vì xưa kia có một nàng tiên chết trẻ (!); người khác nói , vào đúng nửa đêm một ngày đầu năm Kỷ Sửu vừa qua, giữa eo núi này bỗng bừng lên một vừng sáng lung linh, soi rõ từng gốc cây, ngọn cỏ.

Cho là điềm lành, sáng hôm sau một số người dân quanh vùng kéo nhau đến thắp hương và dần dần thu hút sự chú ý của nhiều người. Nhưng phải đến khi có tin đồn về đoàn ngoại cảm đến nơi đây và cho rằng địa điểm này là đất thiêng, nơi giao thoa của đất trời hay còn gọi là "Cổng trời" thì hoạt động cúng bái, thắp hương, mê tín không còn của người dân địa phương mà người dân các tỉnh, thành khác cũng đến đây lễ bái.

Rất đông người dân đến cúng bái.

Cũng theo người dân nơi đây, có thời điểm khách hành hương các tỉnh miền xuôi đến đây rất đông, họ đi thành đoàn mang theo cả thầy cúng lên “Cổng trời” bày đồ tế lễ, cúng cầu suốt đêm. Còn đa phần người địa phương chỉ đến vào ban ngày, vì thế, lúc nào nơi đây cúng nườm nượp người và khói nghi ngút tỏa suốt 24/24 giờ. Đông nhất là vào ngày Mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng.

Thực hư về "cổng trời" thiêng (?!)

Không biết, "Cổng trời" có thực sự linh thiêng hay không, thế nhưng từ năm 2010 cho đến nay người dân địa phương và cả du khách các tỉnh khác đều đến đây lễ bái, thắp hương. Chính quyền địa phương cho biết, chuyện "Cổng trời" chỉ là tin đồn bịa đặt, theo những tài liệu lịch sử mà địa phương nắm giữ thì không có nhắc đến "Cổng trời". 

Theo ghi nhận tại "Cổng trời", nơi đây la liệt bát hương, đồ thờ cúng, tế lễ bày đặt trực tiếp xuống mặt đất, từng vạt cỏ tranh bị đè rạp hoặc được dọn sạch. Người ta cắm hương, khấn vái cả từng bụi cây, mỏm đá.

Hòm công đức do người dân tự ý lập nên.

Kể từ khi nhiều người tìm về “Cổng trời” cầu khấn, nơi đây trở thành chỗ cho một số người trục lợi. Ngay trên bãi đá nơi được gọi là cột chống trời, đã mọc lên một hòm công đức không rõ nguồn gốc để người đến cúng bái đặt tiền vào. Nhiều hộ gia đình có điều kiện kinh tế đã mời các bà thầy bói lên đây cầu khấn hộ gia đình. Có hôm đến hai, ba bà cùng cầu khấn, tiếng chiêng trống làm huyên náo cả một vùng. Sau khi cầu khấn cho gia chủ, các bà bụt này cũng tranh thủ bói toán cho những du khách khác để kiếm tiền.

Dưới chân núi xuất hiện các dịch vụ ăn theo như trông xe cho khách, xe đỗ trước cửa nhà nào thì nhà đó thu tiền. Ngày thường có khoảng trên dưới 100 người đến khu vực này nhưng ngày rằm và ngày mồng một thì có đến mấy ngàn người. Giá gửi xe ô tô ngày là 10 nghìn đồng, đêm là 15 nghìn đồng. Còn xe máy là 5 nghìn đồng một lượt. 

Người dân dựng lán trại để canh giữ "Cổng trời" và làm dịch vụ trông xe.

Theo những người dân thì có một điều lạ là đồ cúng lễ mang lên "Cổng trời" rất nhiều nhưng cứ sang ngày hôm sau là thấy hết cả. Một số mê tín nói rằng các thánh hưởng lộc nhưng không ít người dân bản địa đã quả quyết với chúng tôi rằng “Mấy đồ lễ ấy chỉ béo mấy thằng thanh niên và bọn dân nghiện quanh đây, đợi người ta cúng lễ xong là chúng nó lên mang về đánh chén no say”.

Dù đã có biển cấm lên núi, nhưng vài năm nay, những người mê tín vẫn đến đây cúng vái, thắp hương, cầu khấn. Do thiếu sự quản lý và không có nhà vệ sinh nên khách hành hương tự do phóng uế và vứt rác bừa bãi.


Thiết nghĩ, chính quyền địa phương nơi đây cũng phải có biện pháp cứng rắn để ngăn chặn tình trạng này. Và đặc biệt là sự mê tín mù quáng, vô căn cứ của người dân.

>>> Xem thêm

Gặp thầy bói ven đường chém gió từng xem bói cho Bộ trưởng Đinh La Thăng

 

 

Đ.T (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news