“Công ty chưa nhận làm thủ tục, quyết định bổ nhiệm ông Dũng làm thành viên Hội đồng quản trị nhưng chắc do các anh em ở bộ phận website nghe thông tin phấn khởi nên đã đưa thông tin lên”, ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc công cổ phần đầu tư Đèo Cả giải thích thông tin nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng được “bầu vào Hội đồng quản trị” công ty Đèo Cả.
-Một số thông tin về mối quan hệ giữa nguyên Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng và công ty Đèo Cả đang được dư luận quan tâm. Trước tiên là thông tin ông Hồ Nghĩa Dũng tham gia làm thành viên Hội đồng quản trị của công ty chỉ sau 8 tháng nghỉ hưu, là vi phạm nghị định 102 của Chính phủ. Là Tổng giám đốc công ty, ông nói gì về vấn đề này?
Tháng 4/2012, khi Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng về hưu, tôi đã mời ông về công ty với vai trò cố vấn cho Hội đồng quản trị trong thời gian làm dự án Đèo Cả. Tôi làm thế vì nghĩ ông là người có kinh nghiệm hơn tôi trong lĩnh vực giao thông, sẽ giúp được công ty về mặt định hướng hay giải quyết một số khó khăn khi thực hiện dự án như giải phóng mặt bằng…khi thực hiện dự án.
Hơn nữa, lúc đó, công ty vừa được phê duyệt báo cáo đầu tư nên tôi dồn hết sự quan tâm vào việc làm sao huy động vốn, tìm được người có thể giúp mình thực hiện được dự án mà chưa quan tâm được đúng mức tới một số quy định của hành lang pháp lý khi tuyển người là cán bộ công chức tham gia dự án. Chính vì thế, khi mời nguyên Bộ trưởng Dũng về công ty tôi chỉ nghĩ là ông sẽ giúp được mình chứ không để ý đến việc ông về hưu bao lâu, và những quy định của nghị định 102. Đây đúng là khuyết điểm của ban điều hành công ty và qua thông tin của báo thời giai qua chúng tôi nhận thức được cấn rút kinh nghiệm ngay.
-Ông có thể thông tin cụ thể hơn về chức danh, vai trò của nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng công ty Đèo Cả từ tháng 4/2012 tới nay?
-Thời gian qua, ông Dũng chỉ tham gia công ty Đèo Cả với vai trò cố vấn, không góp vốn, không tham gia điều hành, kinh doanh, kể cả việc huy động vốn.
Công ty không có quyết định bổ nhiệm ông Hồ Nghĩa Dũng làm thành viên Hội đồng quản trị, không có hợp đồng với ông Dũng với vai trò là thành viên hội đồng quản trị, chỉ có hợp đồng cố vấn cho Hội đồng quản trị.
Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc công cổ phần đầu tư Đèo Cả
-Như ông nói thì ông Dũng không có chức danh là thành viên Hội đồng quản trị của công ty Đèo Cả. Thế nhưng, trên trang web của công ty Đèo Cả (trước khi báo chí phản ánh – PV), đã công khai thông tin cựu Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng được “bầu vào Hội đồng quản trị” vào tháng 4/2012. Trong cuộc trao đổi với Người Đưa Tin ngày 21/9/2014, nguyên Bộ trưởng Dũng cũng thừa nhận là biết việc ông có tên trong danh sách Hội đồng quản trị. Ông giải thích thế nào về điều này?
-Khi tôi mời và nguyên bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nhận lời về công ty với vai trò là cố vấn, Hội đồng quản trị có tổ chức họp và thông báo nội bộ về việc ông Dũng sẽ là thành viên hội đồng quản trị độc lập, tức là không góp vốn, không tham gia điều hành, kinh doanh…Công ty chưa nhận làm thủ tục , quyết định bổ nhiệm ông Dũng làm thành viên Hội đồng quản trị nhưng chắc do các anh em ở bộ phận website nghe thông tin phấn khởi nên đã đưa thông tin lên.
Đây là khiếm khuyết của Ban điều hành công ty trong khâu quản lý website và chưa quan tâm đúng mức đến hành lang pháp lý.
-Có ý kiến cho rằng, các thông tin liên quan đến vai trò của nguyên bộ trưởng Dũng ở công ty trên website tự dưng biến mất khi báo chí “vào cuộc” chứng tỏ công ty đã thừa nhận cái sai của ông Dũng. Vậy, thời gian tới, công ty có đăng thông tin giải thích rõ chuyện này trên website của Công ty?
-Ngay sau khi báo chí thông tin sự việc này, tôi đã lập tức báo cáo với Hội đồng quản trị, xin phép ông Dũng để yêu cầu bộ phận phụ trách website gỡ bỏ các thông tin chưa chính xác. Tôi nhận thức, sơ xuất này đã làm ảnh hướng đến uy tín của ông Dũng và các cố vấn khác.
Hiện chúng tôi đã soạn thảo thông cáo về việc này và trong nay, mai sẽ triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị, ban cố vấn để lấy ý kiến rồi sẽ có thông tin chính thức cũng như có lời xin lỗi nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trên website của công ty.
-Theo một số nguồn tin, năm 2009, khi đương chức Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Hồ Nghĩa Dũng đã ký Quyết định chỉ định Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả là nhà đầu tư cho dự án Đèo Cả. Sau đó, ông Dũng còn "tạo điều kiện để Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả tiếp xúc với các tổ chức tín dụng lớn trong và ngoài nước". Những thông này là chính xác?
-Năm 2009, khi gửi đề xuất lên Chính phủ và Bộ GTVT xin làm chủ đầu tư cho dự án Đèo Cả, tôi chỉ là một người ở tỉnh lẻ và Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng lúc đó đâu biết tôi là ai là nên chắc chắn không thể có chuyện ưu ái ở đây.
Cụ thể, thời gian đó 2 tỉnh thường xuyên báo cáo chính phủ về tình tai nạn thường xuyên xảy ra ở khu vực nên Chính phủ mới giao cho Bộ GTVT chọn nhà thầu đầu tư để triển khai dự án làm đường hầm Đèo Cả. Khi đó, chính liên doanh các Nhà đầu tư đứng đầu là Công ty BOT Cầu Phú Mỹ đã đề xuất Chính phủ đăng ký làm chủ đầu tư cho dự án rồi sau đó Chính phủ mới giao cho Bộ GTVT thẩm tra, báo cáo trở lại chứ không phải Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đề xuất với Chính phủ chỉ định cho công ty Đèo Cả làm nhà đầu tư.
-Vậy nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng lúc đó có vai trò thế nào với dự án Đèo Cả?
-Sau khi được Chính phủ giao nhiệm vụ tìm kiếm các đối tác đầu tư, ông Dũng chỉ có vai trò triển khai chỉ đạo theo đúng quy định. Thời gian ông Dũng làm Bộ trưởng, Chính phủ mới phê duyệt quyết định chỉ định công ty làm nhà đầu tư để giao nhiệm vụ lập báo cáo đầu tư. Đến năm 2012, Bộ trưởng Đinh La Thăng mới là người phê duyệt báo cáo đầu tư và Bộ KHĐT cấp giấy phép đầu tư 10/2012. Lúc đó, xác định được nguồn vốn tín dụng trong nước Công ty mới bắt đầu huy động vốn để thực hiện dự án .
Thật ra, những thông tin cho rằng có sự ưu ái khi công ty được chỉ định làm nhà thầu, kể cả chuyện lợi ích nhóm tôi cũng đã nghe cả nhưng hoàn toàn không có. Hầm Đèo Cả là công trình đầu tư để thu phí, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và vốn đầu tư hoàn toàn là tư nhân. Thời gian đầu, chúng tôi đã phải bán nhà, khăn gói ra Hà Nội và tự lập hồ sơ đề xuất để được chính phủ phê chuẩn. Thậm chí, đến hôm nay, những người làm dự án, kể cả tôi đều chưa biết tương lai như thế nào.
Hiện nay với tính trạng kinh tế rất khó khăn , nếu ai đó có mong muốn làm tiếp dự án thì cứ làm văn bản đề xuất với Bộ GTVT, tôi sẽ báo cáo ngay hội đồng quản trị, tính toán lại với hội đồng cổ đông để thoái vốn bàn giao lại và chỉ xin nhận lại những gì đã bỏ ra.
-Thấy hầm Đèo Cả là dự án khó, vốn đầu tư lớn mà thu hồi thì lâu, tiềm ấn nhiều rủi ro vậy sao năm 2009, ông lại đề xuất với Chính phủ, Bộ GTVT để được làm chủ đầu tư?
-Khi gửi đề xuất làm chủ đầu tư cho dự án Đèo Cả, rất nhiều người đặt câu hỏi này với tôi. Dù biết trước dự án này khó, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng nó ở trên quê hương tôi, nơi tôi chứng kiến nhiều cảnh tai nạn kinh hoàng nên điều đầu tiên khi tôi nghĩ đến làm đề xuất được làm chủ đầu tư là mong muốn được làm điều gì đó cho quê hương mình. Hơn nữa, tôi nhận thấy rõ sự quan tâm của chính phủ, của Bộ GTVT khi đính hướng xã hội hòa hạ tầng giao thông với mong muốn có nhiều dự án được tư nhân tham gia đầu tư, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, tạo ra sản phẩm chất lượng cho đất nước.
-Vậy tiến độ của dự án Đèo Cả đến thời điểm này như thế nào?
-Bộ trưởng Đinh La Thăng giám sát rất chặt chẽ chất lượng, tiến độ công trình. Trước đây, khi Bộ trưởng Thăng đi thị sát thấy một số cái không ổn đã nhắc nhở, yêu cầu thì chúng tôi đã tiếp thu, khắc phục…Chúng tôi dự kiến trong tháng 10 sẽ thông hầm Cổ Mã và cố gắng đưa công trình về đích đúng theo kế hoạch đăng ký là vào năm 2017.
Xin cám ơn Ông!
Theo Hoàng Minh/Người Đưa Tin