Tin mới

Công văn "yêu cầu uống bia Sài Gòn": Khuyến khích dân uống bia?

Thứ sáu, 29/08/2014, 21:03 (GMT+7)

Việc lãnh đạo huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An ra công văn yêu cầu sử dụng bia Sài Gòn, về bản chất công văn đó không sai nhưng đã vô tình khuyến khích dân người đẩy mạnh sử dụng rượu bia.

Việc lãnh đạo huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An ra công văn yêu cầu sử dụng bia Sài Gòn, về bản chất công văn đó không sai nhưng đã vô tình khuyến khích dân người đẩy mạnh sử dụng rượu bia.

Vài ngày qua, dư luận xôn xao trước việc lãnh đạo huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và tỉnh Nghệ An ra công văn yêu cầu  các cơ quan, công sở, cơ sở kinh doanh “ưu tiên dùng bia Sài Gòn”…

Nhận định về sự việc trên, luật sư Trương Anh Tú – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, thực ra bản chất của việc ra công văn này là tốt. Bởi mục đích của nó là nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất trong tỉnh, sản xuất phát triển thì kinh tế tăng trưởng, tạo ra nhiều của cải, công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên, người soạn văn bản này lại có cách diễn đạt không tốt.

Công văn yêu cầu sử dụng bia Sài Gòn xuất hiện trên trang thông tin điện tử huyện Kỳ Anh ngày 25/8.

Về việc có ý kiến cho rằng rượu bia là loại hàng hóa bị hạn chế quảng cáo, và việc công văn của 2 lãnh đạo huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An lại chỉ đạo một số đơn vị ưu tiên và có kế hoạch quảng bá các loại bia này, đồng thời ưu tiên điểm quảng cáo trọng điểm thu hút đông người như vậy là vi phạm pháp luật, luật sư Trương Anh Tú cho rằng: “Công văn, chỉ thị của tỉnh không phải là một hình thức quảng cáo, mà có quảng cáo thì cũng không vi phạm pháp luât, vì hiện nay vẫn có những quảng cáo như quảng cáo bia Heneiken trên truyền hình”.

“Cơ bản là công văn này không sai, nhưng tất cả là do truyền đạt ý chưa tốt” – Luật sư Tú nhấn mạnh.Ở một góc nhìn khác, Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc công ty Luật TNHH Quốc Tế Hồng Thái và Đồng nghiệp lại cho rằng, rượu bia là mặt hàng bị hạn chế mà chủ trương của Nhà nước không khuyến khích nên nếu lãnh đạo huyện, tỉnh ra công văn trên nhằm mục đích quảng bá cho sản phẩm này thì sẽ xem xét các hình thức xử lý tùy thuộc vào nồng độ cồn của sản phẩm.

“Việc này hoàn toàn vi phạm Luật cạnh tranh, bởi Luật cạnh tranh không cho phép các cơ quan Nhà nước đưa ra các chỉ thị, yêu cầu hướng dẫn nhằm “lái” người tiêu dùng sử dụng hàng hóa của một đơn vị nào đó. Tinh thần của Luật cạnh tranh là các doanh nghiệp  sản xuất các mặt hàng đều bình đẳng trước pháp luật. Cạnh tranh ở đây mang tính chất lành mạnh chứ không phải dùng một văn bản mang tính chất hành chính của nhà nước để buộc người khác phải sử dụng các sản phẩm được tiêu thụ trên đại bàn ấy” – Luật sư Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh.

Giám đốc công ty Luật TNHH Quốc Tế Hồng Thái và Đồng nghiệp cũng cho biết thêm: “Chủ tịch tỉnh và Chủ tịch huyện ban hành công văn này đều là không hợp lý, không đúng với thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ của họ”.

Về hướng xử lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng, nếu việc này sai về chủ trương thì phải nhắc nhở lãnh đạo, còn nếu vi phạm luật cạnh tranh hoặc luật quảng cáo thì phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Đặng Như Lợi – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nhận định, về mặt quy phạm pháp luật thì công văn này không có giá trị pháp lý gì cả, nó chỉ có thông báo mang tính chất nghiệp vụ.

Theo quan điểm của mình, ông Đặng Như Lợi cho rằng, lãnh đạo huyện và tỉnh cũng không nên ra một công văn như thế vì nó vô tình khuyến khích dân người đẩy mạnh sử dụng rượu bia.

“Làm một người lãnh đạo thì trước hết phải có kiến thức, và phải hiểu luật. Đối với các cán bộ không đủ trình độ kiến thức pháp luật về mặt hành pháp thì phải bị xử lý theo Luật về cán bộ công chức” – ông Lợi nhấn mạnh.

Mặc dù các công văn trên đã được gõ bỏ sau vài ngày báo chí vào cuộc, thế nhưng nó vẫn tạo ra nhiều tranh cãi và những luồng dư luận không tốt.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news