Tin mới

Cử Thứ trưởng đi họp thay, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng có mặt

Thứ tư, 05/10/2016, 20:24 (GMT+7)

Dù Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có mặt dự họp thay Bộ trưởng Cường, nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, Bộ Nông nghiệp là đối tượng giám sát nên Bộ trưởng cần tới dự họp.

Dù Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có mặt dự họp thay Bộ trưởng Cường, nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, Bộ Nông nghiệp là đối tượng giám sát nên Bộ trưởng cần tới dự họp.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh từng nhiều lần nhắc nhở về việc Bộ trưởng vắng họp. Ảnh: Quốc hội

Theo thông tin trên Dân trí, Tuổi trẻ, sáng nay 5/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên thảo luận đánh giá và báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Sau khi nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giới thiệu có một số Thứ trưởng các Bộ tới dự phiên thảo luận. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) – đối tượng chính của cuộc giám sát có 1 Thứ trưởng tới dự.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Chương trình họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi trước, không phải cuộc họp đột xuất, thì cơ quan là đối tượng của giám sát, cụ thể là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải sắp xếp đến nghe, theo quy chế làm việc đã được thống nhất".

Ngoài ra, bà Ngân cũng lưu ý, xây dựng nông thôn mới là vấn đề lớn, lại là giám sát tối cao, nghĩa là báo cáo sẽ được trình ra Quốc hội thảo luận và tại Quốc hội, Bộ trưởng có thể phải đứng lên giải trình thêm. Vì thế việc Bộ trưởng cần đến nghe Thường vụ thảo luận để chỉ đạo hoàn thiện thêm nội dung trước khi báo cáo Quốc hội.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đưa ra dẫn chứng, có những phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trùng với phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng vẫn cho Bộ trưởng sang Thường vụ Quốc hội dự, còn Thứ trưởng đến dự họp Chính phủ.

Đây cũng là lời nhắc chung để các Bộ chú ý vấn đề này. Sau lời nhắc nhở của Chủ tịch Quốc hội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT không trình bày lý do Bộ trưởng Bộ này không đến dự họp. Đến 8h39, Chủ tịch Quốc hội thông báo lại, Bộ trưởng Nông nghiệp đã có mặt tại cuộc họp.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu thêm về “2 câu chuyện” nổi lên trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, một trong số đó là vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản khi làm nông thôn mới.

Theo báo cáo giám sát, chương trình xây dựng nông thôn mới trong 5 năm qua đã thay đổi bộ mặt của nông thôn.

Chương trình đã huy động được sức mạnh của toàn dân với tổng số vốn huy động được khoảng 851.380 tỉ đồng đầu tư cho chương trình. Trong đó, ngân sách nhà nước là 266.000 tỉ đồng, chiếm (31,34%), vốn tín dụng là gần 435.000 tỉ đồng (51%), huy động từ doanh nghiệp là 42.198 tỉ đồng (4,9%), người dân và cộng đồng đóng góp 107.447 tỉ đồng (12,62%).

Trong năm 5 qua, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường quản lý vốn đầu tư, khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, nợ đọng xây dựng cơ bản ở các địa phương vẫn lớn.

Theo báo cáo giám sát, có 53/63 tỉnh, thành có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỉ đồng. Bộ NN&PTNT báo cáo 3 khu vực có mức nợ đọng cao nhất là Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, miền núi phía Bắc.

Có tổng số 3.637 xã có nợ đọng, chiếm 40,7% số xã xây dựng nông thôn mới cả nước với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỉ đồng/xã.

Tổng số nợ đọng của 15 địa phương có số nợ cao nhất chiếm tới 80,7% tổng số nợ đọng của cả nước.

Về việc cần phải giải quyết 15.000 tỉ đồng nợ đọng xây dựng nông thôn mới, nhiều đại biểu cho rằng cần phải giải quyết ngay trong năm 2017.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng cho rằng mục tiêu này rất khó khăn, nhưng cần phải coi đây là vấn đề nghiêm trọng và giải quyết nghiêm túc.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news