Ông Đạt cho rằng, tỉnh Yên Bái phải căn cứ vào các vi phạm, sai phạm đã được kết luận thanh tra chỉ rõ, đặc biệt là vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng của ông Quý để xử lý nghiêm.
Ông Phạm Trọng Đạt. Ảnh: Báo giao thông. |
Thanh tra đã chỉ ra rõ sai phạm của gia đình ông Quý
Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ nhiều sai phạm trọng vụ "biệt phủ" của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Yên Bái Phạm Sỹ Quý, đồng thời, nêu rõ những vi phạm trên của ông Quý đến mức phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm minh.
Tối 23/10, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), đồng thời là Trưởng đoàn Thanh tra vụ việc trên đã có trao đổi ngắn với PV.
Là Trưởng đoàn thanh tra, cá nhân ông đánh giá thế nào về kết luận thanh tra vụ Yên Bái vừa được công bố và liệu đã đáp ứng được kỳ vọng của dư luận dành cho đoàn thanh tra?
Ông Phạm Trọng Đạt: Việc thanh tra phải làm đúng theo luật và trong vụ việc thanh tra ở Yên Bái trong thời gian chỉ có 15 ngày nhưng xác định đây là vụ việc nhạy cảm đối với địa phương, được dư luận quan tâm nên các thành viên trong đoàn đều cố gắng, tích cực.
Mọi người đều quyết tâm là không được làm oan nhưng cũng không để lọt các vi phạm và phải thực hiện đúng theo luật.
Trong kết luận chính thức công bố cũng cho thấy rõ, tất cả những gì được, chưa được, đặc biệt các sai phạm từ cái nhỏ đến lớn, của cá nhân, gia đình ông Quý, tập thể, chính quyền đều đã được đoàn thanh tra chỉ ra hết, rất cụ thể.
Từ đây, sẽ giúp cho chính quyền tỉnh Yên Bái sửa chữa, khắc phục các tồn tại, hạn chế, đồng thời, nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật và có như vậy, dư luận mới chấp nhận, đồng tình.
Ông Phạm Sỹ Quý (bên trái). |
Một số ý kiến cho rằng, với những sai phạm của ông Phạm Sỹ Quý như vậy thì phải xử lý nghiêm minh, thậm chí là không thể để giữ chức vụ Giám đốc Sở. Ông đánh giá sao về ý kiến này và quy trình xử lý đối với ông Quý ở đây sẽ thực hiện như thế nào?
Ông Phạm Trọng Đạt: Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ, những vi phạm của ông Phạm Sỹ Quý đến mức phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm minh còn cụ thể việc này thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của chính quyền tỉnh Yên Bái.
Tỉnh sẽ phải căn cứ vào các vi phạm, sai phạm đã được kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, đặc biệt là vi phạm vào Luật Phòng, chống tham nhũng của ông Quý để xử lý nghiêm.
Theo tôi được biết, chắc chắn UBND tỉnh Yên Bái sẽ xử lý nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật với các sai phạm của cá nhân, tập thể trong vụ việc này.
Còn tôi cũng nói rõ, nếu tỉnh không xử lý nghiêm túc, nương nhẹ thì chắc chắn sẽ không được với Thanh tra Chính phủ và chúng tôi sẽ phải có ý kiến, bởi kết luận đã nêu rất rõ ràng các sai phạm, vi phạm.
Bên cạnh đó, trong Thanh tra Chính phủ có đơn vị đôn đốc, giám sát việc xử lý sau thanh tra nên chắc chắn sẽ phải làm công việc này thường xuyên, đặc biệt, khi đây là vụ việc được dư luận quan tâm, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo.
Không được quyền giải trình mà phải thi hành nghiêm túc kết luận
Trong quá trình thanh tra và sau khi kết luận chính thức được công bố, cá nhân ông Phạm Sỹ Quý có phản ứng gì về việc thanh tra, kết luận không, thưa ông?
Ông Phạm Trọng Đạt: Trong quá trình đoàn thanh tra làm thì bản thân cá nhân ông Phạm Sỹ Quý và gia đình, đồng thời, lãnh đạo các cơ quan chức năng, tỉnh Yên Bái đã có quyền giải trình về các vấn đề được đoàn nêu ra.
Tuy nhiên, việc có chấp nhận giải trình đó không là thẩm quyền của đoàn. Ở đây, kết luận chính thức đã công bố thì không được quyền giải trình gì nữa mà chỉ có thi hành nghiêm túc theo đó.
Trong vụ việc ở Yên Bái này, thời gian thanh tra ngắn, dự thảo kết luận đã hoàn tất từ lâu nhưng việc công bố kết luận chính thức lại bị chậm. Vậy phải chăng, có sức ép nào đó dẫn đến việc này?
Ông Phạm Trọng Đạt: Tôi phải khẳng định, cá nhân tôi cũng như đoàn thanh tra không chịu bất cứ sức ép nào của bất cứ ai, lực lượng nào cả. Còn nói nếu có thì là sức ép của pháp luật, của nhân dân yêu cầu phải làm cho đúng, khách quan, minh bạch.
Dư luận có thể cho rằng chậm một thời gian nhưng như lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và tôi đã trả lời, việc chậm này không làm thay đổi bản chất vấn đề mà mục đích để làm cho khách quan, toàn diện, không gây oan sai, thiếu đầy đủ.
Một số ý kiến cũng vấn đề về việc, tại sao không công bố sớm hơn mà lại chọn ngày 23/10 là ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội để công bố kết luận vụ Yên Bái, thưa ông?
Ông Phạm Trọng Đạt: Ở đây, tôi nói rõ là không có việc chọn ngày mà theo quy định, sau khi kết luận được ký thì từ 1 đến 10 ngày phải công bố.
Cụ thể, kết luận vụ việc này được Phó Tổng Thanh tra CP Bùi Ngọc Lam ký vào ngày 20/10 tức là ngày thứ 6 nên sau hai ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật, đến chiều 23/10 phải tiến hành công bố.