Tin mới

Cúm gia cầm bùng phát khắp miền Trung

Thứ năm, 13/02/2014, 13:37 (GMT+7)

Ngay sau Tết Nguyên đán, khắp các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Kon Tum... dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã bùng phát dữ dội. Tính đến thời điểm này, mỗi tỉnh đã phát hiện từ 2 đến 7 ổ dịch với hàng ngàn con gia cầm phải tiêu hủy. 

 

 

Ngay sau Tết Nguyên đán, khắp các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Kon Tum... dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã bùng phát dữ dội. Tính đến thời điểm này, mỗi tỉnh đã phát hiện từ 2 đến 7 ổ dịch với hàng ngàn con gia cầm phải tiêu hủy. 

Điều đáng lo ngại hơn, theo đánh giá chung của giới chuyên môn, với tình trạng dập dịch "phủi lửa" như hiện nay, dịch cúm gia cầm có nguy cơ sẽ tiếp tục lan rộng trên toàn khu vực.

Dịch ngay trong Tết Nguyên đán

Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Nam - cho biết: “Ngay từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn đã xuất hiện 7 ổ dịch bệnh cúm gia cầm và tốc độ lây lan rất nhanh, với hàng ngàn con vịt của các hộ dân bị nhiễm bệnh, phải tiêu hủy ngay trong những ngày Tết Nguyên đán. Lực lượng thú y của tỉnh đã tăng cường các biện pháp khẩn cấp bao vây, dập dịch, khống chế dịch không cho lây lan trên diện rộng”.

Cúm gia cầm bùng phát khắp miền Trung
Phun thuốc khử trùng, tiêu độc trên đàn vịt tại huyện Đức Phổ.

Tại Quảng Nam, ổ dịch cúm H5N1 tái xuất đầu tiên vào ngày 19.1, trên đàn vịt 31 ngày tuổi của hộ ông Ngô Diện ở xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, khiến 1.900 con vịt bị mắc bệnh. Ngay sau đó, ngày 24-26.1, dịch cúm tiếp tục lan rộng ra các đàn vịt chăn thả ở lân cận các xã Duy Châu và Duy Trinh, khiến hơn 7.500 con bị chết, phải tiêu hủy khẩn cấp ngay trước tết.

Ông Ngô Hoa tỏ ra hối hận: “Đây là lần đầu tôi chăn nuôi vịt đàn, nhưng lại rất chủ quan trong khâu tiêm phòng. Khi nghe thông tin ở xã Duy Trinh xuất hiện dịch, tôi mới báo cho thú y cơ sở đến tiêm vaccine được gần nửa đàn trong tổng số gần 2.000 con.

 

Nhưng, đã quá muộn. Chỉ tính mỗi con vịt bán được 100.000 đồng, thì thiệt hại lên đến gần 200 triệu đồng”. Theo cán bộ thú y xã Duy Trinh, đàn vịt này chưa được tiêm vaccine phòng bệnh.

Ông Phạm Thanh Sơn ở xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) cho biết: “Đàn vịt gần 1.000 con, hơn 30 ngày tuổi của tôi bỗng chết rải rác. Tôi lo chạy kêu thú y chích ngừa vaccine cúm. Nhưng rồi cả đàn lần lượt lăn đùng ra chết hết". Tổng cộng 3 hộ dân ở xã Bình Chánh và Bình Nguyên đã bị chết gần 2.000 con vịt từ ngày mùng 2-6 tết.

Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, hiện dịch cúm A/H5N1 bùng phát mạnh tại 4 xã của huyện Đức Phổ là Phổ Hòa, Phổ Châu, Phổ Văn, Phổ Cường. Ngay sau khi phát hiện đàn vịt hơn 1.000 con của hộ anh Lê Văn Hiếu (ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ) bị chết do nhiễm cúm A/H5N1 không còn một con. Rồi đến đàn gà 1.000 con trên 100 ngày tuổi của hộ anh Lê Văn Huệ (ở thôn An Thường, xã Phổ Hòa), làm 500 con bị chết và đã được tiêu hủy.

Trước đó, huyện Đức Phổ đã tiêu hủy toàn bộ đàn vịt trên 1.800 con. Ngoài ra, tại các tỉnh Kon Tum, Quảng Trị, TP.Đà Nẵng..., ngành thú ý cũng đã phát hiện nhiều đàn gia cầm đang mắc bệnh và hàng ngàn con cũng đã bị đưa đi tiêu hủy.

Dịch cúm gia cầm sẽ còn tái diễn

Các địa phương cũng đã khẩn cấp triển khai các biện pháp bao vây, dập dịch, phòng, chống dịch lan rộng. Tại Quảng Nam, UBND tỉnh này ngày 12.2 có công điện yêu cầu thực hiện khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch, tập trung mọi lực lượng nhanh chóng bao vây khống chế các ổ dịch.

Ngoài ra, một vùng cấm vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm... cũng đã được thiết lập để hạn chế lây lan. Tại tỉnh Quảng Ngãi, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Đức Phổ tăng cường giám sát tại cộng đồng, khu dân cư, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm để kịp thời điều trị.

Cúm gia cầm bùng phát khắp miền Trung
Tiêu hủy vịt bệnh tại Thăng Bình.

“Chúng tôi luôn có mặt tại cơ sở để kịp thời tầm soát và theo dõi những hộ chăn nuôi có gia cầm chết” - y sĩ Nguyễn Thành Hiếu - Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, huyện Đức Phổ - cho biết.

 

Đến ngày 12.2, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi đã cấp bổ sung cho huyện Đức Phổ 100kg Cloramin B bột để khử khuẩn môi trường, đồng thời, kiến nghị Sở Y tế cấp dự phòng 100.000 viên thuốc kháng virus phòng nếu bệnh lây sang người.

Tuy nhiên, nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm vẫn còn cao, thậm chí được dự báo” sẽ còn tiếp diễn qua các năm sau.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng trạm Thú y huyện Duy Xuyên - cho rằng, nguyên nhân xuất hiện virus cúm A/H5N1 là do thời gian qua hầu hết chính quyền các địa phương và người chăn nuôi chưa thực sự quan tâm đến công tác tiêm vaccine phòng dịch.

Mặc dù tại địa phương, nhiều ngày qua không xuất hiện thêm ổ dịch, nhưng nếu thời điểm này chính quyền cơ sở và người chăn nuôi chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch thì virus cúm A/H5N1 rất dễ bùng phát trở lại.

Còn ông Nguyễn Thành Nam - Chi Cục trưởng Thú y Quảng Nam - thì cho rằng: “Hiện nay là thời điểm sản xuất chăn nuôi bước vào mùa tái đàn, số lượng gia cầm nuôi mới nhiều, bên cạnh đó gần 4 triệu con gia cầm trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa tiêm vaccine phòng bệnh cúm. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia cầm xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất cao”.

Ông Nam cũng nhận định: “Việc tái bùng phát dịch cúm gia cầm qua mỗi năm là tất yếu, và nguy cơ này sẽ còn tiếp diễn nhiều năm nữa. Bởi, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông và không chú trọng tiêm phòng bệnh cúm cho gia cầm của nông dân các địa phương ở khu vực. Việc vận chuyển con giống cũng như thịt gia cầm đi qua nhiều địa phương mà không tuân thủ các tiêu chuẩn phòng dịch, thì việc lây lan dịch sẽ còn diễn ra... dài dài”. 

Theo thông tin của Cục Thú y, hiện nay trên địa bàn cả nước có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày tại tỉnh Bắc Ninh. Tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, dịch cúm gia cầm đã bùng phát từ đầu năm nay và hiện vẫn đang diễn biến phức tạp. Riêng tại tỉnh Quảng Nam, hiện có đến hơn 11.200 con gia cầm (chủ yếu là vịt) mắc dịch, chết và đã bị tiêu hủy.

Bộ Y tế cũng ghi nhận trong tháng 1.2014 có 2 người tử vong do nhiễm virus cúm A/H5N1 ở các tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hai - GĐ Sở Y tế Quảng Nam - cúm A/H5N1 có khả năng lây từ gia cầm sang người, nhưng chưa lây từ người sang người. Thời gian qua, những bệnh nhân cúm A/H5N1 đều tiếp xúc với gia cầm bệnh và nơi có ổ dịch gây bệnh cúm trên gia cầm.

Về phía ngành y tế, chúng tôi đã triển khai các biện pháp dự phòng và tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện phòng, chống cúm gia cầm lây sang người. Ngành y tế khuyến cáo người dân sử dụng gia cầm rõ nguồn gốc, đảm bảo việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong giết mổ, bảo hộ lao động trong chăn nuôi. Chẳng hạn việc giết mổ phải dùng găng tay, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là không sử dụng, không tiếp xúc trực tiếp với gia cầm mắc bệnh hoặc chết, phải ăn chín, uống chín vì virus bị tiêu diệt khi chúng ta đun sôi thịt gia cầm ở 100 độ C.

Tất cả các đơn vị y tế phải triển khai giám sát vùng có dịch cúm gia cầm, thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế về việc phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người. Đối với những người có biểu hiện mắc cúm, ở vùng lưu hành dịch, lại có tiếp xúc với gia cầm bệnh, thì cán bộ y tế phải theo dõi, giám sát, lấy mẫu bệnh để xét nghiệm...

T.T.Thư

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: bùng phát