Những ngày xuân sang Tết đến, chúng tôi lại tìm gặp o du kích nhỏ (tên thật là Nguyễn Thị Kim Lai, 69 tuổi).
Nhìn bà bây giờ trông khác xưa nhiều quá. Trong bức ảnh đang áp giải viên phi công Andrew Robinson cao lớn, bà Lai hồi đó người nhỏ thó, đi chân đất, tay cầm súng đầy dũng khí.
Từ ngày nhà báo Phan Thoan của báo Hà Tĩnh bấm máy ghi lại khoảnh khắc đó về bà Lai tính đến nay đã 49 năm. Vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tấm ảnh gây được tiếng vang lớn. Nhìn nó, nhà thơ Tố Hữu đã xuất khẩu liền bốn câu thơ: O du kích nhỏ giương cao súng/Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu/Ra thế to gan hơn béo bụng/Anh hùng đâu cứ phải mày râu.
Nổi tiếng mà không biết
Cô Lai kể rằng, trong cuộc kháng chiến chống Pháp trước đó, xứ Nghệ - Tĩnh khi ấy là mặt trận đặc biệt, nơi nuôi dưỡng các lực lượng tinh binh để đưa đi các mặt trận. Mỹ không chỉ huy động máy bay phản lực ném bom hủy diệt mảnh đất bản lề của các cuộc chiến tranh này, trong nhiều trường hợp quân đội Mỹ còn sử dụng cả máy bay trực thăng để đột nhập, gần như đấu “giáp la cà” với quân dân địa phương.
Cô Lai kể: “Tháng 9/1965, máy bay phản lực vào đánh phá dữ dội, quân ta bắn rơi một chiếc phản lực, phi công bung dù nhảy vào núi. Giặc huy động nhiều máy bay trực thăng chở quân đến tìm phi công. Anh Thái dân quân của nông trường trèo lên cây, giương súng bắn gãy cánh quạt một chiếc trực thăng...”.
O du kích nhỏ khi ấy vừa tốt nghiệp cấp hai, được huyện gọi lại, cấp cho một khẩu súng trường cùng đội dân quân của xã đi tìm toán phi công. “Tôi thấy một lính Mỹ trong bụi rậm, đứng dưới gốc cây. Tôi cũng sợ vì anh ta to lớn và có súng. Nhưng tôi vẫn bình tĩnh chĩa súng lên trời bắn 3 phát chỉ thiên. Viên phi công vội để hai khẩu súng xuống đất, giơ tay đầu hàng”.
Cô Lai kể: “Chúng tôi áp giải phi công về huyện, không biết bác Phan Thoan đã chụp bức ảnh khi nào”. Số là khi ấy, nhà nhiếp ảnh Phan Thoan, cũng bất ngờ có mặt và chụp được bức ảnh áp giải tù binh.
Hình ảnh người nữ du kích chỉ cao 1,48m, nặng 37kg trong khi viên tù binh Mỹ cao 2,2m và nặng 125kg đã làm rung động toàn thế giới. Bức ảnh như một biểu tượng đầy ý nghĩa về một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng bất khuất trước cường quốc.
Tố Hữu cảm xúc trước bức ảnh đã làm những câu thơ: O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu/ Ra thế! To gan hơn béo bụng/ Anh hùng đâu cứ phải mày râu. Năm 1967 bức ảnh được đưa lên tem thư và phát hành khắp thế giới. Các nhà báo quốc tế cố gắng tìm tung tích người du kích nhỏ, nhưng chẳng thấy tăm hơi.
Cô Lai thì kể: “Sau khi bắt phi công, tôi được phong chức xã đội phó, nhưng tôi xung phong vào chiến trường làm y tá. Tôi nhẹ cân quá, phải xung phong mãi mới được đi. Tôi đâu có biết gì về bức ảnh và bài thơ”.
Nhớ thương đồng đội
Một hôm, Lai nhận được lá thư từ miền Bắc, người bạn báo tin ảnh Lai bắt phi công được in lên tem đấy. Người nữ y tá rất ngạc nhiên, không tin vào mắt mình. “Tôi sợ mình bị đưa ra tuyến sau. Đội đang cần người làm việc”, cô Lai nhớ lại.
Nữ y tá trẻ xung phong vào chiến trường để làm việc, cô rất sợ bị đưa khỏi B5. Vào Quảng Trị từ năm 1967, bị thương năm 1968, nhưng cuối năm 1969 cô Nguyễn Thị Kim Lai mới trở ra Bắc. Lý do điều động là sức khỏe của nữ y tá này không đảm bảo nữa. Bị sức ép bom nên tai của cô cũng có vấn đề.
Chuyển ra Hà Tĩnh, Nguyễn Thị Kim Lai làm ở bệnh viện cho đến lúc về hưu. Cô trở thành người nổi tiếng, nhiều nhà báo quốc tế tìm đến. Họ muốn gặp nhân chứng để khẳng định bức ảnh trên con tem là có thật, không phải dàn dựng. (Một tài liệu cho biết tù binh trong bức ảnh là William Andrew Robinson, nhân viên trên máy bay trực thăng, được thả vào tháng 2 năm 1973).
Dù nhiều báo viết về thành tích bắt phi công William Andrew Robinson, nhưng cô Lai luôn trăn trở nhớ đến đồng đội của mình ở chiến trường B5: “Năm 1979 nghe tin Đội được điều ra Bắc để phục vụ chiến trường biên giới. Sau cuộc chiến tranh ấy, Đội đã giải thể. Đội điều trị 52 hoạt động độc lập, khi chiến tranh kết thúc thì nó không tồn tại nữa”. Cô Lai đã cung cấp thông tin, giúp gia đình Trần Thị Nam tìm được mộ của liệt sĩ này. Nhưng sau nhiều năm, cô Lai không gặp được đồng đội nào.
“Tôi nhớ Đội trưởng của tôi là bác sĩ Mạc Quý, Đội phó là bác sĩ Phả - cô Lai thở dài - Lúc ấy nhiều bác sĩ lớn tuổi hơn chúng tôi, nên có lẽ qua đời rồi. Tôi chỉ hi vọng gặp được những bác sĩ và y tá trẻ cùng độ tuổi thôi. Giờ tôi cũng gần 70 rồi”, cô Lai cho biết.
Cuộc hội ngộ sau 30 năm
Không lâu sau cuộc bắt sống phi công Mỹ kỳ thú ấy, o Lai được đi học lớp y tá, rồi xung phong vào mặt trận B5, miền Tây Quảng Trị. Năm 1973 o Lai xuất ngũ, về công tác tại Bệnh viện huyện Thạch Hà và gặp anh thương binh Nguyễn Anh Đức đang điều trị ở đây. Hai người đem lòng yêu thương nhau, trở thành vợ chồng và có với nhau ba người con.
Chiến tranh ngày một lùi xa, cô Lai tưởng như sẽ không bao giờ gặp lại được anh phi công Mỹ năm xưa bị bà áp giải lên huyện. Thật bất ngờ, một buổi sáng đầu tháng 9/1995, cô Lai đang bồng cháu nội sang nhà hàng xóm chơi thì nghe có người gọi: “Bà Lai về nhà, có mấy người nước ngoài hỏi nhà bà đó”.
Cô Lai tất tả bồng cháu về đến cổng, ngạc nhiên nghĩ trong đầu: “Ai mà cao to giống như Andrew Robinson hồi mình giải lên huyện ấy nhỉ”. Cô chưa kịp chào hỏi, Andrew đã dang hai tay ôm cùng đứa cháu và xúc động nói: “Nếu như hồi đó một trong hai người chĩa súng bắn về phía bên kia, tôi và bà sẽ không có ngày hôm nay”.
Andrew Robinson kể cho cô Lai biết về cuộc đời mình sau khi trở lại Mỹ. Andrew phải thất nghiệp sáu năm, sống trong một căn hộ tập thể, chưa có nhà riêng (tính từ ngày gặp cô Lai). Khi nghe cô Lai giới thiệu về gia đình, con cháu của mình, Andrew đã không giấu được nỗi buồn.
Andrew có đến hai lần cưới vợ. Không có người vợ nào sinh con cho Andrew. Vì thế, Andrew xem hai đứa con gái của người vợ sau như con đẻ của mình. “Sau chiến tranh, ký ức về Andrew Robinson tôi vẫn nhớ y nguyên. Tôi cứ nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại anh ấy. Vậy mà tại cuộc gặp gỡ năm 1995 tôi không ngờ cuộc đời tôi lại hạnh phúc hơn người lính Mỹ ấy” - cô Lai nói.
Andrew nói với cô Lai là từ lâu rất muốn một lần sang Việt Nam tìm gặp lại cô nhưng hoàn cảnh không cho phép. Đến khi Hãng NHK của Nhật Bản mời Andrew sang Việt Nam thực hiện bộ phim tài liệu Cuộc hội ngộ sau 30 năm thì Andrew mới gặp lại cô Lai và chiến trường năm xưa. Hai người sau đó rủ nhau quay lại tìm hang đá và con đường cô áp giải Andrew lên huyện Hương Khê.
Vì thời gian, cây cối mọc bao phủ và do có mưa nên hai người không thể đi sâu vào rừng tìm lại hang đá nơi Andrew ẩn nấp. Nhưng những ký ức chiến tranh về cuộc gặp gỡ đó thì cô Lai và Andrew không bao giờ quên.
Nguyễn Văn Học