Sau 37 năm mỏi mòn tìm “người mẹ” trong tấm ảnh, ngày gặp mặt, họ ôm trầm lấy nhau khóc không nói nên lời.
Tháng 2 của 37 năm về trước, bà Bùi Thị Mùi ở khu 7, xã Hanh Cù, Thanh Ba, Phú Thọ khi đó đang là trung sĩ thuộc đại đội 3, tiểu đoàn 19 vận tải, trực thuộc sư đoàn 346, Quân khu 1 chiến đấu tại Cao Bằng chống quân xâm lược Trung Quốc.
Ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ tấn công xâm lược đồng loạt 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Do lực lượng địch quá đông, sau vài ngày chống đỡ đơn vị của bà được lệnh rút về hậu cứ để bảo toàn lực lượng, củng cố phòng tuyến chống địch.
Trên đường rút, nhóm của bà gồm 7 người phát hiện một bé gái hơn 2 tuổi ngồi khóc bên người mẹ bị thương, máu đầm đìa bên chân phải.
Bức ảnh bà Mùi bế chị Hiền chụp tháng 2/1979. |
Đồng đội bà cõng người mẹ, còn bà bế đứa bé đi xuyên rừng suốt 1 ngày đêm. Khi ra đến trạm phẫu phía sau cầu Tài Hồ Sìn. Khi đó quân ta đã đóng ở đó để chuyển người bị thương về hậu cứ chữa trị. Tại đây, một phóng viên chiến trường đã chụp lại hình ảnh bà bế trên tay đứa bé chạy ra từ nơi lửa đạn. Sau khi chụp xong bức ảnh, bà quay trở lại chiến trường tìm đồng đội, đơn vị để tập hợp, kiến thiết lại tiếp tục chiến đấu. Còn em bé và mẹ được giao cho đồng đội chở về hậu cứ chăm sóc.
Sau đó, bức ảnh trên được đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân ngay trong năm 1979. Cô bé năm nào cùng gia đình luôn giữ bức ảnh và từ thời điểm đó cho đến nay, gia đình đã cố gắng đi tìm cô bộ đội ngày nào để gặp mặt, nói lời cảm ơn.
Video:
[mecloud]zH9KElZENU[/mecloud]
Hành trình tìm “mẹ”
Dù không phải dứt ruột đẻ ra, nhưng trong thâm tâm chị Hoàng Thị Thu Hiền (40 tuổi, là cán bộ UBND xã Hưng Đạo, TP.Cao Bằng) luôn coi người bế mình trong tấm hình là mẹ.
Suốt 37 năm, chị Hiền luôn muốn tìm cô bộ đội - người "mẹ" đã cứu sống mình. |
Trong nghẹn ngào nước mắt, chị kể lại những ký ức còn ghi nhớ trong đầu và những chuyện sau này được mẹ đẻ mình kể lại.
Câu chuyện này, được chị giãi bày đầu tiên trên báo Thanh Niên, trong cuộc gặp chớp nhoáng, vì chị phải đi về Cao Bằng gấp. Chúng tôi xin trích dẫn lời kể của chị:
Năm chị mới 2 tuổi, bố mẹ phải gửi chị cho ông bà nội ở thôn Ngọc Quyến (nay là xóm 3, Ngọc Quyến, Hưng Đạo, TP.Cao Bằng) để chăm sóc. Còn bố mẹ phải vào mỏ thiếc Tĩnh Túc (H.Nguyên Bình, Cao Bằng) làm việc.
Trong một lần về thăm con, mẹ chị Hiền cõng cô con gái đi bộ về thăm quê ngoại ở Đức Long (Hòa An, Cao Bằng). Hai mẹ con xuất phát từ ngày 16/2/1979, đi được 1 ngày trời mà vẫn chưa tới nơi. Đêm xuống, mẹ con phải ngủ trọ ven đường.
Sáng sớm 17/2, pháo Trung Quốc bất ngờ bắn sang như mưa vào đất Cao Bằng. Ngớt tiếng pháo là xe tăng và bộ binh Trung Quốc tràn vào nước ta chiếm đánh khắp dọc biên giới.
Người dân vùng biên bị bất ngờ, bỏ lại tất cả tài sản cùng nhau chạy loạn, trong đó có mẹ con chị Hiền.
Tối ngày 18/2, khi vừa cõng tôi đến khu vực Bản Tấn thì bà Hoàng Thị Phiến (mẹ chị hiền) bị lính Trung Quốc bắn bị thương ở chân phải, mất nhiều máu nên ngất đi. Tưởng mẹ bị giặc bắn chết, chị Hiền ngồi gào khóc bên mẹ cả đêm.
Cũng trong đêm ấy, nhóm bộ đội của bà Mùi khi rút lui đã gặp mẹ con bà Phiến và cứu giúp.
Khi đưa mẹ con bà ra tuyến sau an toàn, cô bộ đội bế chị Hiền có được ông Trần Mạnh Thường (80 tuổi, hiện đang nghỉ hưu ở quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) nguyên là cán bộ của Phòng Nhiếp ảnh, Nhà Xuất bản Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) được cử đi tăng cường cho biên giới Cao Bằng làm nhiệm vụ chụp hình tư liệu chụp lại bức ảnh bà Mùi bế trên tay cháu bé.
Do không kịp hỏi thông tin, nên khi chụp xong ông cũng không biết tên cô bộ đội là gì, ở đơn vị nào.
Sau đó bức ảnh được đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân. Bố chị Hiền, ông Hoàng Quang Thái đã cắt lại bức ảnh và giữ nó từ ngày đó đến giờ.
Sau này, khi hòa bình trở lại, chị cũng lớn khôn, gia đình và bản thân chị Hiền luôn có tâm nguyện tìm lại cô bộ đội trong tấm hình. “Nếu không có cô chú bộ đội ngày đó chắc mẹ con tôi chết rồi” – chị Hiền tâm sự.
Với chị, dù chỉ trong 1 ngày được cô bộ đội bế trên tay, nhưng thâm tâm chị luôn coi đó như người mẹ thứ 2 của mình. Và nhiệm vụ của người con là phải tìm bằng được mẹ.
Hy vọng được lóe lên khi nhà báo Mai Thanh Hải của báo Thanh Niên đến nhà tìm gặp chị vào năm 2014, qua câu chuyện của ông Thường kể lại. Từ đó, chị hiền cùng sự giúp sức của báo Thanh Niên đã đi tìm cô bộ đội trong tấm hình.
Lần theo những đầu mối thông tin, chị đi tìm khắp Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Cạn, Cao Bằng… nhưng đều không có kết quả.
Mới đây, khi anh Nguyễn Văn Huy (đang công tác trong quân ngũ, là cháu của bà Mùi) đọc được bài báo tìm “cô bộ đội trong tấm hình”, anh nhận ra đó là thím mình.
Sau đó, anh về nhà, hỏi lại bà Mùi câu chuyện và được bà kể lại. Anh Huy đưa tấm ảnh ra cho bà Mùi và hỏi: “Người trong ảnh có phải thím không?”. Bà Mùi xúc động: “Đúng rồi”.
Sau 1 tai nạn, bà Mùi bị liệt nửa thân dưới hơn 1 năm nay. (Chị Hiền thăm hỏi sức khỏe mẹ) |
Ngày 29/2, bằng sự giúp đỡ của báo Thanh Niên, mẹ con bà Mùi và chị Hiền được gặp nhau tại nhà bà Mùi trong sự xúc động của mọi người.
Điều kỳ diệu
Không chỉ bà Mùi mà tất cả bà con hàng xóm, người dân có mặt đều thốt lên như vậy khi chứng cuộc gặp mặt.
Ngày bà Mùi chụp bức ảnh, khi đó bà mới 21 tuổi, còn cô bé được bà bế trên tay mới hơn 2 tuổi. Chẳng ai nghĩ rằng, đi qua cuộc chiến tranh khốc liệt như vậy, sau 37 năm, 2 “mẹ con” trong bức ảnh lại có dịp gặp mặt nhau.
Bà Mùi kể, trước khi chị Hiền lên gặp bà, bà mong mỏi, hồi hộp lắm. Đến khi con gái bước vào, 2 mẹ con cứ ôm lấy nhau mà khóc.
2 mẹ con bà Mùi ôm nhau khóc khi gặp mặt. |
Ngày đó, khi phát hiện ra chị Hiền rồi cứu mẹ con chị ra khỏi nơi chiến sự ác liệt, bà Mùi chỉ nghĩ đó là nhiệm vụ mình phải làm chứ chẳng thể ngờ có ngày “mẹ-con” được gặp mặt.
Ông Nguyễn Thanh Long (chồng bà Mùi) chia sẻ, sau khi bà Mùi xuất ngũ trở về địa phương làm kế toán tại xã. Ông khi đó là công nhân, đến tuổi cập kê lập gia đình, mến bà Mùi vì là người hiền hậu nết na. Ông ngỏ lời rồi 2 người nên duyên.
Tuy nhiên, 2 ông bà chung sống với nhau đã trong 35 năm nhưng lại hiếm muộn, không có con cháu. Nhiều lúc nghĩ ông bà thấy buồn tủi lắm, thế nên, 2 người càng thương yêu nhau hơn.
Ông Long cho biết, bà Mùi rất xúc động khi được thấy tấm ảnh chụp bà và chị Hiền 37 năm về trước. |
Nhà neo người, chẳng có con trẻ để nhờ cậy, đầu năm 2015, bà Mùi vào rừng hai củi không may bị cây đổ vào người gây đa chấn thương, phải xuống Việt Trì (Phú Thọ) và Bệnh viện Việt – Đức (Hà Nội) chữa trị, mới qua khỏi cơn nguy kịch. Hiện bà phải nằm liệt ở nhà và mọi việ sinh hoạt cá nhân, đều 1 tay ông Long lo toan.
Ngẫm nghĩ cuộc đời này thật bất công với ông bà, thì chính cái lúc u buồn nhất “điều kỳ diệu” đến. Nay ông bà có một người con gái, mặc dù ở xa xôi nhưng tình cảm luôn bền chặt, ấm nồng.
Ngày 2 mẹ con bà Mùi gặp lại nhau, cả xóm ai cũng mừng, cảm động không cầm nổi nước mắt.
Thuận Phong