Chiến tranh đã qua đi rất lâu, nhưng hệ lụy của nó vẫn còn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sau. Rất nhiều đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình nhưng lại phải chịu đựng nỗi đau từ chất độc màu da cam.
Gia đình chị Nguyễn Thị Đô (trú tại khu 9 thôn Quỳnh Lâm, xã Bản Nguyên huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) sinh được 4 người con (3 trai, 1 gái) thì 3 đứa con đầu nhiễm chất độc da cam. Riêng em Nguyễn Văn Học (SN 1994) vừa bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam, vừa mang trong mình căn bệnh liệt tủy quái ác khiến em chỉ có thể nằm một chỗ.
Theo bà Nguyễn Thị Đoan - bà nội của Học: “Từ khi sinh ra, Học và các anh chị đều bị ảnh hưởng chất độc da cam từ ông nội".
Em Nguyễn Văn Học mang trong mình di chứng chất độc da cam và căn bệnh liệt tủy quái ác.
Bà nội Học cho biết, năm 1959, ông nội Học tham gia nhập ngũ và đóng quân ở Bộ quốc phòng chuyên sản xuất súng đạn chiến. Trong thời gian về phép, ông bà sinh được 1 người con trai và 1 người con gái. Đến năm 1964, ông hy sinh tại chiến trường. Hai người con của bà đều khỏe mạnh bình thường, nhưng 3 đứa cháu nội lại bị ảnh hưởng của chất độc da cam.
Hiện nay, Học sống cùng bà nội đã 75 tuổi, một mình bà trông bốn đứa cháu thì ba đứa tàn tật không thể giúp gì, còn đứa út năm nay mới học lớp 7. Gia đình khó khăn, bố mất sớm, mẹ Học phải đi làm xa nhà để lấy tiền thuốc men cho các con sống qua ngày.
Cùng bị nhiễm chất độc da cam với Học là anh trai Nguyễn Văn Toán (SN 1989) và chị gái Nguyễn Thị Lý (SN 1990). Từ khi sinh ra, chân tay của 3 anh em không phát triển. Vì vậy, mọi sự đi lại của 3 anh em phải nhờ đến chiếc xe lăn.
Mới đây, có một người đàn ông ở Hải Phòng đến nhà đón Toán đi bán tăm trên tận Lào Cai. Người đàn ông này nói, mỗi tháng sẽ trả cho Toán 2 triệu đồng và nuôi ăn ở. Hằng ngày, Toán sẽ cùng người này đi bán tăm trên các con phố ở Lào Cai bằng chiếc xe lăn. Thương Toán sẽ vất vả và sợ sẽ bị người ta đối xử không tốt, gia đình khuyên Toán ở nhà nhưng Toán không chịu.
"Cháu nó nói, nhà mình nghèo, bố cháu mất sớm, mẹ cháu phải đi làm xa để lấy tiền nuôi 4 anh em cháu, bà cũng đã già rồi. Từ khi sinh ra, cháu không được như những đứa trẻ khác, phải nhờ đến mọi người trong gia đình để đi lại. Nên giờ có cơ hội, cháu cũng muốn được đi kiếm tiền, dù khổ thế nào cháu cũng chịu được”, bà Đoan nói thêm.
Còn Lý, tuy năm nay đã 25 tuổi nhưng em chỉ giống cô bé lên 10. Sự ngây ngô, không được giao tiếp với thế giới bên ngoài, thêm giọng nói ngọng của em khiến người đối diện cảm thấy xót xa.
Cách đây một thời gian ngắn, gia đình Học lại phát hiện em mang trong mình căn bệnh liệt tủy, cuộc sống của chàng thanh niên trẻ tuổi này chỉ còn tính theo từng ngày. Tuy vậy, Học vẫn cố gắng nén nỗi đau để mọi người trong gia đình không phải lo lắng cho em.
Bà Đoan chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện nghèo ở địa phương, mỗi tháng 3 cháu được trợ cấp 360 nghìn đồng để lo thuốc thang. Bố các cháu không may mất sớm, để lại 4 đứa con thơ dại cho người vợ trẻ cùng người mẹ già chăm nom”.
Cách đây khoảng 2 tháng, Học có biểu hiện đau người nên gia đình đưa cháu đi viện khám. Các bác sĩ chẩn đoán Học bị liệt tủy đến 81%. Gia đình không đủ tiền để chữa trị cho Học, nên phải đưa em về nhà tự chăm sóc.
Cầu là em ruột của Học, năm nay chỉ mới lên lớp 7 nhưng mỗi khi tan học về nhà, em đã biết giúp đỡ bà nội việc nhà và chăm sóc các anh chị.
Cụ Hòa, hàng xóm của Học, chia sẻ: “Bố các cháu mất sớm khi còn quá trẻ. Giờ mẹ các cháu một mình chèo chống nuôi bốn đứa con thì ba đứa tàn tật. Nhìn thấy mấy đứa trẻ, ai cũng thương xót".