Bỗng dưng bị tạt cả can axit vào người, cuộc đời của người phụ nữ tần tảo rơi vào bi kịch. Lết những bước khó khăn nặng nhọc, chị Loan gắng gượng kéo đồ nghề sửa xe tới góc đường.
Có người bị tạt axit vì ghen tuông, tức giận và thậm chí là không rõ lý do. Có người bị đánh đập, hành hạ dã man suốt một thời gian dài, tổn thương cả về tinh thần lẫn thể xác... Thế nhưng, vượt lên những nỗi đau ấy, họ vẫn chấp nhận hoàn cảnh, cố gắng sống tốt hơn. Cuộc sống sau chấn động là loạt bài nói về số phận, cuộc đời của những người có hoàn cảnh đặc biệt, trải qua những khó khăn, đau đớn thực sự trong cuộc đời. Khi quá khứ lùi xa, người ta vẫn thấy họ với nghị lực, niềm tin và những ước mơ về cuộc sống.
Chị đã không còn đủ khả năng lo cho con đi học, trong khi gần 1 năm trôi qua các cơ quan chức năng chưa tìm ra được hung thủ tạt axit vào người chị.
Người phụ nữ mạnh mẽ vượt lên trên số phận
Chị Vũ Thị Loan (36 tuổi, quê Hưng Yên) sinh ra trong một gia đình thuần nông có 4 chị em gái. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị phải bỏ học giữa chừng để phụ cha mẹ công việc đồng áng. Đến tuổi trưởng thành, chị muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó nên quyết định vào TP. HCM lập nghiệp.
Thân gái một mình dấn thân vào chốn phồn hoa nhưng vốn là người phụ nữ bản lĩnh, chị vượt qua mọi cám dỗ, chịu khó làm những công việc chân tay, kiếm tiền mưu sinh. Thời gian đầu tại TP. HCM, chị đi giúp việc gia đình, ai cần là chị đến làm, không quản khó khăn, vất vả.
Cũng tại thành phố này, chị gặp và đem lòng thương yêu anh Phạm Quang Tân (43 tuổi, quê Thanh Hóa), người đàn ông cùng cảnh ngộ. Anh Tân nhìn bề ngoài cao ráo và nhanh nhẹn nhưng thực tế lại bị liệt cánh tay trái và thường xuyên bị căn bệnh đau dạ dày hành hạ, không làm được công việc chân tay nặng nhọc. Anh Tân lại không được học hành đến nơi đến chốn để có thể tìm được công việc ổn định.
Biết anh không đủ sức gánh vác chu toàn cho một gia đình nhưng vì quý tính cách hiền lành, thật thà, chị vẫn chấp nhận lấy anh, về với anh để có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, cùng nhau làm ăn. Hai anh chị dắt nhau về quê làm đám cưới rồi quay trở lại TP. HCM. Hai người vay chỗ này chỗ nọ được ít tiền vốn, nhập xe đạp về bán nhưng chỉ được một thời gian ngắn, không bán được nên đành chịu thua lỗ.
Với mong muốn đủ tiền thuê trọ, chi tiêu đơn giản cho cuộc sống hằng ngày, anh chị lại sắm đồ nghề và hành nghề sửa xe ở ngã ba Trường Chinh - Ấp Bắc (quận Tân Bình). Để có thêm thu nhập, họ tranh thủ thời gian để trông xe tại cổng Chi cục thuế quận Tân Bình.
Sức khỏe anh Tân không tốt nên ngay từ đầu chị Loan đã xác định mình là trụ cột gia đình, lúc nào chị cũng luôn tay luôn chân. Thậm chí dù không được học hành tử tế nhưng chị cũng học người ta cách kê khai các giấy tờ liên quan đến thuế để có thể làm khi có người thuê. Ngay cả việc sửa xe, anh Tân cũng chỉ giúp chị được một phần, phần lớn các việc từ bơm xe, vá xe đến thay dầu, sửa máy, chị đều tự học, tự mày mò và một tay làm được tất cả.
Đến khi có được đồng ra đồng vào, chị mang bầu và sinh bé Phạm Văn Tiến. Tuy nhiên, nuôi một đứa con vất vả hơn anh chị tưởng tượng, nhất là khi căn bệnh đau dạ dày của anh Tân ngày càng nặng, tốn nhiều tiền thuốc thang. Nhưng vì chồng, vì con, chị vẫn chạy ngược chạy xuôi, ai bày cho công việc gì giúp kiếm thêm tiền chị đều chạy đi làm không quản ngại khó khăn, khi nào khỏe anh Tân mới giúp chị được chút ít.
Người phụ nữ bất hạnh, bị tạt axít không rõ nguyên nhân.
Tiến đến tuổi đi học, anh chị cố gắng làm nhiều hơn, ăn uống ít đi để dành tiền với mong muốn con mình sẽ được học hành đến nơi đến chốn, sau này có cuộc sống khá giả, không phải vất vả như cha mẹ. Thật may mắn vì Tiến rất thông minh và biết nghe lời, học rất giỏi, đó là động lực giúp anh chị dốc sức ngày đêm lo kiếm tiền.
Bỗng dưng bị tạt cả can axit
Bi kịch bất ngờ xảy ra vào ngày 21/9/2013. Chị Loan vẫn nhớ như in cảm giác đau đớn mà không bao giờ chị tưởng tượng được mình sẽ phải trải qua. Chị chia sẻ: “Chiều hôm đó, tôi đang ngồi vá xe cho khách thì có hai thanh niên chạy xe máy ngang qua, tạt một ca axit vào người tôi rồi phóng xe chạy đi. Tôi đau đớn quá chỉ biết gào thét lên, nghĩ rằng mình có thể chết ngay lúc đó. Không có lửa nhưng da thịt tôi cháy khét lẹt. Chồng tôi và những người xung quanh vội đưa tôi vào bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu”.
Tại bệnh viện Chợ Rẫy, chính các bác sĩ dường như cũng không có hy vọng cứu sống chị Loan vì diện tích bỏng quá lớn, rất ít người bị bỏng đến mức độ này có thể qua khỏi.
Đến giờ, nhớ lại chuyện hôm đó, Anh Tân vẫn chưa hết bàng hoàng: “Tai nạn đến với vợ tôi quá bất ngờ. Khi nói chuyện với các bác sĩ, tôi biết mình cần chuẩn bị sẵn tâm lý cho tình huống xấu nhất. Càng lo lắng hơn khi họ bảo tôi về chuẩn bị tiền. Vợ tôi lại là dân lao động, không có bảo hiểm xã hội, số tiền quá lớn đối với vợ chồng tôi, có lẽ làm cả năm cũng không kiếm được đủ. Cũng may là khi báo tin cho mọi người, biết gia đình tôi khó khăn nên họ hàng, người thân, bạn bè, mỗi người góp một ít giúp đỡ, còn lại tôi cũng đi vay chỗ này chỗ nọ”.
Có lẽ do từ nhỏ quen dầm mưa dãi nắng và nhờ tính cam chịu của người phụ nữ trụ cột gia đình, bệnh tình của chị tiến triển rất tốt trong thời gian ngắn. Chỉ trong 2 tháng, chị đã xin được ra viện về nhà tự điều trị để tiết kiệm chi phí. Anh chị vừa mừng vừa lo vì cuối cùng chị cũng qua khỏi cơn nguy kịch nhưng cả hai cùng cảm thấy bế tắc và hoang mang khi nghĩ đến quãng đường trước mắt. Anh Tân đã mệt nhoài để lo được đủ tiền trả viện phí cho vợ, giờ nhìn người vợ yếu ớt, sẹo chằng chịt khắp người, anh thương lắm nhưng không biết phải làm sao.
Hai tháng lo chữa trị cho chị Loan, anh Tân không quên tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến bi kịch cho gia đình mình. Anh trình báo sự việc ngày hôm đó cho công an nhưng vì không có bất cứ manh mối nào để tìm ra hung thủ và mọi chuyện xảy ra quá bất ngờ nên không ai kịp nhìn mặt hay biển số xe của hai thanh niên đó.
Khi được hỏi về các mối quan hệ xã hội, chị Loan khẳng định: “Từ trước đến nay tôi chỉ tập trung làm ăn lo kiếm tiền nuôi gia đình, không gây thù chuốc oán với ai, trừ một cặp vợ chồng cùng trông xe bên cạnh bãi trông xe của tôi. Trước 3 ngày sự việc xảy ra, tôi có lời qua tiếng lại với cặp vợ chồng đó. Tôi còn bị người vợ kia dọa sẽ có ngày tạt axit vào mặt”. Chị có trình bày chi tiết này với công an nhưng không có bằng chứng nào cho thấy lời chị nói là đúng và cũng không có manh mối nào về hai kẻ tạt axit vào người chị nên công an chưa thể giải quyết.
Đến nay, đã gần 1 năm trôi qua, chị vẫn không ngừng kêu oan tới các cơ quan chức năng mong tìm được thủ phạm, nhưng điều chị lo lắng hơn cả, đó là làm sao gia đình có thể cầm cự được khi cả nhà chỉ trông đợi vào quán sửa xe vỉa hè này. Vết thương trên cơ thể chị vẫn chưa lành hẳn, chị vẫn cố gắng gượng cùng chồng kiếm cơm.
Chị kể: “Từ ngày tôi bỗng dưng bị tạt axit, chúng tôi cũng không đủ sức trông giữ xe ở chi cục thuế nữa, cũng không thể làm gì hơn. Chồng tôi bị liệt một tay nên làm công việc này cũng khó khăn, tôi phụ được chút nào hay chút ấy thôi vì giờ toàn thân tôi vẫn còn đau đớn lắm, đau tận vào trong xương”. Một ngày anh chị kiếm được nhiều thì 100 ngàn đồng, có những hôm mưa gió cả nhà ngồi co ro một góc đường đến nửa đêm mới được có 30-40 ngàn đồng. Số tiền kiếm được chỉ đủ trả tiền thuê nhà và những bữa ăn đạm bạc, trong khi đó tiền vay nợ còn chồng chất.
Điều chị trăn trở nhất bây giờ là: “Giờ vợ chồng tôi không còn đủ khả năng lo cho con đi học. Năm nay con tôi 12 tuổi, chuẩn bị vào cấp 2. Hôm trước tôi dẫn con đến một trường bổ túc xin học cho con, nhưng khi biết số tiền học phí, hai mẹ con lại lủi thủi dắt nhau về. Tiền ăn không có thì lấy đâu tiền học cho con. Con tôi là một đứa bé ngoan, thấy bạn bè được đi chơi, được sắm sửa này nọ cũng không bao giờ đòi hỏi. Từ ngày tôi bị thế này, ngày nào nó cũng phụ giúp vợ chồng tôi, lúc nào rảnh tay là xoa bóp cho mẹ đỡ đau. Nhưng không lo được cho con đi học có lẽ là tội lỗi lớn nhất của bà mẹ này” - chị nghẹn ngào cố ngăn những giọt nước mắt rơi xuống trước mặt bé Tiến.
Bé Tiến thấy vậy không ngại ngần vỗ về, an ủi mẹ. Rồi thấy có khách đến vá xe, cậu chạy lại, ngồi bên cạnh giúp bố những việc lặt vặt. Cậu đủ lớn để hiểu hoàn cảnh trái ngang của gia đình và có thể cậu bé sẽ phải thay cha mẹ làm công việc này thay vì tiếp tục được đi học như các bạn cùng trang lứa.
Giờ đây, mong mỏi lớn nhất của người mẹ bất hạnh này là lo cho con được đi học và các cơ quan chức năng có thể tìm ra hung thủ khiến gia đình chị rơi vào cảnh éo le này.
Theo Hạ Lê / Pháp Luật Xã Hội