Robot mất tích hơn 3 tháng qua cuối cùng cũng được tìm thấy. Tuy nhiên, việc phải làm vẫn còn, mà robot chưa chắc đã sống lại.
Bạn còn nhớ sự kiện chứ? Rover này đã mất tích trong cơn bão cát khổng lồ với quy mô toàn hành tinh trên sao Hỏa từ tháng 6/2018.
Cụ thể, cơn bão cát khoảng 100 ngày trước đã khiến Opportunity không thể tích được năng lượng từ Mặt trời. Nó đã rơi vào chế độ ngủ từ 10/6/2018 để tiết kiệm năng lượng cho hệ thống sưởi, nhằm bảo vệ các đoạn mạch khỏi tác động từ nhiệt độ quá lạnh trên Hỏa tinh.
"Nhóm quản lý Opportunity tại phòng thí nghiệm của NASA đã mất liên lạc với nó kể từ 10/6," - Andrew Good, đại diện phòng thí nghiệm cho biết.
Tuy nhiên mới đây, các bức ảnh từ vệ tinh dường như đã hé lộ địa điểm rover này đang "nằm ngủ". Đây là một tin mừng, chỉ có điều các chuyên gia lại không cảm thấy thế. Họ cho rằng đây có thể là chặng đường cuối của robot tự hành có tuổi đời lâu nhất trên sao Hỏa rồi.
Opportunity bị bụi cát bao phủ hoàn toàn (ảnh: NASA, ĐH Arizona)
Những bức ảnh cho thấy điều gì?
Theo NASA, Opportunity đang hoạt động ở thung lũng Perseverance trên sao Hỏa khi cơn bão cát ập đến. Cơn bão cộng thêm đặc điểm địa hình đã khiến vệ tinh không thể quan sát được gì nhiều.
Phải đến vài tuần gần đây khi cơn bão dần tan, NASA mới có được những bức ảnh rõ ràng hơn từ vệ tinh MRO vào ngày 20/9.
Đây là vị trí hiện tại của Opportunity
Bức ảnh trên được MRO chụp bằng HiRISE - công nghệ chụp ảnh có độ phân giải cực cao. Nó cho thấy một đốm sáng khá rõ ràng trên sườn dốc của một ngọn đồi, và đó chính là rover Opportunity.
"Điều quan trọng nhất là chúng ta vẫn chưa biết có bao nhiêu bụi đang bám trên tấm thu năng lượng của nó," - Good chia sẻ.
"Ảnh của HiRISE cho thấy xung quanh nó có những vết màu đỏ, chứng tỏ rằng bụi có rơi ra. Tuy nhiên rất khó để xác định lượng bụi chính xác."
Bức ảnh cũng mang đến tin mừng, đó là dường như lớp bụi đóng ở đây cũng không dày lắm. Điều đó có nghĩa răng khi bão tan, Opportunity vẫn có thể dần tích tụ năng lượng từ Mặt trời, dù chậm hơn bình thường.
Dù vậy, Good không tỏ ra lạc quan. Không ai biết chắc lượng bụi bám vào rover là như thế nào, và liệu chúng có đủ để khiến các thiết bị bên trong gặp trục trặc.
Nơi... an nghỉ của Opportunity trông như thế nào?
Đây là câu hỏi hơi khó trả lời, vì dù ảnh từ HiRISE có tiết lộ vị trí thì cũng rất khó đoán định được khung cảnh ở đó trông ra sao.
Dù vậy, NASA vẫn rất may khi có Seán Doran. Nghệ sĩ đồ họa người Anh này có sở thích biến mọi ảnh chụp của NASA: từ vệ tinh, bản đồ cho đến các dữ liệu và biến chúng thành hình ảnh thực tế.
Vào ngày 14/6 - chỉ vải ngày sau khi rover này mất tích, Doran đã cho công bố những hình ảnh minh họa lại khung cảnh của thung lũng Perseverance. Và nay với các dữ liệu mới, chúng ta có thể mường tượng được nơi nó mất tích cũng giống như hình ảnh dưới đây.
Theo ghi nhận từ đầu tháng 9, NASA đã kích hoạt bộ đếm ngược kéo dài 45 ngày dành cho số phận của Opportunity.
"Nếu chúng ta không thấy liên lạc trong vòng 45 ngày, nhóm sẽ đi đến kết luận rằng lớp bụi đã chặn đứng mọi cơ hội tiếp cận ánh Mặt trời của Opportunity, hoặc khí hậu lạnh đã khiến rover bị lỗi và không còn khả năng phục hồi," - John Callas, trưởng nhóm vận hành Opportunity chia sẻ vào ngày 30/8 vừa qua.
Thời hạn của bộ đếm rơi vào khoảng giữa hoặc cuối tháng 10. Nếu không có gì xảy ra, đó sẽ là dấu chấm hết cho nhiệm vụ của Opportunity. Các nhà khoa học sẽ không theo dõi và dò tìm tín hiệu của nó nữa.
Dù vậy, Callas cho rằng các cộng tác viên có thể hỗ trợ trong vài tháng kế tiếp nhằm kéo dài hy vọng. Vì biết đâu đấy, quá thời hạn này rover bỗng sống lại thì sao?
Mọi chuyện đều có thể xảy ra, nhất là khi rover này không được thiết kế để "sống" quá lâu. Khi mới đưa nó lên sao Hỏa, người ta chỉ kỳ vọng nó hoạt động được 3 tháng. Vậy mà 15 năm đã trôi qua, và chỉ cơn bão kinh khủng kia mới khiến nó gặp phải chút rắc rối thôi mà.
"Chẳng ai có thể đưa ra lời nhận xét về Opportunity cho đến khi nó liên lạc lại với chúng ta." - Callas kết luận.