Bức xúc về tình trạng ô nhiễm, người dân sống tại khu vực bãi rác Khánh Sơn 28 năm nay vẫn phải tiếp tục đợi thêm 4 năm nữa đã đề nghị lãnh đạo TP. Đà Nẵng về ở cùng.
Chiều 9/10, nhiều đơn vị của TP. Đà Nẵng do ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì đã có buổi đối thoại với người dân sống xung quanh khu vực bãi rác Khánh Sơn (thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), theo báo Pháp Luật.
Tại buổi đối thoại, ông Tuấn cho biết, các bộ ban ngành đang xem lại, thống nhất quy trình vận hành bãi rác được phê duyệt và có cơ sở giám sát của người dân.
Bãi rác Khánh Sơn gây ô nhiễm. (Ảnh: PLO) |
Về lộ trình di dời bãi rác, Phó Chủ tịch thành phố cho hay: “Phải bàn kỹ hơn. Hồi tháng 5 vừa qua, HĐND và UBND đã có văn bản thống nhất khả năng kéo dài việc dời bãi rác Khánh Sơn đến năm 2022. Nguyên nhân là do việc lựa chọn vị trí mới, công nghệ vẫn chưa được như dự kiến”.
Như vậy, sau nhiều năm chờ đợi bãi rác được di dời, người dân Khánh Sơn lại tiếp tục chờ đợi thêm 4 năm nữa, theo báo Lao Động.
Cũng trong buổi đối thoại, hàng loạt ý kiến của người dân tỏ ra bức xúc về vấn đề ô nhiễm nơi đây. Nhiều năm qua, họ phải sống chung với ô nhiễm môi trường, đặc biệt là mùi hôi thối. Thậm chí có người còn ý kiến đề nghị lãnh đạo thành phố về ở cùng để thấu hiểu nỗi khổ của người dân.
Ông Tuấn cho biết thành phố đã có văn bản lùi thời gian di dời bãi rác Khánh Sơn. (Ảnh: Báo Lao Động) |
Bà Nguyễn Thị Thành (tổ 162 phường Hoà Khánh Nam) bức xúc: “Đà Nẵng nổi danh là nơi đáng sống, nhưng sau lưng thành phố chính là bãi rác Khánh Sơn, nơi chúng tôi đã sống bao thế hệ và chịu đựng mùi hôi thối cho đến khói bụi. Liệu điều đó có công bằng với chúng tôi không?”
Bà Thành cho biết, việc người dân nhiều lần chặn xe rác, yêu cầu chính quyền vào cuộc cũng là điều bất đắc dĩ bởi: “Cứ có chính quyền xuống, công ty Môi trường đô thị mới xử lý mùi hôi. Nhưng được vài ngày sau đó mọi việc lại như cũ. Phải xử lý như thế nào chứ không thể tranh chấp mãi như vậy được”.
Trước thông tin thành phố có thể chưa đóng cửa và di dời bãi rác năm 2019 như đã từng hứa, bà Nguyễn Thị Hạnh, tổ 70 phường Hoà Khánh Nam đánh tiếng: “Chúng tôi tha thiết mời các lãnh đạo thành phố đến sống với dân đôi ba ngày để biết cuộc sống của chúng tôi bao nhiêu năm qua thế nào”.
Người dân nêu ý kiến tại buổi đối thoại. (Ảnh: Zing) |
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Đức Trung (tổ 70, phường Hòa Khánh Nam) nêu ý kiến: “Chúng tôi đã sống trong tình trạng ô nhiễm này suốt 28 năm. Nhiều lần phản ánh thì TP có hứa sẽ đóng cửa bãi rác. Ngày đóng cửa chưa biết khi nào, thế nhưng ngày nào chúng tôi cũng phải sống chung với mùi hôi thối”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng TP cần có biện pháp lâu dài về vấn đề xử lý mùi hôi và xử lý nước rò rỉ ra khu dân cư. Cần xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường, không thể để ảnh hưởng đến biển Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.
Ông Hồ Văn Sơn (ngụ khu dân cư 5 Đà Sơn) cho rằng cần phải truy trách nhiệm những người làm việc trong công ty xử lý rác. Và cần phải đền bù, giải tỏa thỏa đáng cho những hộ dân làm nông nghiệp bị ảnh hưởng do tác động của bãi rác. Cần phải có sự vào cuộc của ngành y tế vì người dân xung quanh bãi rác luôn sống trong ô nhiễm.
Ông Sơn nhấn mạnh: “Chúng tôi không đồng tình với việc khi ô nhiễm quá chịu không nổi thì mọi người ra chặn xe, lúc đó việc xử lý mùi hôi mới tạm giảm bớt nhưng khi lãnh đạo TP về thì lại đâu vào đấy. Chúng tôi cần một biện pháp lâu dài và thường xuyên của các cấp, các ngành”.
Ông Nguyễn Đức Xinh, thành viên của tổ giám sát bãi rác cho hay, tình trạng mùi hôi xảy ra liên tục, mà đỉnh điểm là những ngày cuối tháng 9. Do khu vực tập kết rác quá rộng, không thể xịt thuốc xử lý hết.
Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng – ông Đặng Đức Vũ thừa nhận, việc người dân bức xúc phản ánh về tình trạng hôi thối là đúng. Công ty đang cố gắng hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, theo báo Zing.
Tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Đình Anh, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết về nguyên nhân gây mùi hôi từ bãi rác. Cụ thể, hơn 300 người mưu sinh bằng việc bới rác mỗi ngày, phạm vi đổ rác quá rộng khiến việc xịt và xử lý mùi không thể phủ hết. Khi mưa xuống rửa trôi thuốc khử mùi nhưng những công nhân có trách nhiệm không xịt lại, chậm xử lý bùn thải đổ trên bãi,…
Trang Vũ (tổng hợp)