Tin mới

Đà Nẵng quyết kiện Bộ Tài nguyên - Môi trường

Thứ ba, 25/02/2014, 16:39 (GMT+7)

TP Đà Nẵng sẽ khởi kiện Bộ Tài nguyên - Môi trường và Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 vì sử dụng mực nước 2,53 m tại Trạm Thủy văn Ái Nghĩa làm cơ sở vận hành liên hồ chứa các thủy điện, ảnh hưởng lớn đến 1,7 triệu dân hạ du

 

 

TP Đà Nẵng sẽ khởi kiện Bộ Tài nguyên - Môi trường và Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 vì sử dụng mực nước 2,53 m tại Trạm Thủy văn Ái Nghĩa làm cơ sở vận hành liên hồ chứa các thủy điện, ảnh hưởng lớn đến 1,7 triệu dân hạ du.

Sau khi TP Đà Nẵng đánh tiếng “dọa” kiện Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) về việc sử dụng giá trị mực nước 2,53 m tại Trạm Thủy văn Ái Nghĩa (tỉnh Quảng Nam) trên sông Vu Gia làm cơ sở vận hành (quy định trong dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ thủy điện A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2), mới đây, ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT), có văn bản lý giải.

Đã cân nhắc

Theo công văn do ông Hoàng Văn Bẩy ký, để sử dụng giá trị mực nước này, Bộ TN-MT đã chỉ đạo tổ soạn thảo cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, phân tích các đặc điểm cụ thể của lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, đã cân nhắc ưu tiên nhiệm vụ bảo đảm cấp nước cho hạ du trên nhiệm vụ phát điện. Hơn nữa, lượng nước trên sông Vu Gia đến Ái Nghĩa không chỉ có hồ của Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 (Đắk Mi 4) mà còn có hồ A Vương và trong tương lai còn có hồ Sông Bung 4 trên sông Bung, trong khi lượng nước đến hồ Đắk Mi 4 chỉ chiếm khoảng 26% so với tổng lượng nước sông Vu Gia đến Ái Nghĩa.

Video: Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ gây thiệt hại cho người dân

 

 

Ông Bẩy cũng lý giải thêm là quá trình đầu tư và xây dựng các hồ đã được đội ngũ chuyên gia, hội đồng thẩm định, cơ quan chuyên môn, địa phương và cơ quan quản lý chấp thuận. Trên cơ sở phân tích, góp ý của các cơ quan và địa phương, Cục Quản lý tài nguyên nước đã cùng các chuyên gia tính toán phương án vận hành theo hướng tối ưu hóa nhu cầu dùng nước ở hạ du cũng như hiệu quả phát điện, tránh lãng phí tài nguyên. Hơn nữa, với mực nước khống chế thường xuyên được duy trì tại Trạm Thủy văn Ái Nghĩa là 2,53 m thì Đắk Mi 4 bị thiệt hại do xả nước về sông Vu Gia trong mùa cạn dao động từ khoảng 55 triệu KWh (chiếm 6,6% so với tổng sản lượng điện hằng năm) đến tối đa khoảng 144,6 triệu KWh (chiếm 17,3%), tương ứng khoảng 55 tỉ đến 145 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng (người được UBND TP Đà Nẵng giao soạn thảo góp ý quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ thủy điện A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2), cho rằng việc khống chế mực nước tại Ái Nghĩa ở mức này có nghĩa là gần như Đắk Mi 4 sẽ không xả trả nước lại cho sông Vu Gia bất chấp hạ du thiếu nước, ngoại trừ 5 m3/s để duy trì dòng chảy trên đoạn sông “chết” từ Đắk Mi 4 đến Bến Giằng (tỉnh Quảng Nam). Điều này là ngược với ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Đắk Mi 4 phải trả lại nước sông Vu Gia 25 m3/s.

Đà Nẵng quyết kiện Bộ Tài nguyên - Môi trường
Đoạn sông từ Nhà máy Thủy Điện Đắk Mi 4 đến Bến Giằng cạn kiệt, trở thành dòng sông “chết” từ khi có thủy điện

Cố ép

 

“Cục Quản lý tài nguyên nước chỉ đặt lợi ích thủy điện lên trên hết mà không quan tâm đến 1,7 triệu dân hạ du thiếu nước ra sao. Cục này đã thiên vị cho thủy điện và xem nhẹ tính mạng dân hạ du” - ông Thắng nhấn mạnh và nói TP Đà Nẵng đã rất chia sẻ với lợi ích kinh tế quốc gia nói chung và Đắk Mi 4 nói riêng. Việc TP Đà Nẵng đề nghị chọn cao trình mực nước khống chế 2,8 m tại Trạm Thủy văn Ái Nghĩa là rất thiện chí với Đắk Mi 4 bởi với mực nước 2,8 m thì trung bình hằng năm nhà máy cũng chỉ xả trả lại nước cho sông Vu Gia 452,8 triệu m3, chỉ bằng 38% so với tổng lượng nước mà nhà máy đã lấy trong mùa cạn của sông Vu Gia (1,2 tỉ m3 nước). Mặt khác, bản chất nhiệm vụ của thủy điện là không phát điện làm kinh tế vào mùa khô vì mùa khô rất ít nước, hiệu quả kinh tế không có.

 

“Mùa khô ở khu vực miền Trung là mùa mưa ở phía Bắc và Tây Nguyên, nước ở 2 khu vực này dồi dào nên để các nhà máy thủy điện ở đó phát điện. Còn vào mùa mưa, Đắk Mi 4 xả nước phát điện liên tục, cho hiệu quả kinh tế cao. Như vậy là hợp tình hợp lý. Đằng này lại cố ép dân hạ  du phải chấp nhận thiếu nước thì làm sao chịu được” - ông Thắng bức xúc.

Cũng theo ông Thắng, Cục Quản lý tài nguyên nước có hứa sẽ cùng các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu kỹ những  ý kiến của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng để Bộ TN-MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nhưng  trước mắt, TP Đà Nẵng mong được đối thoại trực tiếp với Cục Quản lý tài nguyên nước để làm sáng tỏ vấn đề; nếu cục cứ giữ nguyên việc sử dụng giá trị mực nước 2,53 m tại Trạm Thủy văn Ái Nghĩa làm quy trình vận hành liên hồ chứa như đã nói thì các sở, ban ngành ở TP này sẽ tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng khởi kiện Bộ TN-MT và cả Đắk Mi 4 (vì là đơn vị trực tiếp gây thiệt hại cho dân hạ du mặc dù vận hành đúng quy trình quy định). 

Bộ Tài nguyên - Môi trường tiếp thu!

Trước khi có các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia, hạ du rất ít khi thiếu nước. Ba năm trở lại đây, khi Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 chính thức hoạt động, hạ du liên tục thiếu nước trầm trọng, đặc biệt tình trạng nhiễm mặn tại sông Cầu Đỏ (TP Đà Nẵng) và các trạm bơm ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam nhiễm mặn rất nặng, hàng ngàn hecta lúa luôn đứng trước nguy cơ chết khô, còn người dân luôn phập phồng lo thiếu nước sinh hoạt.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 24-2 của Bộ TN-MT, Thứ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến, xem xét kỹ càng để tìm ra phương án tốt nhất trình Chính phủ”. Ông Hà cũng nhấn mạnh Bộ TN-MT không thiên về lợi ích doanh nghiệp mà sẽ tính toán, không để bên nào có lợi ích riêng bởi bảo vệ tài nguyên nước mà không có thủy điện cũng không thể phát triển kinh tế - xã hội được. Bộ TN-MT sẵn sàng ngồi lại với TP Đà Nẵng để xem xét cơ sở khoa học của những tính toán.

Theo H.Dũng - Th.Dương 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news