Trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) ngày 14/11, nhiều ĐBQH băn khoăn về việc “bộ đội làm kinh tế”. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho hay đề nghị bổ sung nguyên tắc, "lực lượng quốc phòng không làm kinh tế thuần túy vì lợi ích, lợi nhuận hoặc kinh doanh những ngành nghề không phục vụ cho hoạt động quốc phòng".
Theo Pháp luật TPHCM và Vnexpress, sáng 14/11, trong phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), đại biểu Trương Trọng Nghĩa ủng hộ phát triển công nghiệp quốc phòng, bởi đây là lĩnh vực các nước trên thế giới đều thực hiện.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng quân đội không nên làm kinh tế thuần tuý. Ảnh: Quốc hội |
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng quân đội cần tập trung nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu, việc kết hợp kinh tế quốc phòng không nên đi vào hướng làm kinh tế thuần tuý, vì lợi nhuận; không nên kinh doanh những ngành nghề không phục vụ cho hoạt động quốc phòng.
Vì vậy, đại biểu Nghĩa đề nghị bổ sung nguyên tắc, "lực lượng quốc phòng không làm kinh tế thuần túy vì lợi ích, lợi nhuận hoặc kinh doanh những ngành nghề không phục vụ cho hoạt động quốc phòng".
“Ví dụ, anh xây khách sạn, anh phục vụ massage, xây dựng nhà ở để bán...” - ông Nghĩa dẫn chứng những ngành nghề mà ông cho rằng không phục vụ cho hoạt động quốc phòng.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng điều này nhằm làm tăng cường sức mạnh quốc phòng, để không phân tán nguồn lực, đặc biệt là xây dựng niềm tin, tình cảm của nhân dân, xã hội đối với quốc phòng.
“Nếu người dân thấy anh mặc quân phục, xe biển đỏ, anh kinh doanh này kia rồi lại giàu có lên rất nhiều thì niềm tin bị ảnh hưởng. Nhất là trong lúc kinh doanh thuần túy này anh lại có sai phạm thì ảnh hưởng ngay đến uy tín, tình cảm của người dân đối với quân đội” - ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, Nhà nước, nhân dân có nghĩa vụ bảo đảm kinh phí cho quân đội thực hiện nhiệm vụ của mình.
Lê Vy (tổng hợp)